Sơn Đoòng sẽ “chết” nếu dùng cáp treo

Một khi tuyến cáp treo được xây dựng, hang Sơn Đoòng (Quảng Bình) sẽ thu hút rất đông khách du lịch nhưng thời gian họ lưu lại vùng đất đầy hấp dẫn này có lẽ sẽ không nhiều.

Trong cuốn hướng dẫn du lịch sắp xuất bản của Lonely Planet vào tháng Bảy này, hành trình khám phá các hang động ở Phong Nha- Kẻ Bàng đã vượt qua các lăng tẩm ở Huế, trở thành hoạt động được khuyến nghị cho du khách chỉ đứng sau những lớp dạy nấu ăn ở  Hội An khi nói về Bắc và Trung bộ Việt Nam.

Có lẽ, sự lãng quên trong nhiều năm đã mang lại cho Quảng Bình nhiều giá trị, đặc biệt là những hang động kỳ thú mới được khám phá ở những khu rừng nguyên sinh và vùng đá vôi rộng lớn Phong Nha - Kẻ Bàng. Sự pha trộn giữa khu rừng đại ngàn trong dãy đá vôi và hang động đầy hấp dẫn, nguyên sơ đã khiến cho Phong Nha và những "tên tuổi" mới như Hang Én, Sơn Đoòng, Tú Làn... trở nên hấp dẫn.

Sơn Đoòng sẽ “chết” nếu dùng cáp treo - 1

Hang Én, Quảng Bình. Ảnh: Phạm Quang Vinh

 Những hình ảnh hấp dẫn của hang Sơn Đoòng đã liên tục xuất hiện trên các báo lớn và những trang báo du lịch. Sự kỳ thú của thiên nhiên và của tạo hoá, đã góp phần quan trọng để kéo du khách đến với Quảng Bình và đến Việt Nam.

Giữa những tin tức vui vẻ ấy, thật không phải khi nói về một mối lo lắng, có vẻ như sẽ là hiện thực. Đó là tin đồn về một dự án cáp treo đưa khách vào Sơn Đoòng đang được thai nghén, có vẻ sẽ sớm được xem xét và khởi công.

Sơn Đoòng có lẽ sẽ chết

Khi con trai tôi mới 9 tuổi, tham gia chuyến đi vào Hang Én, và được đề nghị đi bằng trực thăng vào đó rồi bay ra, cậu ấy đã trả lời tôi "Mình trekking đi bố ạ, đi bằng máy bay thì còn có gì thú vị nữa đâu". Thật vậy, nếu Hang Én chỉ là bay vào rồi bay ra, chứ không phải là hành trình xuyên rừng, vượt suối, qua bản nhỏ ven suối và nói chuyện với gia đình già làng, thì đâu còn gì thú vị? Sơn Đoòng hấp dẫn bởi chính sự khó khăn và đường đi đã biến nó thành huyền thoại, nếu chỉ là ngồi lên những cái xe cáp treo để đến cửa hang ngó nghiêng rồi đi ra, thì đâu còn gì thú vị?

 Cũng vài năm trước, đã nhiều người giật mình, khi đọc những tin tức "hồ hởi" về một dự án cáp treo được khởi công, để đưa du khách từ thị trấn Sapa lên đỉnh Fansipan. Đối với những người yêu mến Sapa, đây là một tin buồn hơn là tin vui. Sự hấp dẫn của Sapa chính là phố huyện của người H'mong, người Dao đỏ tạo nên một thị trấn Sapa đầy màu sắc. Fansipan hấp dẫn những người đam mê thiên nhiên bởi chính con đường và hành trình chinh phục nó, để thử thách chính mình.

Một tuyến cáp treo với kỳ vọng đưa hàng nghìn người mỗi ngày lên Fansipan có lẽ sẽ phá hỏng tất cả sự hấp dẫn còn lại của Sapa, mà giờ đây cũng đang "nhạt"dần đi với du khách, khi đang trở thành một thị trấn xô bồ và chật hẹp.

Quảng Bình có lẽ đã quá vội vàng. Có thể người ta cho rằng mỗi năm chỉ có mấy trăm khách đến đây để đi Sơn Đoòng sẽ mang lại nguồn thu quá ít cho tỉnh nghèo này, mà quên mất, sự hấp dẫn của Quảng Bình, của Phong Nha còn nhiều hơn thế. Đó là Tú Làn, là Hang Én, là rừng quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng, là con đường Tây Trường Sơn qua những khu rừng nguyên sinh đến Khe Sanh - Quảng Trị…

Những thứ hấp dẫn và giá trị không ai có thể cạnh tranh ấy, có thể sẽ mất đi, một khi tuyến cáp treo được xây dựng, để Phong Nha tràn ngập những du khách hời hợt và dành ít thời gian cho vùng đất đầy hấp dẫn này.

Một tuyến cáp treo như vậy sẽ tước đoạt đi sự hấp dẫn, nhưng liệu có mang lại giá trị nào khác không, đấy mới là cái mà Quảng Bình phải nghĩ đến và cân nhắc một cách nghiêm túc, đừng để một ngày nào đó, Lonely Planet và những tổ chức về du lịch khác, không còn xếp Phong Nha và Quảng Bình như một sự hấp dẫn ở Việt Nam.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phạm Quang Vinh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN