Quản giáo kể chuyện trông tử tù Nguyễn Đức Nghĩa

Khi biết mình phải chịu tử hình bằng tiêm thuốc, Nghĩa tỏ ra buồn chán, đêm thường không ngủ, hoặc ngủ rất ít. Có hôm tử tù này thức đến 2 - 3h sáng rồi ngồi trầm tư.

Mỗi phạm nhân là một câu chuyện đời

Sinh ra khi đất nước bước vào những năm cuối của thời kỳ chiến tranh, tốt nghiệp phổ thông xong, Lê Trung Hà thi vào trường An ninh.

Năm 1995, anh được cử về công tác tại trại tạm giam số 1 (Xuân Phương, Từ Liêm, Hà Nội). Anh tâm sự, thời gian đầu mới vào trại giam hết sức bỡ ngỡ vì ở đây toàn giam những phạm nhân gây trọng tội, trong đó có nhiều tội phạm hết sức liều lĩnh, nguy hiểm. Lúc này, anh chưa có nhiều kinh nghiệm.

Sau nhiều năm công tác trong ngành, hiện nay, nam quản giáo 41 tuổi này đang được giao trông coi 28 tử tù chờ đến ngày phán quyết vì những tội lỗi họ gây ra. Gần 8h sáng hàng ngày, anh lại điểm danh các can phạm và người bị tạm giữ, nắm tình hình các buồng giam do mình quản lý và thực hiện công tác chỉ huy, tổ chức đi cung phục vụ công tác tố tụng.

Quản giáo kể chuyện trông tử tù Nguyễn Đức Nghĩa - 1

Đại úy Lê Trung Hà.

"Mỗi phạm nhân trong buồng giam là một câu chuyện đời. Mỗi mảnh đời không ai giống ai. Là cán bộ quản giáo, không chỉ riêng tôi, các cán bộ khác cũng đều phải lắng nghe những suy nghĩ, nắm bắt được tư tưởng của họ để kịp thời khuyên giải tránh để những phạm nhân bị kích động hoặc buồn bã mà dẫn tới những hành động tự làm thương tổn bản thân”, anh Hà chia sẻ.

Đại úy Hà nói, mỗi cán bộ quản giáo như một giáo viên tâm lý. Công việc chính của họ không chỉ là trông coi phạm nhân mà còn phải cảm hóa, giáo dục tư tưởng. Với mỗi trường hợp cần có một “giáo án” riêng để phân giải nhằm tạo sự thân thiện, tin tưởng để họ hợp tác với cơ quan điều tra, yên tâm cải tạo để hưởng sự khoan hồng của pháp luật, sớm trở về với gia đình.

Nam quản giáo cũng cho biết, trong trại tạm giam số 1 của công an Hà Nội, ngoài số người có án, các bị an nằm trong các vụ án chờ xét xử còn có người mang án tử hình. "Khó khăn nhất chính là việc trông coi những phạm nhân bị tội tử hình vì tâm lý của họ rất bất ổn, sẵn sàng tự sát bất cứ lúc nào nếu không được trông coi cẩn thận”, quản giáo Hà nói.

Quản giáo kể chuyện về tử tù Nguyễn Đức Nghĩa

Trong số những tử tù mà anh Hà trông coi có Nguyễn Đức Nghĩa. Ngay từ những ngày đầu mới bị bắt giam, anh là người được giao trông coi, cho đến thời điểm hiện tại. Anh bảo, ngày nào cũng vào trò chuyện với Nghĩa.

"Lần đầu gặp Nghĩa trong buồng giam, tôi không tin được nam thanh niên đeo mắt kinh cận dày cộp đang ngồi run lẩy bẩy chính là kẻ thủ ác mà báo chí và vác phương tiện thông tin đã đăng tải trong suốt một thời gian dài về hành vi giết người dã man. Hôm đầu tiên gặp quản giáo, Nghĩa không nói được gì, chỉ ngồi cúi gằm mặt. Mang đồ ăn đến, Nghĩa cũng không chịu ăn, ban đêm cũng không chịu ngủ…”, anh Hà nhớ lại.

Quản giáo kể chuyện trông tử tù Nguyễn Đức Nghĩa - 2

Tử tù Nguyễn Đức Nghĩa.

Nắm được tâm trạng của Nghĩa, anh Hà bảo khi vào đã không nhắc gì đến chuyện gây án mà chỉ vào nói chuyện động viên. Anh nói rằng: "Sự việc xảy ra như thế rồi, em cố gắng nghỉ ngơi và hợp tác với cán bộ điều tra, nếu may mắn sẽ được hưởng sự khoan hồng của pháp luật”. Nghe câu nói của anh Hà, Nghĩa khóc òa như một đứa trẻ. "Vừa khóc, Nghĩa vừa mếu máo nói rằng thương bố mẹ đã cho mình ăn học, giờ gây ra tội lỗi thế này không biết phải làm sao nữa”, anh Hà nói.

Nhiều lần trong buồng giam, Nghĩa tỏ rõ ý định không muốn sống. Mỗi lần như vậy, anh Hà đều vào nói chuyện, động viên đồng thời tăng cường kiểm tra để phòng  trường hợp Nghĩa tự gây sát thương.

Hàng ngày Nghĩa bị cùm chân, khi đến giờ mới được cán bộ đưa đi lao động, vệ sinh cá nhân. Cán bộ quản giáo cũng cho hay để đảm bảo sức khỏe cho tử tù này, anh đều động viên để Nghĩa không bỏ bữa ăn.

Vài lần khi có mẹ và chị gái đến thăm, tinh thần Nghĩa có khá hơn nhưng chỉ được một hai ngày sau tử tù này lại suy sụp. Đặc biệt, khi biết mình phải chịu tử hình bằng tiêm thuốc độc, Nghĩa càng tỏ ra buồn chán, đêm thường không ngủ, hoặc ngủ rất ít, tới khoảng 2, 3 giờ sáng lại thức dậy ngồi trầm tư.

Tâm sự với phóng viên, cán bộ quản giáo Lê Trung Hà bảo điều khó nhất mà mỗi cán bộ quản giáo cần làm không phải trông coi thể xác của phạm nhân mà chính là nắm được phần hồn của họ, làm sao “chạm” được vào góc tâm hồn mà họ đang cố giấu, có như vậy mới là thành công.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Lê Tú (Tri thức trực tuyến)
Vụ án xác chết không đầu Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN