Khiếp sợ mùi mắm tôm nơi công sở

Nhiều nhân viên văn phòng hồn nhiên ăn bún đậu mắm tôm, nướng mực ngay trong phòng làm việc.

Nấu ăn tại văn phòng làm việc là hành động gây mất mỹ quan, khiến môi trường công sở không còn được chuyên nghiệp. Tuy nhiên, trong thời buổi kinh tế khó khăn như hiện nay, đây lại là cách để cân đối ngân sách hiệu quả nhất.

Theo giới văn phòng, có nhiều lý do để dân công sở chọn cách ăn trưa tại cơ quan. Có thể do nhà xa, giờ nghỉ trưa ngắn ngủi mọi người không có thời gian đi lại, hay ăn cơm tại văn phòng để tránh việc ra ngoài khi trời nắng nóng, mưa gió. Thậm chí, việc tự nấu cơm trưa mang đi còn giúp họ tiết kiệm hơn so với việc ăn ngoài hàng quán. Tuy nhiên, ở chốn tập thể, việc ăn trưa diễn ra không có quy tắc nhất định sẽ dẫn đến những rắc rối khôn lường.

Công ty cổ phần chuyên về lĩnh vực địa chất hoạt động tại khu vực Trung Hòa (Cầu Giấy) có khoảng 10 người làm việc trong một căn hộ thuê. Thời gian đầu, nhân viên công ty tự lo cho bữa trưa của mình. Về sau, mọi người thấy nhà bếp của tầng 1 không dùng đến nên xin ý kiến cấp trên được tự túc nấu ăn sau giờ nghỉ trưa. Thông cảm với nhân viên, sếp đồng ý cho mọi người được  tổ chức nấu ăn ngay tại văn phòng.

Từ khi có quyết định nhân viên được tự do sử dụng căn bếp, ai nấy đều hào hứng lên kế hoạch cho bữa trưa của mình. Mọi người vạch ra chi tiết từng công việc phân chia cho từng cá nhân và thực đơn các bữa ăn trong tuần một cách khoa học, hợp khẩu vị.

Mọi người cử Thơ – nhân viên văn thư của công ty đảm trách công việc đi chợ mua đồ ăn thức uống hàng ngày. Việc nấu nướng chia lịch cho từng người theo từng ngày khác nhau. Nói chung, việc tự nấu nướng tại công ty khiến các nhân viên rất hài lòng. Bữa ăn vừa đảm bảo đủ chất, hợp vệ sinh, tiết kiệm hơn việc đi ăn ngoài. Không những thế, mọi người có dịp gần gũi chia sẻ với nhau những câu chuyện ngoài công việc.

Khiếp sợ mùi mắm tôm nơi công sở - 1

Việc nấu nướng tại văn phòng còn ảnh hưởng đến cả những cơ quan gần đó (Ảnh minh họa)

Thế nhưng, việc nấu ăn chung diễn ra được hơn 1 tháng đã phát sinh không ít những chuyện không hay. Mọi người bắt đầu thấy lười với công việc vào bếp, hay đùn đẩy công việc cho nhau dẫn đến những mâu thuẫn, khó chịu trong cả công việc.

Cả công ty bắt đầu phán tán những chuyện nói xấu, chê bai cô A, chị Ba không biết nấu ăn. Thậm chí còn nghi hoặc người thu chi tiền quỹ chung của mọi người “biển thủ” cho cá nhân....Bỗng chốc, việc ăn chung của tập thể trở nên phức tạp, khiến cấp trên cũng phải đau đầu với đủ chuyện xấu tốt không tên. Cuối cùng, cấp trên đành phải tuyên bố giải tán, phát lệnh “mệnh ai người nấy lo”.

Ngoài việc gây mâu thuẫn nội bộ,  nấu ăn nơi công sở còn gây những phiền toái cho "hàng xóm láng giềng". Chẳng là, văn phòng làm việc của Hương nằm kế cận bên công ty truyền thông chuyên về thương mại điện tử cùng một sàn của tòa nhà hiện đại trên đường Hồ Đắc Di (Đống Đa).

Vì liền vách nên trưa nào Hương và các đồng nghiệp cùng phải chịu trận “hít hà” đủ mùi đồ ăn thức uống tỏa ra từ công ty bạn. Như lời Hương kể, công ty cạnh bên không quy định cấm ăn uống trong văn phòng, nhân viên ở đó thường tận dụng điện của công ty, mang bếp từ, nồi cơm điện, ấm điện đến văn phòng để nấu nướng, nấu mì cho bữa trưa. Hôm nào, họ cũng nấu nướng đủ món. Dù cách nhau một bức vách nhưng chỉ cần ngửi mùi đã biết được trưa nay "hàng xóm" ăn gì.

"Nhiều hôm, bụng đói cồn cào, ngửi mùi đồ ăn “hàng xóm” mà ức chế khủng khiếp, cứ như họ đang khiêu khích cái bụng mình vậy". - Hương cho hay.

Chưa hết,  không ít lần “hàng xóm” còn mang cả những đồ ăn “gây mùi” nồng nặc đến cả nơi làm việc. “Mình nhớ có lần đang thiu thiu chợp mắt, mùi mắm tôm “hàng xóm” bay sang nức cả phòng. Mình vốn dị ứng với mùi này, chiều đó mình phải xin sếp cho về nhà để lánh nạn.” – Thơ chia sẻ.

Mực nướng, bún đậu mắm tôm, sầu riêng, mít chín.. là những món mà "hàng xóm" cũng không đành bỏ qua. Và nó luôn là nỗi ám ảnh kinh hoàng không chỉ riêng với Thơ và rất nhiều đồng nghiệp khác trong công ty của cô.

Không nấu cơm tại công ty, hiện nay nhiều nhân viên chọn cách mang đồ ăn được đã chế biến sẵn từ nhà mang đi. Thanh Thủy – nhân viên công ty phát triển du học tại Hà Nội thường tự nấu bữa trưa rồi đem đến công ty. Hàng ngày, Thủy chuẩn bị cơm và đồ khá tươm tất vào những chiếc hộp rất xinh xắn. Tuy nhiên, vì thói luộm thuộm hay quên, mỗi khi dùng cơm trưa xong, Thủy lại bỏ vật vạ những chiếc hộp vào các góc khuất.

Sau nhiều ngày bỏ bẵng, những chiếc hộp không được chà rửa bốc mùi nồng nặc, ám khắp phòng làm việc.  Dù mọi người đã nhắc nhở, thậm chí phê bình và đưa ra lời chỉ trích, nhưng Thủy vẫn không từ bỏ được thói quen cũ, vi phạm nội quy vệ sinh chung của công ty. Hậu quả, Thủy nhận hình phạt vệ sinh văn phòng trong vòng 1 tuần lễ để ghi nhớ việc làm vô ý của mình.

Việc mang theo đồ ăn trưa tới văn phòng hay nấu nướng tại nơi làm việc đã trở nên quen thuộc với rất nhiều người và nhiều doanh nghiệp. Tuy nhiên, mọi người cần phải biết được giới hạn để nó không trở thành “thảm họa” giáng xuống cho những người xung quanh và không làm xấu đi “bộ mặt”  của doanh nghiệp.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thu Phong ([Tên nguồn])
Công sở và những áp lực Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN