Sự đồng cảm của hai tâm hồn bị phản bội

Cùng một thời điểm, hai gia đình tan vỡ hạnh phúc vì đối phương “thay lòng đổi dạ”. Kỳ lạ thay, khi chạm mặt để giải quyết chuyện vợ/chồng mình ngoại tình, hai người bị phản bội lại nảy sinh tình cảm.

Từ đây, vụ hoán đổi vợ chồng hy hữu đã diễn ra, khiến dư luận xôn xao. Vượt qua gió gió, hai cặp đôi đến giờ vẫn sống hạnh phúc. Nhưng mỗi lần giáp mặt, sự éo le của số phận vẫn khiến họ phải “dở cười, dở khóc”.

Sự đồng cảm của hai tâm hồn bị phản bội

Trong một lần về thôn Hội An (xã Ân Thạnh, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định), chúng tôi được người dân địa phương kể cho nghe câu chuyện kỳ lạ nhưng hoàn toàn có thật về hai cặp vợ chồng hoán đổi vị trí cho nhau. Đó là vợ chồng anh Nguyễn Văn Sô - chị Cao Thị Nhạn (cùng 40 tuổi), đang trú tại địa phương và vợ chồng anh Trần Văn Trường (41 tuổi) - chị Trần Thị Thơm (36 tuổi) hiện đang sinh sống tại TP.Hồ Chí Minh. Ngọn nguồn câu chuyện bắt đầu từ cách đây 12 năm.

Anh Sô vốn sinh ra và lớn lên tại thôn Hội An. Gia đình nghèo lại đông anh em nên anh chỉ học đến lớp 9 rồi bỏ ngang đi làm. Lúc đó ở bên kia con dốc thuộc xã Ân Tín, chị Thơm là cô thôn nữ “đẹp người đẹp nết” được nhiều chàng trai để mắt. Cùng chung cảnh nghèo khó, anh Sô đã chiếm được tình cảm của Hoa khôi làng trong những dịp sang xã bên cày thuê, cuốc mướn. Đến năm 2000, hai người nên duyên sau mâm cơm đạm bạc đãi người thân họ hàng.

Cuộc sống ở quê “chân lấm tay bùn” mà vẫn thường xuyên “thiếu trước hụt sau”. Để thay đổi tình hình, đôi trẻ phải xa quê vào miền Nam lập nghiệp. Lang bạt chưa đầy một năm, chị Thơm mang thai nên vợ chồng lại dắt díu về quê. Đứa con đầu lòng của họ là một bé gái, đặt tên là Nguyễn Thị Hồng Sâm (SN 2002). Khi con tròn 4 tháng, chị Thơm đã phải bắt xe trở lại TP. HCM để tiếp tục công việc. Để vợ yên tâm đi làm, anh Sô ở lại quê nhà, vừa làm cha vừa làm mẹ, lòng khắc ghi lời hứa sẽ chung thủy đợi chờ vợ trở về.

Ở miền biển huyện Phù Cát, cuộc sống ban đầu của vợ chồng anh Trần Văn Trường và chị Cao Thị Nhạn cũng hết sức khó khăn. Cách đây 17 năm, hai người đến với nhau từ hai bàn tay trắng bởi gia đình hai bên đều nghèo khó. Không có nghề nghiệp ổn định, chị Nhạn ở nhà làm nông còn chồng đi biển. Một năm sau ngày cưới, chị Nhạn lại sinh đứa con trai đầu lòng. Sau niềm vui, gánh nặng kinh tế càng đè nặng lên đôi vai anh Trường. Khi con trai tròn 3 tuổi, anh Trường bỏ nghề biển lặn lội vào Nam mưu sinh. Chị Nhạn yên tâm ở nhà làm ruộng nuôi con, hi vọng chồng làm ăn khấm khá.

Điều anh Sô và chị Nhạn – hai người nguyện ở quê chăm con chờ vợ, chờ chồng không ngờ tới là trong thời gian ở TP.HCM, anh Trường và chị Thơm tình cờ trọ gần phòng rồi quen nhau. Là đồng hương nên hai người thường xuyên trò chuyện, quan tâm, giúp đỡ nhau trong cuộc sống hàng ngày. “Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén”, hai người phát sinh tình cảm rồi bất chấp tất cả để đến với nhau. Ban đầu, anh Sô nghe người làng đi làm trong TP. HCM kể chuyện phong thanh chỉ cười trừ. Anh không tin vợ ngoại tình, nhất là khi con gái mới hơn 5 tháng tuổi và dư âm lời hứa hẹn hôm nào vẫn còn văng vẳng.

Sự đồng cảm của hai tâm hồn bị phản bội - 1

Con gái anh Sô với người vợ đầu hiện đang sống cùng bố.

Chị Nhạn cũng mang tâm trạng tương tự như vậy. Qua bao năm chung sống, chị nhất quyết không tin chồng bỏ rơi vợ, con. Nhưng “cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra”, nghe nhiều người cùng quê từ TP. HCM về bàn tán vợ “chung chạ” với người đàn ông khác, anh Sô quyết định gọi vợ về để tìm hiểu rõ thực hư. Lúc này, chị Thơm nhất định không chịu và còn bóng gió thừa nhận chuyện ngoại tình. Cực chẳng đã, anh Sô phải nhờ cả cha mẹ, họ hàng bên ngoại thuyết phục. Nhưng đang say men tình, chị nhất quyết không chịu nghĩ lại. Biết vợ tham vàng, bỏ ngãi, anh Sô tuyệt vọng, chấp nhận bị “cắm sừng”.

Về phần chị Nhạn, phận đàn bà “chân yếu, tay mềm” lại chưa ra khỏi miền quê nghèo quanh năm nắng gió nên chị chẳng thể lặn lội vào Nam tìm chồng. Sau khi chuyện anh Trường ngoại tình “hai năm rõ mười”, chị đành hỏi thăm đến nhà anh Sô để xin gia đình khuyên nhủ người phụ nữ đã cướp chồng mình. Cũng từ đây, chị Nhạn và anh Sô vô tình quen nhau. Cùng chung cảnh ngộ, nỗi đau bị phản bội, họ ngày càng xích lại gần nhau hơn. Ban đầu, hai người vẫn giữ khoảng cách để mong ngày “gương vỡ lại lành”. Nhưng thời gian trôi qua, hai kẻ phản bội vẫn không hồi tâm chuyển ý. Qua năm thứ 3, anh Sô và chị Nhạn hoàn toàn tuyệt vọng.

Thời gian này, hai người thường xuyên qua lại thăm hỏi, giúp đỡ nhau. Không biết từ bao giờ, tình cảm nảy sinh. Cuối cùng, họ đã quyết định làm thủ tục ly hôn để xây dựng hạnh phúc. Năm 2008, anh chị tổ chức đám cưới trong sự xì xào của nhiều người. Bà con chòm xóm đến dự tiệc đông vui, có người thật lòng mừng cho họ, nhưng cũng có người gièm pha về cuộc tình hoán đổi quá éo le. Sau đám cưới, chị Nhạn đưa con trai về sống chung với cha con anh Sô. Vợ chồng anh Sô chí thú làm ăn nên đến nay đã có cơ ngơi hàng trăm trụ hồ tiêu, một héc-ta trồng keo lá tràm.

Hạnh phúc tìm lại của những mối tình éo le

Cuộc sống gia đình của anh Sô và chị Nhạn từ ngày cưới đến nay vẫn rất “xuôi chèo mát mái”. Dù khởi đầu từ hai bàn tay trắng nhưng chưa bao giờ, làng xóm nghe họ lục đục, cãi vã. Để chăm lo cho các con, anh Sô mạnh dạn đầu tư trồng hai vườn tiêu trên mảnh rẫy cạnh nhà. Cuộc sống không khá giả nhưng cũng đủ đầy. Qua những tháng ngày đói khổ, giờ đây hai vườn tiêu mà anh Sô vun xới đã cho thu hoạch đều đặn. Vào mùa nông nhàn, chị Nhạn đưa con gái nhỏ 1 tuổi lên Tây Nguyên buôn bán ở chợ để kiếm thêm thu nhập phụ giúp chồng. Được biết, đứa con riêng của chị Nhạn năm nay 16 tuổi, đã đi học nghề kĩ thuật cơ khí. Bé Sâm cũng đã 12 tuổi và chuẩn bị bước vào lớp 6.

Thương cha mẹ vất vả, cô bé chăm chỉ học hành và suốt 5 năm liền đều là học sinh khá giỏi. Tâm sự về cuộc sống hiện tại, anh Sô bộc bạch: “Vợ chồng xa cách thế này nhiều khi cũng buồn lắm. Tôi ở dưới này nhớ vợ và con nhỏ trên Tây Nguyên, vợ nhiều lúc cũng lo lắng cho mấy cha con dưới này. Hai cháu nhỏ thì ngày nào cũng nhắc mẹ suốt, chỉ đòi bố đưa lên thăm mẹ thôi. Nhiều lúc, tôi cũng thấy tội các con lắm, nhưng cuộc sống bắt buộc nên không biết làm sao nữa. Đều gặp trắc trở tình duyên, tôi và vợ biết quý trọng những gì mình đang có. Hai vợ chồng tin tưởng nhau và cố gắng vượt qua để lo cho các con sau này”.

Về anh Trường và chị Thơm, khi công khai tình cảm và bị nhiều người phản đối, họ vẫn quyết đến với nhau. Hai người đã làm đám cưới và có với nhau hai con gái. “Vợ chồng tôi cứ tưởng như sau lần đổ vỡ, hạnh phúc của Thơm và Sô sẽ không được trọn vẹn, nhưng đến bây giờ, chúng đã vượt qua được. Thật là may mắn”, ông Trần Năm (cha chị Thơm) chia sẻ. Bà Trần Thị Lập (mẹ chị Thơm - PV) cho biết, vợ chồng chị Thơm đã có nhà cửa đàng hoàng ở quê nhưng vì cuộc sống bấp bênh nên cả hai lại tiếp tục vào thành phố mưu sinh. Dù kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng hai người vẫn chung sống rất hạnh phúc. Anh Sô và chị Nhạn giờ đã tìm được hạnh phúc mới. Nhưng có lẽ với họ, mặc cảm tội lỗi vì sự “thay lòng đổi dạ” ngày nào vẫn còn tồn tại.        

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Tuyết Thanh (Gia đình & xã hội)
Những chuyện gia đình Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN