Thi Hóa: Chọn làm bài khó trước là sai lầm

“Đối với bài tập hóa vô cơ, học sinh thường viết lan man, thích viết phương trình phản ứng, trong khi đó các em lại không để ý đến cách không cần viết phương trình mà vẫn lập được hệ và giải bài”, thầy Thiết chia sẻ.

Thầy Trần Đình Thiết, giảng viên Hóa của một trường sư phạm ở Hà Nội đã chia sẻ với học sinh khi làm bài thi môn Hóa học.

Theo thầy Thiết, với hình thức thi trắc nghiệm, nội dung kiến thức được đề cập trong đề thi rộng, bao phủ toàn bộ chương trình Hóa học phổ thông. Song không có những nội dung được khai thác quá sâu, phải sử dụng nhiều phép tính toán như hình thức thi tự luận. Để làm dạng bài này tốt, học sinh nên đơn giản hóa vấn đề, đừng quá quan tâm đến trình bày mà hãy quan tâm đến việc làm thế nào để đến kết quả nhanh và chính xác nhất. Học sinh phải nắm vững kiến thức và các dạng bài tập cơ bản trong sách giáo khoa thì mới có thể làm tốt bài thi.

Học sinh chăm chỉ giải nhiều dạng đề

Thầy Thiết cho hay, nhiều học sinh học lực kém thường chọn ôn “tủ” một phần nội dung nào đó trong chương trình học. Suy nghĩ này của các em hết sức nguy hiểm, không tốt. Các em chỉ nghĩ mình học được phần nội dung này nên chỉ ôn xoay quanh nó, như vậy là không đúng. Do vậy, các em nên “chinh phục” lại bài tập trong sách giáo khoa (cả những vấn đề về lí thuyết), bài tập nâng cao ở sách bài tập, các bộ đề thi từ những năm trước. Chăm chỉ giải nhiều dạng đề, điều đó giúp học sinh có thêm kinh nghiệm “đọc” đề thi và các kỹ năng giải một bài tập Hóa học nhanh nhất.

Học sinh hãy giữ lại tất cả các đề và đáp án thi thử ở tất cả các nơi, kể cả trên internet để đến vòng ôn thi cuối trước khi thi đại học, các em sẽ làm lại. Lúc đó học sinh sẽ nhớ được nhiều kiến thức quý báu. Bởi mỗi một đề thi thử, dù thi ở đâu cũng là kết quả của những suy nghĩ, cân nhắc cẩn thận và là sự chắt lọc những tinh túy của các thầy giáo, cô.

Thi Hóa: Chọn làm bài khó trước là sai lầm - 1

Thầy Trần Đình Thiết, Giáo viên luyện Hóa ở Hà Nội (Ảnh: Đức Nguyễn)

Trong những lần làm đề thi thử, các em không nên xem ngay đáp án, mà hãy dành một khoảng thời gian để trăn trở, suy ngẫm về những câu hỏi mà mình còn cảm thấy băn khoăn. Chỗ nào chưa rõ thì các em xem lại sách, bổ sung lại hoặc hỏi thầy cô. Khi đã suy nghĩ kỹ và tìm lời giải cho các câu hỏi đó theo cách của riêng mình, học sinh mới kiểm tra đáp án và xem hướng dẫn giải. Làm như vậy, học sinh sẽ thấy mỗi lần thi là một lần mình học tập và giúp các em ngấm sâu nhiều kiến thức quý báu.

“Thông thường đề thi ra không yêu cầu học sinh phải quá cao siêu mà chỉ cần các em hiểu được bản chất của vấn đề, sáng tạo, vận dụng tốt vào bài làm là có thể đỗ được đại học”, thầy Thiết nói.

Theo thầy Thiết, trong quá trình học bài, học sinh hay sai lầm ở chỗ thường học “vẹt”, học thuộc lòng mà cố tình không hiểu bản chất của vấn đề. Như vậy, rất dễ đẩy bản thân các em rơi vào hoàn cảnh tự mình hại mình.

Ví dụ: Đề thi cho khối lượng của một chất béo và cho khối lượng muối tạo thành, biết chỉ số axit của chất béo. Đối với dạng này, học sinh thường không làm được bài vì cho rằng mình thiếu sự kiện. Nhưng thực ra học sinh mà để ý thì chỉ cần gọi số mol của Glycerol là x sẽ tìm được số mol Bazơ theo x bảo toàn số lượng và ra kết quả.

Hay bài như dạng bài toán cho hỗn hợp các chất thì mình phải tìm được điểm chung của nó. Ví dụ cho hỗn hợp kim loại kẽm, niken. Nếu như ở dạng này, học sinh gọi chung là R, đều có hóa trị là 2 thì sẽ dễ dàng giải quyết được bài toán.

Học sinh chọn làm bài khó trước là sai lầm

Thầy Thiết cho hay, khi nhận đề thi, học sinh thường không biết là bài nào là khó là dễ, không phân biệt được việc nên làm câu nào trước. Mỗi câu trong đề thi chỉ được có 0,2 điểm nhưng nhiều em lại thích làm bài khó trước. Đó là một sai lầm lớn vì những bài khó có thể mất từ 4 đến 5 phút trong khi đó bài dễ chỉ cần 5 đến đến 30 giây.

Do vậy, các em nên đọc đề từ đầu đến cuối và làm ngay những câu mà mình cho là chắc chắn sẽ làm đúng, đánh dấu trong đề những câu chưa làm được, sau đó lặp lại lượt thứ hai, rồi lượt thứ ba... Các em không nên dừng lại quá lâu ở một câu trắc nghiệm, sẽ mất cơ hội ở những câu dễ hơn, mà điểm số thì được chia đều.

Nếu còn thời gian, học sinh hãy đọc lại toàn bộ câu hỏi và phương án chọn. Rất có thể các em đã hiểu sai ý của đề bài từ lần đọc trước. Học sinh hãy đánh dấu các câu đó bằng cách sử dụng tẩy đồng thời kiểm tra xem các ô được tô có lấp đầy diện tích chì và đủ đậm hay không, nếu quá mờ thì khi chấm máy sẽ báo lỗi.

Đối với dạng bài tập hóa vô cơ thường có từ 11 đến 12 câu hỏi. Dạng bài này thường sử dụng rất nhiều các định luật bảo toàn nguyên tố, khối lượng, phương pháp quy đổi. Học sinh khi làm bài dạng vô cơ thường viết lan man, thích viết phương trình phản ứng, trong khi đó học sinh không để ý tìm cách không viết phương trình mà vẫn lập được hệ và giải bài.

Ví dụ cho hỗn hợp kim loại Cu, Al, có tổng khối lượng và cho biết sản phẩm khí khi phản ứng với Hno3 thì bảo toàn E lập được 1 phương trình kết hợp với một phương trình khối lượng. Như vậy làm theo cách đó học sinh sẽ lập được hệ.

Bài tập hóa hữu cơ cũng có khoảng hơn 10 câu. Học sinh hay mắc lỗi khi làm dạng này đó là không gọi được công thức tổng quát của chất hữu cơ.

Vi dụ, cho 1 axit no 3 chức mạnh hở phản ứng cháy tìm được số mol Co2 và H20. Khi gặp dạng này học sinh chỉ cần gọi được công thức tổng quát là CnH2n – 4 O6 là có thể giải được bài. Bài tập dễ như vậy nhưng học sinh rất hay chọn cách viết phương trình và dẫn đến việc bị làm sai.

Đối với những câu hỏi khó, học sinh loại trừ những phương án mà bản thân mình biết là sai. Đặc biệt, phải cân nhắc các con số thu được từ bài toán xem có phù hợp với những kiến thức đã biết không. Chẳng hạn như ví dụ: Tìm được M= 56n thì rất nhiều học sinh chọn luôn là sắt mà không để í nếu như vậy thì là hóa trị I nên sẽ không đúng mà phải chọn n=2 suy ra kim loại là Cd.

____________________

Đón đọc bài tư vấn ôn thi Môn Lý: Học sinh để ý đến cụm từ đặc biệt vào 16h ngày 19/4

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đức Nguyễn ([Tên nguồn])
Bí quyết ôn thi hiệu quả Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN