Đổi mới thi tốt nghiệp: Thực hiện ngay học sinh sẽ “sốc”

Nhiều chuyên gia giáo dục cho hay, trong điều kiện như hiện nay, chưa thể áp dụng ngay phương án sử dụng bài thi tổng hợp để kiểm tra đánh giá năng lực học sinh. Nếu thực hiện ngay phương án này, học sinh sẽ bị “sốc” vì chưa được chuẩn bị, làm quen, luyện tập, thử sức… dạng bài thi tổng hợp.

Ngày 29/7, Bộ GD-ĐT công bố dự thảo 3 phương án cho kỳ thi quốc gia năm 2015 như sau:

Phương án 1: Tổ chức thi theo môn, theo cách truyền thống. Thí sinh sẽ thi 8 môn gồm: Toán, Văn, Ngoại ngữ, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý; thi 8 buổi trong 4 ngày, mỗi buổi thi 1 môn.

Để được xét công nhận tốt nghiệp, mỗi thí sinh phải dự thi 4 môn, gồm 3 môn bắt buộc là Toán, Văn, Ngoại ngữ và một môn do thí sinh tự chọn trong số các môn Hoá, Lý, Sinh, Sử, Địa.

Phương án 2: Kỳ thi THPT quốc gia sẽ tổ chức theo bài thi. Cụ thể, 8 môn học ở lớp 12 THPT (Toán, Văn, Ngoại ngữ, Vật Lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý) sẽ được chọn tổng hợp thành 5 bài thi gồm bài thi Toán; Ngữ văn; Ngoại ngữ; Khoa học Tự nhiên (Vật lý, Hóa, Sinh học); bài thi Khoa học Xã hội (gồm Lịch sử và Địa lý). Kỳ thi sẽ diễn ra trong 5 buổi- 2,5 ngày; mỗi buổi 1 bài thi. Mỗi thí sinh phải làm 4 bài thi, gồm 3 bài thi bắt buộc là Toán, Văn, Ngoại ngữ và 1 bài thi Khoa học Tự nhiên hoặc Khoa học Xã hội.

Phương án 3: Tổng hợp 11 môn học ở lớp 12 thành 4 bài thi: Toán-Tin; Khoa học Tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học, Công nghệ); Khoa học Xã hội (Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí và Giáo dục công dân); và bài thi Ngoại ngữ. Thí sinh phải thi cả 4 bài thi trong 4 buổi với tổng thời gian 2 ngày, mỗi buổi thi 1 bài thi.

Đổi mới thi tốt nghiệp: Thực hiện ngay học sinh sẽ “sốc” - 1

 Thí sinh dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014.

Chưa thể áp dụng ngay phương án sử dụng bài thi tổng hợp

Tiến sĩ Lê Hữu Lập, Phó Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông, cho biết: Phương án 1, thi 8 môn giống với kỳ thi năm 2014 Bộ GD-ĐT đang làm. Trong điều kiện như hiện nay, sử dụng phương án thi 8 môn vẫn hợp lý.

Còn phương án 2, 3 thi theo hình thức bài thi tổng hợp thì khó có thể thực hiện trong năm 2015. Bởi cả hai phương án này muốn thực hiện được phải có sự chuẩn bị trước, lộ trình. Học sinh phải được chuẩn bị về tâm lý, làm quen cách học, bài thi về dạng tổng hợp từ trước đó. Bộ GD-ĐT cũng phải có hướng dẫn cụ thể tới trường, thầy cô về cách giảng dạy, cách ra đề, chấm thi, coi thi…

“Nếu trong năm 2015 mà thực hiện ngay phương án sử dụng bài thi tổng hợp (phương án 3) thì học sinh sẽ bị 'sốc'. Vì trước đây học sinh chưa có sự chuẩn bị, làm quen với dạng bài thi kiểu tổng hợp. Rồi các khâu ra đề thi, chấm thi cũng cần phải chuẩn bị kỹ lưỡng. Theo tôi, sau  năm 2017, Bộ GD-ĐT có thể áp dụng phương án này”, ông Lập nói.

Ông Lập cho biết thêm, muốn thực hiện được phương án sử dụng bài thi tổng hợp (phương án 3), phải có sự chuẩn bị ít nhất là 3 năm. Nhà trường sẽ tập huấn cho giáo viên, cách giảng dạy, ra đề. Đặc biệt, việc gộp 3 môn ở khối Khoa học Tự nhiên phải có hướng dẫn cụ thể, chi tiết. Đề thi kiểu dạng bài tổng hợp cũng phải có tính chất liên môn. Nội dung câu hỏi môn Lý phải có một phần nhỏ liên quan đến Hóa. Ba môn phải có sự liên kết để đảm bảo đánh giá đúng năng lực của học sinh.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội, hiện nay chưa thể áp dụng ngay phương án bài thi tổng hợp được mà vẫn phải sử dụng phương án thi theo môn. Nhà trường, học sinh, cần phải có thời gian để chuẩn bị trong một thời gian dài.

“Dù thực hiện phương án nào thì vẫn phải đảm bảo mục tiêu giảm áp lực, tốn kém  cho xã hội, đảm bảo độ trung thực tin cậy, đánh giá đúng năng lực học sinh và làm cơ sở cho tuyển sinh đại học, cao đẳng”, Tiến sĩ Lâm nói.

Cũng theo Tiến sĩ Lâm, ngoài 3 phương án của Bộ GD-ĐT đề xuất, ông còn đề xuất thêm một phương án 4, đó là thí sinh chỉ tập trung vào thi 3 môn Toán, Văn,  Ngoại ngữ (có thể học sinh sẽ được chọn thêm một môn nữa trong số những môn học còn lại). Như vậy, phương án này vẫn đảm bảo mục đích đánh giá đúng năng lực học sinh.

Để thực hiện được phương án này, trường học phải làm nghiêm, thường xuyên kiểm tra, đánh giá học sinh trong từng năm học, cấp học. Đặc biệt, tập trung làm chặt ở cấp 3 nhằm đảm bảo độ tin cậy trong giáo dục. Coi thi phải hết sức khách quan, ngoài lực lượng cán bộ giám sát phải lắp thêm camera. Giáo viên, học sinh phải trung thực trong kỳ.

Đổi mới thi tốt nghiệp: Thực hiện ngay học sinh sẽ “sốc” - 2

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội.

Dạng bài thi tổng hợp là cơ sở dữ liệu cho tuyển sinh đại học

Tiến sĩ Lập cho hay, vừa qua, có nhiều thí sinh đỗ tốt nghiệp THPT đi thi đại học nhưng bài thi môn Toán vẫn đạt điểm 0. Như vậy, có thể thấy là trong kỳ thi tốt nghiệp, nhiều trường vẫn còn nặng về bệnh thành tích. Các trường đại học, cao đẳng chưa thực sự tin tưởng vào dữ liệu tốt nghiệp.

“Tuy nhiên về lâu dài, phương án bài thi tổng hợp (phương án 3) sẽ là dữ liệu tin cậy cho các trường đại học căn cứ vào đó xét tuyển thí sinh vào đại học. Phương án bài thi tổng hợp rất hay cho một xã hội học tập nghiêm túc, học sinh sẽ không học lệch, học tủ”, Tiến sĩ Lập nói.

Tiến sĩ Lập cho rằng, muốn thực hiện được phương án bài thi tổng hợp thì phải có sự chuẩn bị ngay từ khi học sinh học trung học cơ sở. Học sinh phải được làm quen với các dạng bài thi tổng hợp, áp lực thi cử từ trước. Đến khi vào cấp 3, học sinh đã cơ bản định hướng được tương lai của mình là vào trường đại học nào. Năm lớp 12 chỉ là sự chuẩn bị cuối cùng cho một kỳ thi quốc gia.

Đồng quan điểm, Tiến sĩ Lâm cũng cho hay, phương án bài thi tổng hợp hoàn toàn có thể giúp các trường đại học căn cứ vào đó để xét tuyển thí sinh. Ngòai tránh được việc học lệch, tủ thì với 2 ngày thi, kỳ thi được tổ chức gọn nhẹ hơn, giảm chi phí cho tổ chức thi. Mức độ tổng hợp, tích hợp các môn thi thành bài thi mạnh và nhanh hơn phương án 1, đồng thời hạn chế được việc dạy dồn hoặc cắt xén chương trình đối với những môn không thi như trước đây.

Tra cứu trọn gói Điểm chuẩn - Điểm thi - Xếp hạng, soạn tin:

DT SốBáoDanh gửi 8702

VD: Để tra điểm của thí sinh có số báo danh là HBTD1.23456, soạn tin:

DT HBTD1.23456 gửi 8702 (bao gồm cả mã khối trong SBD)

(Ghi chú: Điểm thi sẽ được gửi tới bạn ngay khi có, xem chi tiết Bấm đây)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Đức ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN