Người đàn bà quay về từ cõi chết

Sự kiện: Đằng sau song sắt

“Nếu tội của cháu không thể tha thứ, cháu mong bác cho cháu được cống hiến thân xác cho nền y học nước nhà”. Đó là những lời khẩn cầu đẫm nước mắt của Hà Thị Vân Anh trong lá đơn gửi tới Chủ tịch nước cách đây hơn 7 năm. Và thật may, số mệnh người đàn bà này chưa tận...

Rơi vào “vòng xoáy”

Giữa lúc mưa nặng hạt, trước cửa Sở chỉ huy Phân trại số 5 - Trại giam Tân Lập (Phú Thọ) xuất hiện 2 người phụ nữ với 2 tư cách hoàn toàn trái ngược nhau. Vừa tiến đến chỗ chúng tôi, nữ phạm nhân vừa lễ phép chào hỏi, còn Trung úy Nguyễn Thị Thu Giang thì dí dỏm: “Báo cáo, nhân vật nhà báo muốn gặp đã có mặt”. Phạm nhân Hà Thị Vân Anh (SN 1974) thật khác xa với những gì chúng tôi tưởng tượng.

Có thể khẳng định ngay, Vân Anh không được xếp vào hàng phụ nữ xinh đẹp hay tuýp người ưa ăn diện, càng không có vẻ gì của một “thương gia” buôn “hàng trắng”. Cái gương mặt cứ chân chất, hiền hiền. Ngấp nghé tuổi 40 và lại phải sống trong cảnh tù tội, vậy mà Vân Anh vẫn trẻ hơn rất nhiều so với tuổi… Sau chút căng thẳng, người đàn bà ngồi trước mặt chúng tôi dần lấy lại tự tin để kể về con đường tội lỗi của mình.

Vân Anh lớn lên ở một xã nghèo của huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang. Hơn 17 tuổi, chị ta theo chồng về xã Ngọc Vân, Tân Yên làm dâu. Đồng đất Bắc Giang vốn lắm sỏi nhiều dăm, thế nên muốn có cuộc sống no đủ thì không có cách nào khác là phải “không cho đất nghỉ không ngừng tay ta”. Cái đó thì Vân Anh không ngại, gia đình vốn đông con, chị ta đã học được cái nết hay làm từ nhỏ.

Oái ăm thay sau hơn 10 năm lấy chồng và có được 2 đứa con trai, Vân Anh đã bị choáng váng trước “phong trào” làm giàu bằng con đường phạm pháp của một số người ở Ngọc Vân. Người này đi buôn ma túy, người kia cũng học theo. Họ đua nhau như thể phong trào VR (vườn rừng) ở đất Lục Nam, Lục Ngạn thuở nào. Thời điểm ấy và ngay cả bây giờ, đất Tân Yên đã có không ít trường hợp cả nhà cùng “chết” vì ma túy. Thấy người làng trên xây biệt thự, người xóm dưới sắm ô tô, Vân Anh như có lửa đốt trong lòng.

Đúng dịp ấy, một ngày giữa tháng 3/2004, người đàn bà “chân lấm tay bùn” tình cờ gặp lại người bạn vong niên, nhà ở Phố Thắng, Hiệp Hòa. Anh này có cái biệt hiệu thật trêu ngươi là Thịnh “nửa đời”. Và chẳng biết có phải vì cái biệt hiệu ấy hay không mà về sau Thịnh “nửa đời” chết yểu vì sốc ma túy. Nghe anh bạn tỉ tê, Vân Anh quyết định tự mình thay đổi số phận. Ngày 11/4/2004, được Thịnh “nửa đời” sắp xếp, Vân Anh lên Mộc Châu, Sơn La lấy ma túy. Chuyến hàng định mệnh đó, Vân Anh trực tiếp mua 3 bánh heroin (tương đương hơn 1.000gram) của một đối tượng không rõ tên tuổi. Thế nhưng trên đường về, khi vừa đặt chân tới bến đò Bãi Sang (Hòa Bình) thì bị lực lượng công an “cất vó”.

Nói đến thủ đoạn đánh hàng, Vân Anh khẽ thở dài, rồi bảo: “Thật may là pháp luật công minh nếu không thì chị gái em chết mất”. Theo lời của nữ phạm nhân này, quyết định “dấn thân”, Vân Anh và chị chồng đã bàn bạc trước với nhau. Lấy lý do lên Mộc Châu buôn mơ, mận về bán, 2 người đàn bà này còn rủ thêm cả chị gái của Vân Anh đi cùng hòng “che mắt” thiên hạ. Lúc nhận được ám hiệu, Vân Anh một mình ôm đô la Mỹ lẻn đi giao dịch, sau đó để ma túy vào núi nilon đựng cam, rồi tung tăng xách về như mấy bà đi buôn chuyến thực thụ. Khi bị chị gái hỏi dồn vì sao không đánh mơ, mận về nữa, chị ta lấp liếm “đầu mùa, hàng đắt, không mua nữa”... Ngày 23/3/2005, Vân Anh bị TAND tỉnh Hòa Bình tuyên phạt tử hình về tội “Mua bán trái phép chất ma túy”. Cùng tội danh, người chị chồng cũng bị xử phạt tù chung thân. Riêng người đàn bà thứ 3 trong số đó được xác định là không dính líu gì đến vụ án. Hơn 2 tháng sau, TAND Tối cao xử phúc thẩm vẫn y án tử hình đối với Vân Anh.

Xin sống vì cán bộ trại giam

Với cái cách giãi bày của Vân Anh thì con đường phạm tội của chị ta thật giản đơn và “cái số” nó đen đủi. Nhưng trong suốt cuộc tiếp xúc, chúng tôi có cảm giác sự thể không đơn giản chỉ là như vậy. Đặc biệt là khi người đàn bà này nói đến cảm xúc và hành trình từ “cõi chết” trở về. Rồi cả cái sự thiếu lo gic trong câu chuyện mà Vân Anh kể. Lúc trước chị ta bảo không buồn, không trách chồng khi anh này cưới người đàn bà khác ngay sau khi vợ dính án. Thế nhưng lúc sau chị ta lại nói hận chồng đến tận xương tủy. Trước khi khơi lại chuỗi ngày chờ đợi cơ hội cuối cùng, Vân Anh cũng không giấu giếm: “Chồng em cũng mới bị bắt vì ma túy. Anh ta hiện đang bị giam giữ ở một trại tạm giam của Bộ Công an”. Vân Anh nói mà không chút biểu lộ cảm xúc.

Con chim trước khi chết, tiếng hót bao giờ cũng hay, con người trước lúc lìa đời lời nói bao giờ cũng thật. Nhưng đối với nữ phạm nhân ở Phân trại số 5 dường như chỉ đúng có một nửa. Đang lúc vui tươi, hồ hởi vì mấy câu bông đùa, Vân Anh bỗng xẹp ngay lại khi nhắc tới hình phạt của bản thân. Chị ta bảo rằng: “Người ta thì mong được sống, còn em thì chỉ mong được chết thôi. Ngay cả bây giờ cũng thế, bởi cái án chung thân thì em làm gì có đường mà trở về”. Vậy thì vì lý do gì chị lại viết đơn xin Chủ tịch nước xá tội chết, chúng tôi gạn hỏi.

Hướng ánh mắt ra ngoài hành lang, chị ta khẽ khọt: “Em không muốn phụ lại tình cảm của các cán bộ trại tạm giam”. Theo hồi ức của Vân Anh, ngay từ lúc bị chiếc còng số 8 bập vào tay, chị ta đã xác định chắc chắn “dựa cột”. Ngày cấp tòa sơ thẩm, rồi đến cấp phúc thẩm tuyên y án tử hình cũng thế. Cái cảm giác sẽ chết, chấp nhận cái chết và mong nhanh chóng được thi hành án cứ bám chặt lấy đầu óc chị ta. Được nhập trở lại trại tạm giam sau cái án tử hình, chị ta có phần phá phách và tỏ rõ thái độ tiêu cực. Vậy nhưng những hành động ấy cũng chỉ loáng thoáng qua, rồi thay vào đó là trạng thái trầm cảm. Vân Anh vẫn còn nhớ như in, sáng 30/7/2005, chị ta được một nữ quản giáo, rồi hai người và nhiều hơn thế thay nhau đến an ủi, động viên viết đơn xin Chủ tịch nước xá tội chết. Chị ta kiên quyết chối từ. Những ngày tiếp sau cũng vậy, cán bộ trại tạm giam vẫn kiên trì thuyết phục. Họ không tiếc lời động viên và dành cho nữ tử tù những tình cảm yêu thương, gần gũi nhất. Đáp lại, Vân Anh vẫn cứ trơ trơ như hòn đá cuội.

Nhưng đến ngày thứ 7 (thời hạn cuối cùng) thì chị ta không thể cầm lòng nổi. Mang cơm vào cho phạm nhân, nữ chiến sĩ quản giáo bảo với Vân Anh rằng: “Em không sống vì mình thì cũng phải sống vì con và vì mọi người xung quanh chứ”. Vân Anh gục đầu vào vai nữ quản giáo và òa khóc như một đứa trẻ. Để rồi chị ta xin giấy bút viết một mạch kín gần 2 trang giấy với những nét chữ ngả nghiêng. “Đến giờ em vẫn còn nhớ như in mình đã nói gì, viết gì trong lá đơn ấy” - chị ta bảo vậy.

Dứt lời, chị ta vanh vách đọc lại cho chúng tôi nghe một đoạn trong lá đơn: “Mạng sống con người là trên hết. Cháu phận gái nữ nhi, không hiểu gì luật pháp. Cháu đã ham lợi nhuận mà đánh mất bản thân. Hôm nay, cháu thật xấu hổ phải viết đơn này lên khiếu bác. Cháu mong bác mở rộng lòng khoan hồng. Cho cháu được sống trên con đường cải tạo vì cháu còn mẹ già và 2 con nhỏ. Để các con cháu được lớn lên theo tiếng nói của cháu. Nếu tội của cháu không thể tha thứ….”. Đơn xin được sống của tử tù lập tức được gửi đi, để rồi hơn 6 năm sau, ngày 19/11/2009, chị ta bất ngờ được “tái sinh”. Có lẽ xét thấy người đàn bà này vẫn còn có thể cải tạo, giáo dục được nên Chủ tịch nước đã chấp nhận lá đơn. Hôm đích thân đồng chí Giám thị Trại tạm giam Hòa Bình cầm quyết định xá tội xuống khu giam giữ đặc biệt, tất cả những người có mặt ở đây đều hồ hởi chúc mừng chị ta. Riêng Vân Anh thì cứ ấp úng mãi chẳng nói được gì. Chị ta chỉ biết ôm ghì lấy nữ cán bộ quản giáo đứng gần nhất khóc như mưa.

Giờ đây, thụ hình ở Trại giam Tân Lập với cái án chung thân, tuy lúc trước chị ta bảo muốn chết, song cứ nhìn vào cái cách mà Vân Anh hướng thiện và nụ cười như hoa nở, chúng tôi hiểu người đàn bà này vẫn còn khát khao sống lắm. Trong lòng chị ta chắc hẳn cũng mong có ngày được trở về!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Minh Long (An Ninh Thủ Đô)
Đằng sau song sắt Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN