200 triệu đồng mua bằng tiến sĩ y khoa: Cần xây dựng văn hóa trung thực trong khoa học

Dư luận đang xôn xao về nghi vấn “ra giá” bằng tiến sĩ với giá 200 triệu đồng. Thực hư câu chuyện thế nào, các cơ quan liên quan sẽ làm rõ. Phóng viên báo Tiền Phong đã trao đổi với một số nhà quản lý giáo dục xung quanh câu chuyện chất lượng bằng tiến sĩ ở nước ta.

Ông Nguyễn Hội Nghĩa, Phó GĐ ĐHQG TPHCM nói: đúng là rất ngạc nhiên khi, theo bài báo, có một PGS có cách làm việc và cách ăn nói như thế, mặc dù cũng có thể có người như vậy. 

Tôi xin nhấn mạnh rằng hình ảnh người PGS trong bài báo quá xa lạ với trí thức và không thể chấp nhận được nhất là đối với ngành y. Theo tôi, ĐH Thái Nguyên cần làm rõ ràng để giải thích với dư luận và căn cứ vào quy định để xử lý nếu sự việc có thật.

200 triệu đồng mua bằng tiến sĩ y khoa: Cần xây dựng văn hóa trung thực trong khoa học - 1

Mua bằng tiến sĩ dễ hay khó (ảnh minh họa). Ảnh: Ngọc Châu

Nếu sự việc hy hữu thì theo ông đâu là kẽ hở?

Quy trình có thể nghiêm nhưng người lách luật cố tình tìm mọi cách để lách là có thể. Cái thứ hai đáng lo là cơ chế hội đồng, cơ chế tập thể. Nếu sự việc xảy ra thật thì toàn bộ hội đồng bị tác động, bị vô hiệu hóa, dĩ nhiên chỉ trong một số trường hợp con sâu làm rầu nồi canh.

Đó là hội đồng trong nước, nhưng điều kiện phải có bài báo đăng ở tạp chí nước ngoài thì sao có thể lừa được?

Nếu là chuyện mua bán người ta sẽ cố tình tiếp tục nhờ vả và đứng danh là nhân vật “đóng thế” đến cùng. Tạp chí nước ngoài không thể phát hiện được vì chỉ trao đổi qua email và bưu điện. Nói thật, nếu cố tình gian lận thì tạp chí nước ngoài cũng thua!

Xung quanh những chuyện lùm xùm gần đây về chất lượng bằng cấp, về việc sao chép kiến thức khi làm thạc sĩ, tiến sĩ, theo ông phải làm gì để chữa căn bệnh gian lận này?

Có quy chế trước, trong và sau bảo vệ tiến sĩ đã được làm rất chặt chẽ, nay cần tiếp tục được cân nhắc và đưa ra nhiều sáng kiến mới hơn. Đặc biệt khâu hậu kiểm bằng tiến sĩ là quan trọng. 

Nếu có kiện tụng, thắc mắc gì vẫn có thể xử lý, thậm chí thu lại bằng tiến sĩ (ở Đức có trường hợp thu bằng sau cả chục năm trời). Nên có quy định công bố thông tin công khai trên mạng, quy định về bản quyền và chế tài phạt thật nặng về vi phạm sao chép bản quyền.

Nếu quy định chặt chẽ rồi mà vẫn có vi phạm thì đó là vấn đề con người. Vì vậy, Bộ GD&ĐT và các trường ĐH cần xây dựng văn hóa trung thực trong khoa học, trong nhà trường.

Cần đẩy mạnh khâu hậu kiểm

Ông Vũ Văn Hóa (Phó Hiệu trưởng trường ĐH Kinh doanh và công nghệ):

“Theo tôi, hiện nay vẫn có hiện tượng có thể mua được bằng tiến sĩ; có một số trường hợp đã được phát hiện, có trường hợp chưa. Bằng đại học mua được thì bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ cũng mua được; đặc biệt, các cơ sở đào tạo liên doanh. Đã có người, được biết, không đi học một ngày nào, không biết tiếng Anh mà vẫn có bằng TS ở nước ngoài. Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng biết điều này và đã không công nhận những trường hợp đó.

Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga

Tất cả luận văn ĐH, thạc sĩ, TS trong nước phải có chuẩn mực nhất định; Nếu khâu hậu kiểm bằng nào không đảm bảo chất lượng sẽ bị xử lý, thậm chí không được công nhận.

Thực ra, quy chế rất chặt chẽ từ việc bảo vệ qua hội đồng tới người hướng dẫn, người phản biện kín… Nếu làm đúng quy trình thì rất nghiêm ngặt. Nhưng người ta vẫn qua mặt là do có một người nào đó có uy tín trong hội đồng vi phạm song nếu mua chuộc được hội đồng thì trước sau gì cũng bị phát hiện.

Cần củng cố lại quy trình và đẩy mạnh khâu hậu kiểm; nếu khoán trắng cho các cơ sở đào tạo thì thể nào cũng có sơ hở cho tiêu cực”.

Theo ông Nguyễn Văn Sơn, HT trường ĐH Y-Dược (ĐH Thái Nguyên), trường đã lập đoàn thanh tra và tổ chức xác minh, làm rõ các vấn đề liên quan đến PGS.TS Đàm Khải Hoàn theo nội dung báo chí đã nêu. Đồng thời, trường tổ chức lấy ý kiến nhận xét, đánh giá về phẩm chất đạo đức, trách nhiệm, sự tận tâm của người hướng dẫn NCS đối với PGS.TS Đàm Khải Hoàn. Dự kiến đoàn công tác sẽ hoàn thành việc thanh tra, xác minh ngày 21/8.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hồ Thu (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN