Lạm thu trường học: Phụ phí cao hơn chính phí (Kỳ 2)

Với hầu hết các khoản thu phí “lạ”, ngoài quy định tại nhiều trường, thường thì giáo viên không trực tiếp đứng ra thu mà thông qua ban phụ huynh hô hào, tổ chức và tính chung lại, “phụ phí” còn cao hơn phí chính thức.

Lạm thu trường học: Phụ phí cao hơn chính phí (Kỳ 2) - 1

Trường Tiểu học V.V.H (TP HCM) kêu gọi phụ huynh mua ti vi, trong khi sân trường thì lồi lõm, ngập nước không có chỗ cho học sinh chơi

Sức ép mang tên “ban phụ huynh”

Ông Quỳnh, phụ huynh học sinh lớp 1/1 trường Tiểu học V.V.H (quận 9, TP HCM) phản ánh, ngay đầu năm học, cô giáo chủ nhiệm đã đề nghị mỗi học sinh đóng 400.000 đồng mua tivi để học (!?). Theo tính toán của ông Quỳnh, lớp có 35 cháu, số tiền thu 14 triệu đồng, trong khi ti vi chỉ khoảng 7-8 triệu đồng nhưng không thấy cô giáo giải thích khoản dư ra sử dụng vào đâu. Ngoài ra, mỗi học sinh còn phải đóng thêm những khoản lặt vặt khác như đôi dép 30.000 đồng, ghế ngồi 70 ngàn đồng…

Tại trường Mầm non N.S (quận Thủ Đức, TP HCM) có đề nghị khoản tiền “nâng cao chất lượng” tới 300 ngàn đồng. Tuy trên giấy ghi không bắt buộc nhưng lại có ghi chú “phụ huynh nào không đóng thì ghi ý kiến vào giấy”, chả khác nào gây sức ép tâm lý buộc phụ huynh phải đóng. 

Từ nay đến hết 25/9, Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, sẽ tập trung kiểm tra việc thực hiện công tác thu, chi đầu năm học, bao gồm cả khoản học phí (mức thu, thời gian thu) lẫn quản lý, sử dụng các khoản thu theo thỏa thuận, thu tự nguyện và các khoản thu khác như tài trợ, hỗ trợ… Theo bà Phạm Hồng Nga - Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, ngoài kiểm tra thường xuyên, định kỳ, Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ kiểm tra đột xuất trong suốt năm học.

Chị Vân, phụ huynh học sinh trường tiểu học D.V (quận Cầu Giấy, Hà Nội) than thở, đầu năm, hàng loạt phiếu báo được con liên tiếp mang về, từ mua đồng phục, sách tham khảo, sách nâng cao, báo các loại… “Con nhà tôi khăng khăng “cô dặn phải mua ít nhất một quyển”, nên tôi đành đăng ký lấy cho con cuốn Học Trò cười giá 104.000 đồng/học kỳ”, chị Vân cho hay. 

Theo phản ánh của nhiều phụ huynh, có vô vàn khoản thu ngoài quy định. Tuy nhiên, giáo viên không trực tiếp đứng ra yêu cầu mà thường do ban phụ huynh hô hào. Chị My Lan, phụ huynh trường THCS N.K (quận Ba Đình, Hà Nội) kể, ngay buổi họp đầu năm học, Ban phụ huynh lớp đã nhanh chóng thống nhất mức đóng 1 triệu đồng/học sinh dùng cho việc mua sắm máy vi tính xách tay, máy chiếu, điều hòa của lớp, rồi đề nghị biểu quyết.

Trong lúc có phụ huynh còn quay sang hỏi ý kiến nhau, Ban phụ huynh lớp thông báo biểu quyết đã xong và mọi người đành “thuận theo số đông” vì “lo ảnh hưởng đến con còn đang theo học”. Chị Lan bức xúc: “Ban phụ huynh được gợi ý đều là những người có điều kiện về kinh tế. Ngoài việc mua máy tính, mỗi lúc lại đề xuất thêm một số khoản đóng góp. Chúng tôi rất hoan nghênh bất cứ phụ huynh nào tự nguyện đóng góp thêm cho lớp, cho trường, nhưng không nên “vẽ” ra các khoản thu không cần thiết rồi gây sức ép cho các gia đình còn lại mà đại đa số không có điều kiện như họ”. 

Biến tướng lạm thu

Không chỉ thu tiền trực tiếp, tình trạng lạm thu trường học còn đang biến tướng bằng những yêu cầu “lạ” của trường, lớp. Từ tháng 8, anh Huy (quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã chuẩn bị đầy đủ sách vở, đồ dùng học tập để con bước vào lớp 1. Nhưng vào năm học, cô giáo chủ nhiệm yêu cầu học sinh mua đúng vở Hồng Hà mã số 0509, khiến 20 quyển vở Hải Tiến trắng tinh đã bọc, dán nhãn cẩn thận anh mua sẵn cho con đành bỏ xó. Bức xúc hơn, con gái anh đang học lớp ba, năm ngoái đạt học sinh giỏi được Ban phụ huynh thưởng 20 quyển vở năm ly, nhưng giờ cô giáo yêu cầu phải viết vở bốn ly nên chỉ dùng làm giấy nháp. Chị Hoa, có con học lớp 2 trường tiểu học N.T, Hà Nội kể có lần nửa đêm còn phải đi tìm mua mực Queen cho con dùng theo yêu cầu của cô giáo, dù trước đó con chị đang dùng mực Hồng Hà. Vở viết và bút thì con chị năn nỉ phải dùng đúng loại cô giáo “mua hộ”. “Tôi không hiểu sao cô giáo lại nhiệt tình định hướng tiêu dùng cho từng học sinh như vậy? Lẽ nào các doanh nghiệp cung cấp đồ dùng, thiết bị đã tiếp thị đến từng giáo viên?”, chị Hoa đặt câu hỏi. 

Chị Nga, phụ huynh học sinh trường Tiểu học H.D (quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết, hai năm nay, năm nào trường cũng tổ chức cho học sinh đi dã ngoại ở Erahouse, chi phí 240 nghìn đồng/học sinh. “Tôi đã từng tổ chức cho các cháu con của cán bộ, nhân viên cơ quan đi Erahouse, giá vé chỉ là 120.000 đồng/trẻ em và đoàn từ 100 người được chiết khấu 20%, còn đoàn như trường của con có hàng ngàn học sinh, chiết khấu có thể lên đến 30%, thậm chí hơn.

Có lẽ chiết khấu ở nơi này cao nên nhiều trường tiểu học năm nào cũng cho các cháu đi tham quan mỗi một điểm này”, chị Nga nói. Tại nhiều trường tiểu học như N.T, một năm tổ chức hai lần đi dã ngoại, điểm đến thường là bảo tàng rồi xem xiếc… sau đó về trường ăn trưa, song chi phí mỗi buổi như thế thường 300 ngàn đồng/lần!    

Theo tính toán của một phụ huynh có con học tiểu học tại một trường công lập ở Hà Nội, chi phí mỗi tháng của con chị trung bình từ 1-1,5 triệu đồng. Trong đó, khoản thu cố định theo tháng gồm tiền ăn (25 ngàn đồng/ngày), học phí 100 ngàn đồng; trông trưa 150 ngàn đồng, nước uống 10 ngàn đồng, sổ liên lạc điện tử 40 ngàn đồng; tiếng Anh nâng cao 100 ngàn đồng.  Các khoản thu theo năm  như quỹ phụ huynh từ vài trăm đến cả triệu đồng/năm, tham quan, dã ngoại 500-600 ngàn đồng, đồng phục đông, hè 500 ngàn đồng, sách giáo khoa 300 ngàn đồng, báo, tạp chí 200 ngàn đồng, bảo hiểm y tế 290 ngàn đồng, bảo hiểm thân thể 60 ngàn đồng, quỹ khuyến học tối thiểu 50 ngàn đồng; chữ thập đỏ 10ngàn đồng; quỹ đoàn đội 18ngàn đồng…

V.A

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đỗ Loan - Vũ Anh (Giao thông Vận tải)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN