Người mẹ tự hào có 3 con làm nhiệm vụ ở Hoàng Sa

Dù luôn mong ngóng tin tức, nhưng lúc nào mẹ cũng hãnh diện và tự hào bởi có đến ba người con là Cảnh sát biển đang làm nhiệm vụ bảo vệ biển đảo.

Kể từ khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép Hải Dương - 981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, ngày nào người mẹ ấy cũng ngóng tin tức ba đứa con đang làm nhiệm vụ ở đảo Hoàng Sa. Lo lắng là vậy, nhưng lúc nào mẹ cũng hãnh diện và tự hào bởi mẹ có đến ba người con là Cảnh sát biển đang làm nhiệm vụ bảo vệ biển đảo. Mẹ luôn cố gắng làm tròn công tác hậu phương, tiếp sức mạnh cho các anh thêm kiên cường để giữ vững chủ quyền vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.

Niềm tự hào của người mẹ

Người mẹ đó là Phan Thị Chung (65 tuổi) xóm Trung Phú, xã Diễn Vạn, huyện Diễn Châu (Nghệ An). Tiếp chúng tôi trong một ngày nắng nóng, mẹ lấy những tấm bằng khen của ba đứa con rồi nói với giọng đầy tự hào:  "Tui có ba người con hiện là lính đảo Hoàng Sa. Tui bị bệnh huyết áp cao nhưng mấy tháng nay phải vào thành phố Đà Nẵng để chăm sóc con dâu và đưa cháu đi học để con trai yên tâm công tác. Cách đây khoảng một tuần, ông nhà tui vào thay, tui mới tranh thủ về nhà một thời gian...".

Mẹ Chung có năm người con (hai trai, ba gái). Con trai cả là Thiếu tá Hoàng Quốc Đạt - Trưởng ban tác chiến, phòng Tham mưu, Cảnh sát Biển vùng II (đóng ở tỉnh Quảng Nam) hiện đang làm nhiệm vụ ở đảo Hoàng Sa. Ngoài anh Đạt, mẹ còn có hai người con rể tên là Lê Văn Hùng (Diễn Kỷ, Diễn Châu) và Lê Đức Hạnh (Thái Bình) cũng đang làm Cảnh sát Biển ngoài Hoàng Sa.

Do đặc thù công việc, các con phải đi nhiều ngày ngoài biển khơi  nên ít khi gia đình mẹ được sum vầy đầy đủ. Mẹ Chung bần thần nói: "Mỗi năm chỉ trông chờ vào dịp Tết để gia đình đoàn tụ, vậy mà cái mong ước ấy nhiều khi cũng không thực hiện được, khi năm thì đứa này, năm thì đứa kia bận trực đơn vị. Gia đình đông con mà lúc nào cũng neo người. Dù buồn nhưng tui luôn cố giấu kín trong lòng. Bởi tôi sợ các con biết sẽ lo lắng, ảnh hưởng đến công việc".

Người mẹ tự hào có 3 con làm nhiệm vụ ở Hoàng Sa - 1

Tấm bằng khen của người con trai đầu, Thiếu tá Hoàng Quốc Đạt.

Ngồi mân mê bằng khen cao quý của con trai Hoàng Quốc Đạt, nước mắt mẹ chực trào. Đó là những giọt nước mắt vì hạnh phúc, tự hào về đứa con kiên cường của mình. "Hình như khi theo nghiệp lính biển, đứa nào cũng kiên cường, gan dạ như nhau thì phải. Ba thằng đó, đứa nào cũng kiên cường lắm, cũng vì vậy mà lòng tui yên tâm phần nào". Mẹ nói về các con của mình bằng niềm tự hào xen chút hãnh diện.

Được biết, hiện nay vợ Cảnh sát Biển Hùng là Hoàng Thị Hồng, đang là giáo viên cấp 1 ở xã Diễn Hải. Do công việc đặc thù nên ít khi anh được nghỉ phép về quê cùng vợ con. Vậy nên, hằng năm tranh thủ nghỉ hè, chị lại khăn gói vào Đà Nẵng thăm chồng một thời gian cho thỏa lòng nhớ mong, nhưng riêng năm nay chị Hồng chưa được vào thăm chồng vì anh đang làm nhiệm vụ ngoài biển khơi. Còn vợ chiến sỹ Lê Đức Hạnh là chị Hoàng Thị Quỳnh, sau khi học chuyên ngành kế toán xong, do chưa xin được việc nên hiện nay sống ở Đà Nẵng. Cuộc sống thành thị đắt đỏ, nhưng chị vẫn cố gắng bám trụ để được gần chồng hơn, như vậy cũng là để anh yên tâm làm nhiệm vụ.Đôi mắt hướng về bức ảnh chụp chung hiếm hoi của gia đình, mẹ  Chung bảo: "Đó là bức ảnh được chụp vào Tết Nguyên đán năm 2012, khi ấy tất cả dâu, rể, con, cháu tụ họp đầy đủ".

Người mẹ tự hào có 3 con làm nhiệm vụ ở Hoàng Sa - 2

Bức ảnh ghi lại cuộc đoàn tụ hiếm hoi của gia đình mẹ Chung.

Hậu phương vững chắc cho các con yên tâm công tác

Cách đây mấy năm, vợ anh Đạt là chị Lê Thị An bị suy thận nặng. Khi đó, sau thời gian dài điều trị khắp các bệnh viện mà bệnh tình không có biến chuyển, thậm chí còn nặng hơn. Cuối cùng, chị An đành phải áp dụng phương pháp chạy thận để bảo toàn tính mạng. Thương đứa con dâu hiền lành, đảm đang mắc trọng bệnh, mẹ Chung cố gắng tìm thầy, tìm thuốc, chăm sóc tận tình nhưng kết quả ông bà nhận được chỉ là những chua xót. "Nhìn thân hình con phù nề, lên cơn đau đớn những khi truyền thuốc, tôi không giữ được nước mắt. Người ta ốm đau có chồng con bên cạnh, nhưng nó phải chống chọi với bệnh tật một mình. Cũng may, nó kiên cường, cố gắng chịu đựng những cơn đau mà không hề trách chồng nửa lời", mẹ nói về người con dâu của mình như vậy. Không chịu đầu hàng, mẹ đã tìm đến bác sỹ với ý định sẽ hiến một quả thận cho con dâu, nhưng kết quả xét nghiệm không cho phép mẹ làm điều đó.

Mới đây, điều kỳ diệu đã xảy ra với người phụ nữ này khi chị An được chị gái hiến cho một quả thận. Lần đó, sau ca phẫu thuật kéo dài ở một bệnh viện tại Huế, hai chị em hoàn toàn bình an. Cho đến hôm nay, sức khỏe chị Lê Thị An đã ổn định, nhưng cứ hai tuần lại phải ra Huế kiểm tra bệnh tình một lần. Thời điểm đó, anh Đạt đang làm nhiệm vụ không thể về chăm vợ được nên mọi công việc đều do mẹ Chung đảm nhiệm.

Nhớ lại những ngày tháng đó, mẹ cho hay: "Từ khi hắn biết vợ bị bệnh, chưa khi mô hắn được về nhà chăm lo vợ một bữa cho chu đáo. Mẹ con tui hiểu điều đó nên không trách, cứ động viên để hắn yên tâm làm nhiệm vụ. Hôm cái An mổ, hắn gọi điện về nói không nên lời vì nghẹn ngào. Tui nói: Con đừng lo chi, Tổ quốc có bình yên thì gia đình mới hạnh phúc được. Con cứ yên tâm mà hoàn thành nhiệm vụ được giao". Đây cũng là cuộc điện thoại duy nhất mà mẹ được nghe giọng của con trai kể từ khi Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trong vùng biển của Việt Nam. Khi được hỏi, vợ anh Đạt bị bệnh như thế, đã có khi nào mẹ khuyên con trai chuyển công tác chưa? Người mẹ ấy cười thật hiền rồi trả lời: "Mẹ tôn trọng con đường con trai đã chọn. Mỗi khi nó điện thoại về, mẹ chỉ căn dặn hắn cứ yên tâm. Mẹ còn sức khỏe sẽ lo cho vợ và các cháu. Các con là niềm tự hào, là niềm hãnh diện của mẹ. Chừng đó thôi mẹ cũng vui lắm rồi".

Từ khi về Nghệ An có công chuyện riêng, dù chồng mình là ông Hoàng Ngọc Sáu (63 tuổi) kịp thời vào đó thay mẹ chăm sóc con cái, nhưng lòng mẹ lúc nào cũng lo đến người con dâu ốm yếu. Vậy nên, tranh thủ những lúc rảnh rỗi, mẹ lại gọi điện vào động viên con dâu cố gắng dưỡng sức, nhanh chóng hồi phục. Hết hỏi thăm, chỉ bảo đứa này, đứa nọ mẹ lại chăm chú vào chiếc ti vi xem các chương trình thời sự về vấn đề Biển Đông. Mẹ kể, hôm trước mẹ từng thấy con trai mình phát biểu trên truyền hình, thấy con nói dõng dạc, với tinh thần đầy quyết tâm, mẹ ở nhà mà tinh thần cũng phấn chấn theo.Dù trong lòng đầy tự hào, nhưng cũng có những giây phút mẹ thương, lo lắng cho các con. Mẹ Chung nhớ lại: "Đợt nghỉ lễ 30/5 và 1/5 vừa qua, tôi đang ở Đà Nẵng. Hôm đó, tôi đang ngồi nhặt rau, bất ngờ thấy thằng Đạt về nhà, trên tay mang túi nhỏ, miệng nói: "Đợt ni đơn vị cho con nghỉ lễ ít ngày, mẹ tha hồ chiêu đãi con trai các món ăn nhé". Nghe nó nói vậy, tui mừng lắm, vội thúc giục nó vào trong rửa chân tay cho mát. Nhưng khi bàn tay chưa kịp khô nước, nó đã nhận được điện thoại của đơn vị yêu cầu phải vào gấp vì Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép trên vùng biển nước mình. Lúc đó, dù buồn nhưng vì nghiệp chung, nên tui cố vui vẻ để nó yên tâm lên đường", mẹ nhớ lại. Sau này qua thông tin đại chúng, mẹ biết rằng, chiếc tàu 4033 mà con trai mình ra biển đã bị tàu Trung Quốc đâm vào mạn bên phải. Đây là tàu Cảnh sát Biển đầu tiên của chúng ta bị Trung Quốc hung hăng gây sự. Hôm ấy, phát hiện tàu lạ đuổi theo sau đuôi, các chiến sỹ cảnh sát biển đã mặc áo phao để ứng phó với tình huống bất ngờ xảy ra nhưng rất may, khi bị đâm, tàu chỉ bị chao nghiêng. Mẹ nghe như vậy mà lòng mừng không nói nên lời.                                   

Chỉ mong con "chân cứng đá mềm"

Cả cuộc đời tần tảo nuôi các con nên người, rồi lại chăm lo cho các con dâu, con rể nên cuộc sống của mẹ rất khó khăn. Ngôi nhà mới mà mẹ đang ở được xây lại vào năm ngoái sau nhiều năm trời tích góp của người chồng và sự chung tay góp sức của các con. Mẹ nói, dù giờ đây không phải lo ngôi nhà mưa dột vào mùa mưa bão đến nữa, nhưng đêm nào mẹ cũng lo lắng cho các con ngoài đảo khơi. "Chỉ mong chúng nó "chân cứng đá mềm" để giữ bình yên cho quê nhà", mẹ Chung nói.

Xem thêm các bài viết liên quan:

Sự hy sinh của người vợ lính đảo Hoàng Sa

Sắp cưới vẫn nhận nhiệm vụ ra Hoàng Sa

Giọt nước mắt ngóng về Hoàng Sa

Cảm động những cánh thư gửi chồng Cảnh sát biển

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hà Hằng - Kim Thoa (Đời sống & pháp luật)
Những chuyện gia đình Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN