Lên kịch bản xấu nhất khi làm ăn với TQ

Theo các chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp (DN) Việt Nam cần chuẩn bị kịch bản xấu nhất khi buôn bán, làm ăn với Trung Quốc và phải “tự cứu mình trước khi trời cứu”.

Bị chơi xấu nhưng khó bỏ

Tại hội thảo về “Tự chủ kinh tế trong một thế giới phụ thuộc lẫn nhau”, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 3/7, TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Nghiên cứu và Quản lý kinh tế T.Ư cho biết, quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc là “khá sâu”. Hiện, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, đứng thứ 9 trong lĩnh vực đấu thầu, nhưng chiếm nhiều dự án quan trọng về nhiệt điện, xi măng, giao thông. Riêng du lịch, chiếm 1/4 lượng doanh thu. 

Theo TS Thành, Trung Quốc là thị trường rất lớn “đến mức không thể không chơi”. Tuy nhiên, Trung Quốc dù chưa đạt đến đỉnh cao của các nước phát triển, nhưng họ cũng không muốn chấp nhận luật chơi của các nước đang phát triển. “Thế giới muốn Trung Quốc gia nhập một vai trò nền kinh tế lớn, đàng hoàng, phát triển, nhưng lại lo chủ nghĩa cực đoan, bành trướng của nước này”, ông Thành nói. 

“Các DN Trung Quốc là bậc thầy của trò đút lót và lại quả. Nhiều DN Việt Nam xuất than sang Trung Quốc mỗi quý hoặc nửa năm thường được mời sang để... nghiên cứu thị trường”.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh

TS Thành đặt vấn đề: Với Việt Nam, Trung Quốc có gây hấn với quy mô cấp tập không? Với những thông tin ở các cửa khẩu thời gian qua, có vẻ nước này chơi không được đẹp, thậm chí đang chơi xấu Việt Nam. Tuy nhiên, họ không dễ gây hấn ồ ạt, như cắt 100% quan hệ thương mại với Việt Nam. Lý do, trong chuỗi giá trị toàn cầu, có sự tham gia của nhiều quốc gia, tập đoàn xuyên quốc gia, trong đó có Trung Quốc. 

Hơn nữa, quan hệ Việt Nam với Trung Quốc còn liên quan tới các tập đoàn lớn trên thế giới (Canon, Samsung...) vì chiếm tới 60% hàng hóa trung gian giữa hai nước. “Trung Quốc có thể chơi với ta không đàng hoàng, nhưng họ không dễ bỏ các cam kết quốc tế. Nếu Trung Quốc gây hấn với Việt Nam, những mối lo ngại với quốc tế càng hiện hữu, tạo hình ảnh xấu, trong khi họ cũng bị ràng buộc nhiều mối quan hệ”, ông Thành nói. 

Lên kịch bản xấu nhất khi làm ăn với TQ - 1

Xe tải Trung Quốc chở hàng nhập khẩu từ Việt Nam qua cửa khẩu Quốc tế Lào Cai. Ảnh: Phạm Anh

Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, chúng ta còn quan hệ và tiếp tục có quan hệ với Trung Quốc, vì họ là công xưởng của thế giới. Trung Quốc đang nhập khoảng 45% tổng lượng gạo của Việt Nam. Nghĩa là 3 tỉnh (Vân Nam, Quảng Đông, Quảng Tây) đang ăn gạo chúng ta, nên họ phải cân nhắc khi hành xử. 

Hơn nữa, Trung Quốc cũng nhập nhiều cao su của Việt Nam. Nếu dừng, các DN của họ sẽ ra sao. “Năm ngoái, Samsung Việt Nam xuất 23,3 tỷ USD, nhưng nhập từ Samsung Trung Quốc tới 21,6 tỷ USD. Liệu Trung Quốc có dừng hơn 21 tỷ USD không? Nếu dừng, họ sẽ làm hại Samsung, trở thành một đối tác không tin cậy với các tập đoàn lớn thế giới”, ông Doanh khẳng định.

DN Việt phải sửa mình

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết, với những tập đoàn đa quốc gia, Trung Quốc có thể “né”, nhưng với các DN của Việt Nam, đừng nghĩ Trung Quốc có thể tha. Theo bà, ngay cả các cam kết quốc tế như Công ước quốc tế về Luật Biển họ còn bất chấp để đẻ ra “đường lưỡi bò” thì không có gì họ không làm được.  

Theo bà Lan, Trung Quốc cũng vi phạm thường xuyên các cam kết với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Còn phần kim ngạch với Việt Nam, Trung Quốc có thể sẵn sàng bỏ tiền ra để “lấp” vì với họ là không khó; còn mình đau hơn, nên phải chuẩn bị các kịch bản xấu nhất, không được chủ quan. 

Bà Lan kiến nghị, từng hiệp hội ngành hàng phải bàn cụ thể, “tự cứu mình trước khi trời cứu”, nhà nước cũng khó bao bọc được hết. Trong đó, cần tập trung làm trước những vấn đề, khâu, ngành hàng ảnh hưởng lớn với Trung Quốc, như cơ khí, dệt may, nông nghiệp... Bà Lan cũng cho hay, lâu nay, lĩnh vực xuất khẩu được chúng ta chú trọng và khuyến khích cao, nhưng cũng chỉ chạy theo các mặt hàng gia công. “Chạy theo thành tích, lấy số lượng nhiều là sướng. Cứ nghĩ mình xuất khẩu hàng chục tỷ USD dệt may là sướng, nhưng không biết, thực chất mình được bao nhiêu”, bà Lan nói.   

Bà Lan cho rằng, nhìn lại gần 20 năm hội nhập, nhưng các DN của ta chủ yếu chỉ tìm được các hợp đồng xuất khẩu ngắn hạn, với 97% là hợp đồng dưới 1 năm và có 3% hợp đồng đến 3 năm. “Làm ngắn hạn chỉ tính đến nhanh, lẹ, chứ chưa chú tâm nâng cao năng lực về chuyên môn, năng suất lao động, giá trị gia tăng, để có vị trí trong chuỗi giá trị toàn cầu. Ngủ yên dưới đáy của chuỗi giá trị”, bà Lan thẳng thắn. 

Trong khi đó, phần lớn DN còn duy trì cách quản trị kinh doanh cũ, dễ dãi, cách làm như vậy hợp với Trung Quốc; còn làm với Nhật Bản, Hàn Quốc sẽ rất khó được chấp nhận. Vị thế của ta trong thương mại quốc tế vẫn thấp và mong manh. “Đừng nghĩ Việt Nam xuất khẩu gạo, cà phê số một, số hai thế giới là oai, vì xuất khẩu lớn, nhưng mình không quyết định được giá thị trường”, bà Lan nói. 

Theo bà Lan, lâu nay quan hệ về kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc là “rất không bình thường”. Trong đó, tình trạng quan hệ bất bình đẳng, chúng ta bị chèn ép, thua thiệt kéo dài nhưng không có công cụ tự bảo vệ. Lợi ích nhóm, tham nhũng đan xen, gây hại lớn nhưng chưa được điều trị, thậm chí được che giấu, bảo vệ. Đó là chưa kể đến những lo ngại về ninh nguồn nước, các dự án trồng rừng, dự án kinh tế ven biển từ Bắc vào Nam đều rơi vào tay DN Trung Quốc.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phạm Anh (Báo Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN