Dọn dẹp ngành xi-măng

Việc loại nhiều dự án xi-măng ra khỏi quy hoạch được xem là động thái làm lành mạnh hóa ngành công nghiệp xi-măng vốn trước đây phát triển quá nóng, địa phương nào cũng xin xây nhà máy.

Thủ tướng Chính phủ vừa chấp thuận đề xuất của Bộ Xây dựng đưa 5 dự án nhà máy xi-măng ra khỏi quy hoạch phát triển công nghiệp xi-măng giai đoạn 2011-2020 và định hướng đến năm 2030, bao gồm các dự án: Cao Dương, Chợ Mới, Việt Đức, Long Thọ, Ngân Sơn. Tổng công suất của 5 dự án này là 910.000 tấn/năm.

Khai tử nhiều dự án lạc hậu

Ngoài ra, Thủ tướng cũng đồng ý hoãn triển khai 9 dự án xi-măng khác gồm: Thanh Sơn, Tân Phú Xuân, Tân Tạo, Yến Mao, Sài Gòn - Tân Kỳ, Phú Sơn, Mỹ Đức, Nam Đông, Minh Tâm; bổ sung dự án Long Sơn (Thanh Hóa) có công suất 2,3 triệu tấn/năm được triển khai từ đầu năm 2014 và dự kiến hoàn thành vào năm 2018.

Trước đó, vào đầu tháng 4-2013, Thủ tướng cũng chấp thuận loại 9 dự án xi-măng công suất dưới 2.500 tấn clinker/ngày ra khỏi quy hoạch, bao gồm: Hà Tiên (Kiên Giang), Trường Sơn, Rô Li, Hợp Sơn, Ngọc Hà, Vinafuji (Lào Cai), Thanh Trường, Sơn Dương, Quang Minh (Cao Bằng). Như vậy, từ tháng 4-2013 đến nay đã có 14 nhà máy xi-măng bị khai tử.

Ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi-măng Việt Nam, cho biết các dự án bị loại bỏ đều có quy mô sản xuất nhỏ (dưới 2.500 tấn clinker/ngày), không đủ điều kiện để triển khai. Cụ thể, một số dự án do chủ đầu tư không đủ năng lực về tài chính, không thuận lợi về sản xuất, tiêu thụ, nhất là trong tình hình nhà nước không bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn nước ngoài, còn vay vốn trong nước cũng khó khăn vì lãi cao, ngân hàng không mặn mà với các dự án xi-măng.

Dọn dẹp ngành xi-măng - 1

Dự án nhà máy xi-măng Sài Gòn - Tân Kỳ ở tỉnh Nghệ An được khởi công từ giữa năm 2010 nhưng đến nay vẫn chỉ là bãi đất trống và đang nằm trong diện hoãn triển khai Ảnh: ĐỨC NGỌC

Hơn nữa, theo Bộ Xây dựng, những dự án có công suất dưới 2.500 tấn clinker/ngày đến thời điểm hiện nay đã lạc hậu về chỉ số tiêu hao năng lượng, suất đầu tư lớn, gây ô nhiễm môi trường. Các dự án được đưa vào quy hoạch trong thời điểm đang thiếu xi-măng nên nhà nước kêu gọi đầu tư, cho phép cả những dự án quy mô nhỏ, công suất chỉ 120.000 tấn/năm, điều kiện không thuận lợi và đã giúp sản lượng xi-măng được nâng lên, tạo công ăn việc làm. Tuy nhiên, các dự án xi-măng quy mô nhỏ chỉ phù hợp thời điểm đó, đến nay không còn hiệu quả.

Theo ông Cung, trong quy hoạch ngành xi-măng vẫn còn khá nhiều dự án có quy mô nhỏ, hiệu quả thấp, không thể triển khai được. Chỉ cần tiếp tục rà soát thì nhiều dự án khác cũng có thể khai tử. “Quy hoạch hiện nay được xây dựng từ năm 2011 nhưng thực chất là dựa trên cơ sở năm 2005. Có những dự án do lịch sử để lại, doanh nghiệp đã đầu tư nhiều tiền của nên sắp tới khi làm lại quy hoạch cũng phải lưu ý những trường hợp này” - ông Cung lưu ý.

Không lo thiếu xi-măng

Việc loại bỏ các dự án xi-măng còn xuất phát từ tình trạng dư thừa do dự báo nguồn cung được thực hiện trong thời điểm kinh tế phát triển nóng, không lường đến những khó khăn sau này, nhất là tình trạng các dự án bất động sản đóng băng. Thế nhưng, việc bảo đảm không để xảy ra tình trạng ngược lại, tức nguy cơ khủng hoảng thiếu cũng là vấn đề cần lưu tâm khi nhiều dự án đã và sẽ tiếp tục bị gạch tên.

Tổng công suất thiết kế ngành xi-măng theo quy hoạch đến năm 2015 là khoảng 80-90 triệu tấn, đến năm 2020 lên tới 130 triệu tấn. Trong khi đó, theo quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 vừa được Thủ tướng phê duyệt hồi cuối tháng 8-2014, nhu cầu xi-măng nội địa đến năm 2015 ước tính chỉ khoảng 56 triệu tấn, năm 2020 là 93 triệu tấn. Do đó, trong vài năm trở lại đây, ngành xi-măng đã đối mặt với khủng hoảng thừa khi nguồn cung đã vượt cầu, sản phẩm làm ra không tiêu thụ được.

Thực tế, cả nước hiện có 71 dây chuyền xi-măng lò quay đang hoạt động với tổng công suất 73,45 triệu tấn. Việc đưa thêm 4 nhà máy mới vào hoạt động, dự kiến tổng công suất sẽ đạt 81 triệu tấn vào năm 2015, duy trì đến năm 2017 nhằm bảo đảm nguồn cung. Sản lượng này hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu nội địa ngay cả khi nền kinh tế có dấu hiệu ấm lên kéo theo cầu tăng. Chưa kể hiện Việt Nam còn xuất khẩu một số lượng xi-măng nhất định.

“8 tháng đầu năm nay, Việt Nam xuất khẩu được trên 10 triệu tấn xi-măng, tình hình sản xuất và tiêu thụ cũng khá tốt do tác động tích cực của phục hồi kinh tế. Với việc tiếp tục xem xét điểu chỉnh các dự án xi-măng để bảo đảm phát triển lành mạnh, chúng ta có thể yên tâm với định hướng phát triển ngành hiện nay” - ông Cung nhận xét. 

Sẽ không còn xi-măng lò đứng

Theo yêu cầu của Chính phủ, đến năm 2015 sẽ hoàn toàn không còn sản xuất xi-măng lò đứng. Hiện nay, các nhà máy xi-măng lò đứng cơ bản đã chuyển sang trạm nghiền xi-măng hoặc chuyển đổi sang sản xuất các loại sản phẩm vật liệu xây dựng khác cho phù hợp.

Chính phủ cũng yêu cầu đối với những dự án đầu tư mới phải có công suất tối thiểu 2.500 tấn clinker/ngày trở lên; các dự án ở vùng sâu, dự án chuyển đổi công nghệ có thể áp dụng quy mô, công suất phù hợp.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thùy Dương (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN