Nhạc sĩ Xuân Giao: Vợ là bến đỗ những lúc thăng trầm

Sự kiện: Sao Việt

Nếu nói rằng tình yêu Tổ quốc, tình yêu với âm nhạc đã khơi dậy trong lòng nhạc sĩ Xuân Giao những cảm xúc để viết nên những bài ca bất hủ thì tình yêu của người vợ hiền là bến đỗ cho cuộc đời ông những lúc thăng trầm.

Những bài ca đi cùng năm tháng

Cố nhạc sĩ Xuân Giao tên đầy đủ là Trần Xuân Giao. Ông sinh năm 1932 ở Văn Lâm, Hưng Yên nhưng trưởng thành ở Kiến An, Hải Phòng. Cũng tại mảnh đất Hải Phòng, ông tham gia phong trào Hướng đạo sinh và chịu ảnh hưởng nhiều từ sự dạy dỗ của nhạc sĩ Hoàng Quý, lúc bấy giờ là một nhạc sĩ nổi tiếng và là huynh trưởng hướng đạo sinh.

Năm 1949 ông đi bộ đội, quân số thuộc đại đội C510 Khóa VI (1950-1952) của trường Sĩ quan Lục quân rồi được xếp vào đội văn công. Từ đó, ông bắt đầu sự nghiệp âm nhạc của mình. Trước đây, nhạc sĩ Xuân Giao từng kể, hồi học tiểu học Bonan (Hải Phòng), ông đã từng ước trở thành nhà thơ nhưng rồi sau này “bị” âm nhạc quyến rũ nên ông quyết định không làm thi sĩ mà trở thành nhạc sĩ.

Khi còn học trong trường Lục quân, nhạc sĩ Xuân Giao cũng có sáng tác một số ca khúc nhưng chủ yếu là để phục vụ tân binh, không có gì nổi trội. Tên tuổi của ông được nhiều người biết đến và yêu mến phải kể đến sự ra đời của Em mơ gặp Bác Hồ - một ca khúc mà cho đến tận bây giờ chúng ta vẫn có thể nói rằng “người Việt Nam chẳng mấy ai không thuộc”.

Nhạc sĩ Xuân Giao: Vợ là bến đỗ những lúc thăng trầm - 1

Em mơ gặp Bác Hồ là bài hát đã đưa cái tên Xuân Giao đến với trái tim công chúng.

Nhạc sĩ Xuân Giao từng được gặp Bác Hồ vào năm 1946 khi ông là hướng đạo sinh tại Hải Phòng. Năm 1969 khi nghe tin Bác mất, nhạc sĩ Xuân Giao với tình cảm và ký ức sâu đậm của mình với Bác đã viết lên ca khúc Em mơ gặp Bác Hồ chỉ vài ngày sau khi Bác mất. Những ca từ xúc động và chân thành, đúng tâm lý của rất nhiều em nhỏ ra đời đúng thời điểm đã lay động hàng triệu trái tim người Việt lúc bấy giờ.

Với tình yêu Tổ quốc sâu sắc, nhạc sĩ Xuân Giao đã đi tới những vùng khói lửa ác liệt để trải nghiệm và tạo nên những ca khúc cách mạng bất hủ. Nhắc đến Xuân Giao và nhạc cách mạng, người ta nhớ ngay đến Cô gái mở đường, Chào sông Mã anh hùng, Giữ biển trời Vĩnh Linh Quảng Bình. Những ca khúc mang hơi thở chiến tranh ác liệt nhưng hào hùng, bất khuất mà mỗi lần giai điệu vang lên người ta lại thấy tràn ngập trong trái tim một niềm tự hào, một tình yêu Tổ quốc thiêng liêng.

Với những đóng góp to lớn của mình cho nền âm nhạc cách mạng, ông đã được tặng thưởng rất nhiều huân chương như Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang, Huân chương Lao động hạng Nhì, đặc biệt là Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật năm 2001.

Tình yêu lớn với người vợ thủy chung

Nếu nói rằng tình yêu Tổ quốc, tình yêu với âm nhạc đã khơi dậy trong lòng nhạc sĩ Xuân Giao những cảm xúc để viết nên những bài ca bất hủ thì tình yêu của người vợ hiền là bến đỗ cho cuộc đời ông những lúc thăng trầm.

Là vợ của một người nghệ sĩ nổi tiếng và ưa phiêu bạt như Xuân Giao, bà Dung đã phải chịu không ít vất vả nhưng người ta chẳng thấy bà kêu than hay trách móc gì ông.

Bà kể: “Bọn mình gặp, yêu và lấy nhau khi anh Xuân Giao về công tác tại Nhà xuất bản Văn hóa. Lấy nhau rồi anh ấy đi suốt, hết nơi này tới nơi khác. Trong những ngày chiến tranh ác liệt của đất nước, nhất là dạo Mỹ bắt đầu leo thang chống phá miền Bắc, anh ấy đi biền biệt.”.

Bà còn kể khi còn trẻ nhạc sĩ Xuân Giao đi suốt, có thời điểm một mình bà vừa bụng mang dạ chửa đứa thứ ba vừa phải chăm hai đứa con thơ, trong khi đó, chồng vẫn miệt mài sáng tác. Khổ là thế nhưng bà vẫn luôn chấp nhận và ủng hộ ông trong sự nghiệp của mình.

Nhạc sĩ Xuân Giao: Vợ là bến đỗ những lúc thăng trầm - 2

Hưởng cuộc sống an nhàn chưa được bao lâu, nhạc sĩ Xuân Giao đã bị tai biến.

Suốt bao năm tháng vất vả vì chồng con, những tưởng về già được an nhàn thì vừa mới chuyển qua nhà mới được hai tháng, ông đã bị tai biến. Từ đó, suốt hơn 10 năm qua bà Dung luôn ân cần chăm sóc cho ông, vẫn gọi ông là “anh” và luôn dành cho ông tình yêu thương vô bờ bến cho đến khi ông nhắm mắt xuôi tay.

Ông qua đời với nỗi buồn canh cánh trong lòng khi ước nguyện được làm một ngôi nhà thờ tổ cho con cháu có nơi đi về hương khói trên mảnh đất tổ tiên ở Hải Dương chưa thực hiện được.

Trong ký ức của những người bạn thân thuộc với cố nhạc sĩ Xuân Giao, cuộc sống của vị nhạc sĩ tài danh vô cùng giản dị. Có lẽ, điều khiến nhiều người nhớ tới sự giản dị ấy nhất là cây đàn măng-đô-lin treo ở đầu giường ngủ và chiếc bình hoa được chế từ vỏ đạn 57 ly của người dân Thanh Hóa gửi cho ông làm quà. Dù giá trị vật chất của những đồ vật ấy không cao nhưng ông luôn trân trọng chúng như tình yêu của mọi người dành cho ông.

Mời độc giả lắng nghe và cảm nhận ca khúc "Em mơ gặp Bác Hồ" của nhạc sĩ Xuân Giao:

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hoàng Giang ([Tên nguồn])
Sao Việt Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN