Thực hiện một kỳ thi quốc gia càng sớm, càng tốt

Theo GS Đặng Kim Vui, Giám đốc ĐH Thái Nguyên, ông ủng hộ chủ trương chỉ có một kỳ thi chung, vừa xét tốt nghiệp, vừa làm căn cứ cơ bản để các trường ĐH, CĐ tuyển sinh. Kỳ thi này thực hiện càng sớm càng tốt.

GS Đặng Kim Vui nói: Sau nhiều năm thực hiện, kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ với phương thức “ba chung” đã đi vào nề nếp. Tuy nhiên việc cùng có hai kỳ thi dành cho các em học xong lớp 12 trong một thời gian gây nhiều áp lực căng thẳng cho cả gia đình, thí sinh, xã hội và các đơn vị đào tạo.

Đặc biệt, kỳ thi ĐH đã khiến phụ huynh và gia đình rất vất vả. Cá nhân tôi cũng như nhiều cán bộ quản lý khác hoàn toàn ủng hộ chủ trương thực hiện một kỳ thi quốc gia để đạt hai mục tiêu là xét tốt nghiệp THPT và làm căn cứ cơ bản để tuyển sinh vào ĐH, CĐ. Nếu thực hiện được càng sớm thì càng tốt. 

Thực hiện một kỳ thi quốc gia càng sớm, càng tốt - 1

Giáo sư Đặng Kim Vui

Giáo sư có nhắc tới sự tốn kém cho đơn vị đào tạo, cụ thể là thế nào?

Đơn cử như ĐH Thái Nguyên hiện vẫn phải bù lỗ cho quá trình tuyển sinh để thực hiện các khâu như: Chuẩn bị cơ sở vật chất, tuyên truyền quảng bá về nhà trường, hợp tác với các đơn vị liên quan…

Bên cạnh đó, liên quan tới việc tổ chức kỳ thi, có những sự tốn kém không tính toán cụ thể quy ra tiền được. Chẳng hạn để phục vụ kỳ thi, chúng ta phải huy động một lực lượng lớn nhân lực từ các ngành khác như công an, quân đội, điện lực, y tế…

Nếu chỉ tổ chức một kỳ thi quốc gia là kỳ thi tốt nghiệp THPT dư luận lại cho rằng các trường ĐH không dám dùng kết quả đó để làm căn cứ tuyển sinh do nó không phản ánh sát thực tế học lực của thí sinh?

Đúng vậy. Rõ ràng kỳ thi hai mục tiêu phải khác với kỳ thi tốt nghiệp THPT những năm vừa qua. Trước hết là đề thi, phải đáp ứng được ba cấp độ. Cấp độ một là đánh giá được những học sinh sức học trung bình để đạt ngưỡng cấp bằng tốt nghiệp THPT mà số này phải là đa số. 

Cấp độ hai là phải phân hóa được các em học khá, giỏi. Các chuyên gia của Bộ, của Chính phủ phải suy nghĩ theo hướng này chứ không có chuyện có một cái đề mà gần 100% em đỗ (tức đạt điểm từ trung bình trở lên). Tất nhiên đề tốt nghiệp THPT cũng đã phân hóa, nhưng yêu cầu phân hóa của một đề cho kỳ thi chung phải cao hơn.

Thế còn khâu coi thi thì sao, thưa giáo sư? 

Vấn đề này quả là chúng tôi cũng chưa biết Bộ sẽ xử lý ra sao! Chắc chắn để đạt kết quả đáng tin cậy cũng như có lòng tin để thực hiện được kỳ thi đúng với mục tiêu đặt ra thì phải có sự tham gia không chỉ của đội ngũ giáo viên phổ thông mà còn cả lực lượng cán bộ giảng viên các trường ĐH, ở tất cả các khâu làm đề, coi thi, chấm… Đây không phải là chuyện tin hay không tin nhau mà là để chúng ta có lực lượng hùng hậu hơn, triển khai nghiêm túc hơn.

Vậy theo giáo sư thì phải tổ chức kỳ thi như thế nào? 

Cá nhân tôi cũng như nhiều cán bộ quản lý khác hoàn toàn ủng hộ chủ trương thực hiện một kỳ thi quốc gia để đạt hai mục tiêu là xét tốt nghiệp THPT và làm căn cứ cơ bản để tuyển sinh vào ĐH, CĐ. Nếu thực hiện được càng sớm thì càng tốt.

Giáo sư Đặng Kim Vui

Lực lượng chủ công vẫn là hệ thống giáo dục phổ thông mà chủ yếu do các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm. Đề thi vẫn là đề thi quốc gia, kỹ thuật ra đề phải vừa đảm bảo đa số các em đạt ngưỡng tốt nghiệp phổ thông, vừa đạt sự phân hóa để chọn ra được những kết quả khá giỏi làm dữ liệu cơ bản để xét vào các trường ĐH theo nhu cầu, theo nguyện vọng của thí sinh…

Nhưng tôi mong muốn có sự tham gia tích cực của tất cả các trường ĐH của cả nước vào kỳ thi này, có như thế mới thực hiện được tốt các khâu, vừa đảm bảo được thời gian vừa đảm bảo chất lượng đề thi, coi thi, chấm thi.

Những cái này Bộ sẽ phải chuẩn bị kỹ và được thể hiện trong quy chế. Nếu làm tốt, tiến tới sẽ đạt được nề nếp giống như ta đang làm kỳ thi tuyển sinh ĐH ba chung này. 

Vậy các trường ĐH nên tham gia ở mức độ nào?

Tất nhiên không thể tất cả giáo viên ĐH tham gia coi thi, hay vào làm đề thi. Thực tế có năm ta đã sử dụng cán bộ, giảng viên ĐH đi làm thanh tra thi ở kỳ thi tốt nghiệp THPT. 

Quả là Bộ đã từng có ý định để các trường ĐH tham gia sâu vào kỳ thi tốt nghiệp THPT và mở đầu là năm 2007 với việc các cán bộ, giảng viên đi làm thanh tra ở kỳ thi này. Tuy nhiên, những năm sau lực lượng thanh tra này giảm dần và đến giờ thì không còn. Vậy thì đề xuất của giáo sư có khả thi?

Đó là khi kỳ thi tốt nghiệp THPT còn là một kỳ thi độc lập. Nhưng khi kỳ thi này trở thành một kỳ thi liên quan sát sườn tới chất lượng tuyển sinh của các trường ĐH, bắt buộc các trường phải có trách nhiệm tham gia, nếu như anh muốn có đội ngũ sinh viên có chất lượng. Điều này nếu đưa vào quy chế sẽ là quyền lợi, đồng thời là nghĩa vụ - trách nhiệm mà các trường ĐH phải cùng nhau chia sẻ.

Có ý kiến tham vấn cứ nên để các trường phổ thông tự tổ chức thi, tất nhiên là vẫn sử dụng một đề thi chung trên toàn quốc, và cơ quan quản lý sẽ giám sát kỳ thi qua hệ thống camera. Ý kiến của giáo sư thế nào? 

Nếu để cho các trường phổ thông tự tổ chức lấy tôi cho là chưa đảm bảo. Vẫn phải có sự tham gia của các cơ quan cấp trên, và đặc biệt là của các trường ĐH. Việc lắp camera theo tôi là không cần thiết bởi trong thời gian qua khi tổ chức kỳ thi tuyển sinh ĐH theo phương thức ba chung chúng ta không cần dùng camera mà kỳ thi vẫn rất tốt. 

Cảm ơn giáo sư.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Quý Hiên (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN