Hai nửa chông chênh

Sự kiện: Sách hay

Không có những xúc cảm dục tính, nhưng lại có đầy đủ các cung bậc yêu thương khi gần gũi, nhớ nhung khi xa cách.

Điều gì sẽ níu giữ con người với cuộc sống bộn bề lo toan và chất chồng trách nhiệm với đa phần là niềm vui ít hơn nỗi buồn? Câu trả lời đó chính là tình yêu và những khát khao, trong đó khát khao được khẳng định mình.

Hai nửa chông chênh - 1

"Hai nửa chông chênh" hoàn thành sứ mệnh khi truyền tải thành công thông điệp: yêu thương luôn đẹp và ấm áp trong bất kỳ hoàn cảnh nào

Hai nhân vật chính trong tập truyện dài "Hai nửa chông chênh" của Nguyễn Phước Huy: một anh chàng nhà báo chuyên viết phóng sự và một nhiếp ảnh gia dù bước đầu đã khẳng định được phần tài năng trong lĩnh vực hoạt động của mình, nhưng vẫn chông chênh vô định bởi những giằng xé trong tình cảm.

Trải dài suốt tập truyện là hai câu chuyện tình yêu chạy song song với nhau của nhân vật tôi - anh chàng nhà báo. Vốn đã nói lời yêu và xác định gắn bó cuộc đời với cô gái tên Liễu, nhân vật tôi bỗng hoang mang khi phát hiện ra những xúc cảm lạ lùng khi tiếp xúc với Dương, một nhiếp ảnh gia có tài, người đã chỉ anh các chụp những bức ảnh nhiều xúc cảm hơn thay vì tuân thủ những nguyên tắc bài bản nhưng cứng nhắc, vô hồn.

Không có những xúc cảm dục tính, nhưng lại có đầy đủ các cung bậc yêu thương khi gần gũi, nhớ nhung khi xa cách, thậm chí cả ghen tuông khi chứng kiến “người ta” bên người khác giới... những tình cảm ấy đã khiến nhân vật tôi hoang mang, sợ hãi, trốn chạy; để rồi chạm đến giới hạn tận cùng của sức chịu đựng, anh đã chọn cách quay lại đối mặt với nó; bằng cách nối lại phần nào mối quan hệ với cả Liễu và Dương; bằng cách tìm đến bác sĩ tâm lý, từng bước từng bước tiếp nhận mình có thể cũng là một hạt nhân trong tập thể những người “lưỡng giới”…

Nhưng với một người vốn đã quá nằm lòng định kiến của xã hội với những người “dị giới”, và bản thân cũng từng điều tra và viết loạt phóng sự không mấy thiện cảm về những người đồng tính dù không thực sự thích thú… thì không dễ để nhân vật tôi an bài với những xúc cảm của mình.

Bên cạnh đó, dù chỉ được tác giả khắc họa rất ít qua lời kể của nhân vật tôi nhưng nỗi chông chênh của nhân vật chính còn lại, anh chàng nhiếp ảnh gia cũng hiện lên rõ nét và ám ảnh người đọc.

Dằn lòng trước định kiến của xã hội, cũng như cam chịu sự nén chặt tình cảm trong tim của nhân vật tôi, cuối cùng Dương cũng đi đến quyết định cưới một người con gái anh đã biết từ lâu. Nhưng nụ hôn và lời yêu ám ảnh của anh dành cho một người đàn ông sắp đi xa ở cuối câu truyện khiến người đọc không thể không đặt câu hỏi về sự tồn tại của cuộc hôn nhân vừa diễn ra trang nghiêm trong nhà thờ, cũng như mối quan hệ sau này của hai nhân vật chính.

Bàng bạc trong câu chuyện còn là sự chênh vênh của một nhà văn nữ giữa những mối tình chóng vánh, ít ràng buộc và một cậu trai cô đơn, vô vọng trước mối tình dành cho một người đồng giới … trong vòng xoay bất tận cho cuộc mưu sinh mệt nhoài nơi phố phường đông đúc.

Với rất nhiều chất tự sự, và sự thầm lặng, giản dị như ước mơ của rất nhiều người sinh ra vốn đã khác biệt với hai nửa còn lại của thế giới, "Hai nửa chông chênh" hoàn thành sứ mệnh khi truyền tải thành công thông điệp: yêu thương luôn đẹp và ấm áp trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Như nhà văn Nguyễn Hữu Tài đã nhận xét về cuốn sách: “Gấp trang sách lại, cảm giác chông chênh nhưng vẫn vô cùng ấm áp, thấy rằng tình yêu luôn là một món quà vạn năng và tuyệt vời của tạo hóa. Nó có thể làm lành được vết thương lòng đang dang dở, vực con người đi qua những lối quanh, ngã rẽ cuộc đời, là động lực để con người ta sống và làm việc, dẫu đó là thứ tình cảm lạc lõng mà ngoài kia người ta đang dè bỉu, ghẻ lạnh .”

Cuốn sách là một thử nghiệm khác của tác giả Nguyễn Phước Huy vốn được rất nhiều độc giả biết đến qua tập tản văn “Xin cho tôi một nửa cuộc đời” được xuất bản cách đây 2 năm. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hồng Vân ([Tên nguồn])
Sách hay Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN