Hàng trăm trẻ thất học vì bố mẹ phản đối sáp nhập trường

Tại một số địa phương của Nghệ An, Hà Tĩnh, hàng trăm trẻ em đến tuổi đi học đang phải ngồi ở nhà vì bị bố mẹ cấm đến trường nhằm phản đối chủ trương sáp nhập trường.

1% học sinh đến trường

Theo tìm hiểu của PV báo Người đưa tin, tại trường tiểu học xã Quang Sơn, huyện Đô Lương (Nghệ An), gần 60 học sinh khối lớp 1, 2 và 3 đang phải ngồi ở nhà vì bị bố mẹ cấm tới trường. Việc hàng loạt học sinh không đến trường là vì điểm trường lẻ gần nhà đã bị đóng cửa từ năm học 2013-2014 theo chủ trương chuyển trường, sáp nhập trường.

Hàng trăm trẻ thất học vì bố mẹ phản đối sáp nhập trường - 1

Lớp học kiểu một trò - một cô

Nhiều phụ huynh cho rằng, việc sáp nhập trường, bắt con em họ phải đi tới một trường học cách xa nhà khiến việc đi lại khó khăn và nguy hiểm, đặc biệt với các học sinh lớp 1, 2 và 3. Mặc dù trước khi năm học mới 2014-2015 diễn ra, phía Ban giám hiệu trường Tiểu học xã Quang Sơn cũng như các ban ngành liên quan trong xã đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân song nhiều bậc phụ huynh vẫn phản đối.

"Do đường sá xa xôi, các cháu lại còn nhỏ, sức yếu nên không thể tự đi đến trường trong khi chúng tôi lại làm nông, không thể đón các cháu hàng ngày. Chúng tôi nhất quyết không cho con đến trường để phản đối việc sáp nhập trường điểm lẻ thành điểm chính này", một phụ huynh có con nghỉ học cho biết.

Theo một số phụ huynh, trong hơn 1 năm nay, nhiều hộ dân đã gửi đơn kiến nghị lên các cấp chính quyền nhưng đều bị trả lại và yêu cầu tiếp tục giải quyết tại các cuộc họp ở địa phương. Tuy nhiên, những kiến nghị, yêu cầu trên đều không được giải quyết.

Hàng trăm trẻ thất học vì bố mẹ phản đối sáp nhập trường - 2

Hàng chục người dân tập trung tại cổng trường THCS Hương Bình để giữ trường

Tình trạng học sinh bị cấm đi học này không chỉ xảy ra ở huyện Đô Lương (Nghệ An). Tại huyện Hương Khê (Hà Tĩnh), trong buổi khai giảng đầu năm của trường tiểu học xã Hương Bình, chỉ có 20/225, tức gần 1% học sinh có mặt. Sân trường vắng bóng học sinh, lớp học chỉ có 1-2 em đang diễn ra ở ngôi trường này. Trong khi đó, trường Mầm non xã Hương Bình cũng rơi vào chỉ có vài chục học sinh tới lớp.

Chị Nguyễn Thị T., ở xóm Bình Thành, xã Hương Bình, huyện Hương Khê bức xúc: "Chủ trương không sai tuy nhiên quá đột ngột, con em chúng tôi có trường gần mà phải đi học xa, chịu nhiều mối nguy hiểm trên đường đi học".

Tuy nhiên, trong khi một số bậc phụ huynh vẫn tạo cho con đến trường theo chủ trương sáp nhập trường thì lại bị chính những bậc phụ huynh khác phản đối, đe dọa nên đành ngậm ngùi để con… thất học.

Hàng trăm trẻ thất học vì bố mẹ phản đối sáp nhập trường - 3

Học sinh lớp 5A và 5B của trường Tiểu học Hương Bình cùng chương trình học nên được cô giáo ghép lại học chung với nhau

Trao đổi với thầy Nguyễn Văn Sơn, Hiệu trưởng trường Tiểu học Quang Sơn cho biết: "Việc sáp nhập trường là nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Không riêng xã Quang Sơn mà nhiều xã khác trên địa bàn huyện Đô Lương cũng thực hiện chủ trương này. Chúng tôi đã và đang cử giáo viên đến tận từng hộ gia đình để vận động đưa con em tới trường và mong các bậc phụ huynh sớm nhận thức được vấn đề để con em được đến trường".

Trong khi đó, cô Phan Thị Anh, Hiệu trưởng trường Tiểu học xã Hương Bình cũng cho hay: "Nhiều phụ huynh có quan điểm rằng, không có trường cấp II thì học cấp I cũng chẳng giải quyết được gì nên họ đã cho con em nghỉ học bởi hiện tại, trường THCS Hương Bình cũng phải sáp nhập vào Trường THCS Hòa Hải và Phúc Đồng’".

Đừng để trẻ bị thất học

Tình trạng hàng chục học sinh khối lớp 1, 2, 3 nghỉ học thời gian dài ở xã Quang Sơn, huyện Đô Lương (Nghệ An) đang khiến trẻ mất đi một khối lượng kiến thức lớn.

Hàng trăm trẻ thất học vì bố mẹ phản đối sáp nhập trường - 4

Cậu bé ở làng Vạn Hà, xã Quang Sơn, huyện Đô Lương (Nghệ An) năm nay lên lớp 1 nhưng lại bị bố mẹ cấm đến trường

Tháng 9 này, trường Tiểu học Quang Sơn cũng đã vận động bà con đưa con em mình đến trường thi tuyển kiểm tra chất lượng đầu vào. Thế nhưng, 10 em đến thi tuyển, đa số đều không vượt qua được yêu cầu của trường. Điều đó cho thấy việc nghỉ học hơn 1 năm qua đã làm ảnh hưởng đến nền tảng kiến thức cần xây dựng và vun đắp ngay từ đầu của các em.

Cũng trong thời gian qua, việc một số hộ gia đình cho con em quay trở lại trường đã bị kẻ xấu phá hoại mùa màng, đốt phá rơm rạ. Vụ việc này cũng làm ảnh hưởng tới tâm lý của nhiều hộ dân dẫn đến tình trạng sản xuất bị ngưng trệ.

Ông Lê Văn Vĩnh, Chủ tịch xã Quang Sơn cho rằng: "Việc các phụ huynh học sinh bám vào cớ đường xa, đi lại khó khăn là không phù hợp. Trên thực tế, trên địa bàn xã Quang Sơn có rất nhiều điểm xóm cách xa trường tiểu học Quang Sơn, đường sá xa, khó khăn hơn nữa nhưng họ vẫn cho con em đến trường đầy đủ".

Không chỉ cho các em lớp 1, 2, 3 nghỉ học, một số phụ huynh học sinh còn có quan niệm rằng nếu các em đã không học được tiểu học thì cũng không cần thiết phải học mầm non làm gì. Chính vì thế, nhiều đứa trẻ đến nay vẫn chưa biết đến thầy cô, lớp học vì bị bố mẹ cấm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nhóm PVMT (Người đưa tin)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN