Không chấm điểm HS tiểu học: Loại bỏ tâm lý ganh đua

Chuyên gia giáo dục cho rằng, bỏ chấm điểm học sinh tiểu học thay bằng nhận xét sẽ giúp các em có tâm lý thoải mái, không bị áp lực về điểm số và có thời gian học hỏi thêm nhiều kỹ năng sống khác.

Bộ GD-ĐT vừa chính thức ban hành thông tư số 30 quy định đánh giá học sinh cấp tiểu học. Theo đó, thông tư quy định sẽ không dùng điểm số để đánh giá thường xuyên mà thay vào đó là những lời nhận xét theo hướng tích cực để động viên, khích lệ học sinh. Thông tư này chính thức có hiệu lực từ 15/10/2014.

Bỏ chấm điểm học sinh không bị áp lực tâm lý

TS Vũ Thu Hương, giảng viên khoa giáo dục tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết, đối với học sinh cấp tiểu học rất cần sự đánh giá về mặt tổng quan, nâng đỡ về mặt tinh thần. Việc đánh giá về điểm số đôi khi cũng không đúng 100% và nó dễ gây hiểu lầm.

“Việc bỏ đánh giá bằng điểm số đối với học sinh tiểu học thay bằng lời là tốt. Bởi khi cô giáo nhận xét không cho điểm, học sinh sẽ thấy nhẹ nhàng, không bị áp lực. Việc làm này sát thực với học sinh, có tính định hướng cho các cấp học tiếp theo”, TS Hương nói.

Không chấm điểm HS tiểu học: Loại bỏ tâm lý ganh đua - 1

TS Vũ Thu Hương, giảng viên khoa giáo dục tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội

TS Hương cho biết thêm, việc đánh giá bằng lời nhận xét sẽ giúp cô giáo quan tâm đến trẻ nhiều hơn. Nếu như hai học sinh, một được 9, một được 8,5, cô giáo hoàn toàn có thể cho điểm tương đương. Nhưng khi cô giáo nhận xét hai học sinh trên bằng lời sẽ khó và cô giáo bắt buộc phải quan tâm đến các em hơn để đưa ra nhận xét đúng, đủ để động viên học sinh học tập.

“Cũng có một số ý kiến nói, nếu như cô giáo cho điểm học sinh sẽ tạo thêm động lực cho các em phấn đấu học tập. Tôi thấy đó chỉ là tâm lý ganh đua của phụ huynh. Khi cho điểm, đối với học sinh học tốt thì không sao. Nhưng đối với học sinh bị điểm kém sẽ dễ bị tâm lý tự ti, chán nản. Như vậy việc cho điểm chưa chắc hẳn đã tốt”, TS Hương chia sẻ.

TS Nguyễn Văn Lập, giảng viên trường Đại học Khoa học Tự nhiên cho hay, ông đồng tình với chủ trương bỏ cho điểm thay thế bằng nhận xét đối với học sinh tiểu học. Bởi những đứa trẻ còn nhỏ, phụ huynh, thầy cô không nên tạo áp lực, gây căng thẳng thần kinh cho các em. Cái quan trọng nhất, thầy cô phải đánh giá trẻ như thế nào để các em đến trường cảm thấy vui vẻ, hào hứng.

“Bỏ việc cho điểm  đối với học sinh tiểu học là chủ trương tốt. Ngoài việc các em không bị nặng nề về điểm số, các em có thêm thời gian để vui chơi, học các kỹ năng sống khác. Tôi nghĩ, trong quá trình dạy học, cô giáo chỉ cần cô giáo lưu ý, quan tâm đến các em, cho các em biết điểm yếu ở chỗ nào để khắc phục. Như vậy, học sinh vẫn học tốt, tâm lý không bị căng thẳng.

Nhận xét bằng lời cũng cần linh hoạt

Theo TS Hương, cái bất cập đối với học sinh tiểu học, đặc biệt là học sinh lớp 1 là số lượng trẻ trong một lớp đông. Có những lớp nhiều lên tới 50 hoặc 60 trẻ, lớp ít cũng phải 40 trẻ. Như vậy cũng gây khó cho giáo viên khi nhận xét bằng lời, bởi một ngày cô giáo không thể viết hết bằng lời vào vở.

“Tôi thấy Bộ GD-ĐT có thể xem xét, linh hoạt cho giáo viên trong khi nhận xét bằng lời. Một có tới 40 đến 50 học sinh, do vậy cũng không nhất thiết ngày nào cũng phải ghi nhận xét vào vở. Giáo viên có thể ký hiệu ở vở học sinh ngôi sao (tương ứng với mức điểm giỏi, khá, trung bình, yếu) thay việc viết nhận xét vào vở. Như vậy, thầy cô có thêm thời gian để dạy học sinh một số kỹ năng sống khác”, TS Hương phân tích.

Không chấm điểm HS tiểu học: Loại bỏ tâm lý ganh đua - 2

Lời nhận xét của giáo viên dành cho học sinh lớp 1

Cô Nguyễn Thị Thúy, giáo viên tại Hà Nội cũng cho hay, đối với học sinh lớp 1, nếu thầy cô, phụ huynh quá nặng về điểm số dễ khiến các em bị áp lực tâm lý, đến trường trong tâm trạng không thoải mái.

“Hiện tại tôi cũng đang có con học lớp 2, do vậy, tôi thấy việc bỏ đánh giá điểm đối với cấp tiểu học là phù hợp. Khi bỏ chấm điểm, sẽ giảm sức cạnh tranh ở điểm số đối với học sinh. Chỉ cần giáo viên khi nhận xét khéo léo, không dùng từ sốc gây ức chế thần kinh cho học sinh. Ví dụ như em chưa được mạnh dạn lắm trong môn Toán thay vì nói em dốt môn này, môn kia”, cô Thúy nói.

Theo Bộ GD-ĐT, đánh giá học sinh tiểu học là những hoạt động quan sát, theo dõi, trao đổi, kiểm tra, nhận xét quá trình học tập, rèn luyện của học sinh; tư vấn, hướng dẫn, động viên học sinh; nhận xét định tính hoặc định lượng về kết quả học tập, rèn luyện, sự hình thành và phát triển một số năng lực, phẩm chất của học sinh tiểu học.

Mục đích đánh giá là giúp giáo viên điều chỉnh, đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức hoạt động dạy học, hoạt động trải nghiệm ngay trong quá trình và kết thúc mỗi giai đoạn dạy học, giáo dục; kịp thời phát hiện những cố gắng, tiến bộ của học sinh để động viên, khích lệ và phát hiện những khó khăn chưa thể tự vượt qua của học sinh để hướng dẫn, giúp đỡ; đưa ra nhận định đúng những ưu điểm nổi bật và những hạn chế của mỗi học sinh để có giải pháp kịp thời nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động học tập, rèn luyện của học sinh; góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục tiểu học.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đức Nguyễn ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN