Tiết lộ gây “sốc” về đương kim vô địch Robocon châu Á-Thái Bình Dương

Đưa giảng viên đi thi đấu với sinh viên nước ngoài thì sao mà không thắng; đầu tư hàng tỷ đồng để mua linh kiện từ nước ngoài,… hàng chục lời đồn thổi ác ý dành cho đội robocon Trường ĐH Lạc Hồng (Đồng Nai) - vừa đoạt chức vô địch Robocon châu Á-Thái Bình Dương năm 2014 khiến chúng tôi quyết định phải làm rõ những thông tin này vì đây không chỉ là danh dự của một trường ĐH mà nó còn là danh dự của cả đất nước.

Nếu như ở những năm trước (từ 2010 đến nay), đội tuyển đại diện cho robocon Việt Nam tham dự cuộc thi “Sinh viên sáng tạo robot khu vực châu Á Thái Bình Dương” - Trường ĐH Lạc Hồng (Đồng Nai) chỉ như gần “chạm tay” đến chiếc cúp vô địch khi để thua “sít sao” ở vòng chung kết trước các đối thủ mạnh như: Trung Quốc, Nhật Bản... thì ngày 24/8 vừa qua, chiến thắng của đoàn Robocon Lạc Hồng đã đưa Việt Nam trở lại ngôi vương Robocon châu Á Thái Bình Dương sau 7 năm chờ đợi (chiến thắng gần nhất của VN là từ năm 2006 do ĐH Bách Khoa TP.HCM đăng quang - PV). 

Tiết lộ gây “sốc” về đương kim vô địch Robocon châu Á-Thái Bình Dương - 1

Ngày 24/8 vừa qua, Robocon Lạc Hồng đã đưa Việt Nam trở lại ngôi vương Robocon châu Á Thái Bình Dương sau 7 năm chờ đợi. (Ảnh: Quốc Hải)

Linh kiện lắp ráp robocon mua từ... chợ Nhật Tảo

Tiếp chúng tôi tại cơ sở 1 (số 10 Huỳnh Văn Nghệ, TP Biên Hòa), thầy Lâm Thành Hiển, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng - người gắn bó với phong trào robocon ngay từ những năm nhà trường đầu phát động sân chơi này, lần đầu tiên “bật mí” về công nghệ chế tạo robocon. Theo ông Hiển: “Nếu chúng tôi nói, linh kiện chủ yếu để lắp ráp robocon những năm vừa qua đều được mua ở chợ Nhật Tảo (Q.10), các anh có tin không?”. Rồi ông Hiển chậm rãi kể.

Năm 2004, lần đầu tiên Trường ĐH Lạc Hồng bắt đầu phát động chương trình chế tạo robocon trong nhà trường như một phong trào nghiên cứu khoa học, đồng thời cũng tạo sân chơi thực hành cho SV khoa Cơ - Điện tử. Lúc này, nhà trường “mạnh tay” đầu tư khoảng 300 triệu đồng để mua khoảng 10 bộ cảm biến cũ (trong các máy công nghiệp) từ chợ điện tử Nhật Tảo. Đến nay, mặc dù mỗi năm có hư hao nhưng về cơ bản 10 bộ cảm biến này đã theo chân ĐH Lạc Hồng dự các cuộc thi robocon trong nước và quốc tế.

Tiết lộ gây “sốc” về đương kim vô địch Robocon châu Á-Thái Bình Dương - 2

“Nhiều người cứ lầm tưởng hằng năm chúng tôi chi gần 1 tỷ đồng cho sân chơi robocon là chủ yếu mua linh kiện từ nước ngoài. Số tiền đó chúng tôi chi phần thưởng cho SV tham gia các vòng thi robocon cấp trường (6 vòng), chi phí cho SV dự các cuộc thi trong và ngoài nước”, ông Hiển cho biết.

Tuy nhiên, từ năm 2004 đến 2009, robocon Lạc Hồng chưa tạo được danh tiếng mà chủ yếu vẫn bó gọn trong sân chơi cấp trường. Đến năm 2010, lần đầu tiên ĐH Lạc Hồng đoạt chức vô địch toàn quốc. Từ đó, phong trào chế tạo robocon trong nhà trường được mở rộng không chỉ với SV năm 3, năm 4 mà ngay cả những SV năm 1 cũng bắt đầu mày mò tham gia sân chơi này. Thầy Nguyễn Văn Thương, Chỉ đạo viên của phong trào Robocon Lạc Hồng, cho biết: “Không chỉ có các SV nam, nhiều SV nữ của trường cũng đam mê sáng tạo robocon. Từ đây, một thế hệ SV Lạc Hồng “ăn ngủ cùng robocon” đã xuất hiện và nhiều năm giữ vững vị trí quán quân toàn quốc; đủ độ “chín” để tham dự các vòng khu vực”.

“Nhà trường chỉ hỗ trợ cho SV phần cảm biến; riêng các phần cơ khí, mạch điện, lập trình đến bộ khung của robocon thì SV phải tự chủ động thiết kế và chế tạo. Chính vì vậy, sau mỗi cuộc thi thì SV mỗi đội ngày càng trưởng thành hơn”, thầy Thương cho biết. Cũng theo thầy Thương: “SV tham gia sân chơi robocon tại ĐH Lạc Hồng không những được thỏa mãn niềm đam mê chế tạo, được thực hành nâng cao tay nghề mà còn có cơ hội… kiếm lời bởi phần thưởng khuyến khích từ BGH nhà trường dành cho SV đoạt giải cũng khá xông xênh”.

Bốn lần “lỡ hẹn” và một chiến thắng thuyết phục

Với việc tham gia cuộc thi một cách nghiêm túc, có đầu tư, trường đã liên tục vô địch trong nước nhiều năm liền nhưng ở sân chơi quốc tế, Robocon Lạc Hồng có những lần tưởng như đã chạm tay vào chiếc cúp nhưng lại để vuột mất. Thầy Hiển kể: Năm 2010, các em sang Ai Cập thi đấu. Sang chưa được bao lâu thì cả đoàn Việt Nam (chỉ hơn 10 người gồm cả nhà báo) sốt tơi bời đến nỗi thi xong vòng nào, các em lại nằm la liệt ở hậu trường, đợi thi vòng sau. Vậy mà, chiến thắng này tiếp nối chiến thắng nọ, Việt Nam cũng vào vòng chung kết, gặp Trung Quốc - đương kim vô địch thế giới. Do vẫn còn yếu về kinh nghiệm và thực lực thi đấu nên robocon Lạc Hồng đành ngậm ngùi nhận giải Nhì.

Năm 2011, Robocon Lạc Hồng lại đại diện Việt Nam sang Thái Lan thi đấu. Lần ấy, đương kim vô địch Trung Quốc bị loại từ vòng đầu, Nhật Bản bị loại tại vòng tứ kết. Việt Nam vào bán kết gặp chủ nhà Thái Lan và với một tình huống nhạy cảm, Việt Nam đã bị xử thua, dừng lại ở giải Ba, nhường lại vị trí nhất nhì cho 2 đội Thái Lan. Năm 2012,  Robocon Lạc Hồng lại tiếp tục đại diện Việt Nam có mặt tại Hồng Kông. Robocon Lạc Hồng đã thắng như chẻ tre, từ vòng loại đến tứ kết, bán kết, vượt qua Nhật Bản vào thẳng chung kết và lại thua Trung Quốc. Năm 2013, Robocon Lạc Hồng lại thua ngay trên sân nhà trước Nhật Bản. 

Và lần này, ngày 24/8 tại Ấn Độ, thầy trò trường Lạc Hồng đã đòi lại món nợ trước đương kim vô địch Nhật Bản trong tâm thế khiến đội bạn phải… “tâm phục khẩu phục”. Thạc sỹ Lâm Thành Hiển cho biết: “Trước 18 đội của 17 quốc gia và vùng lãnh thổ, duy nhất đội Việt Nam có tất cả các trận thắng tuyệt đối. Đặc biệt, trong trận đối đầu chung kết với Nhật Bản, Việt Nam phất cờ toàn thắng ở phút 47/180 giây, đạt kỷ lục về thời gian ít nhất”. 

“Các thành viên trong đoàn đã rớt những giọi nước mắt hạnh phúc khi cờ Tổ quốc tung bay trên đấu trường quốc tế và khi tất cả cổ động viên trong nhà thi đấu, không phân biệt màu da sắc cờ đều đứng dậy hô vang “Việt Nam”. Họ tâm phục khẩu phục bởi bản lĩnh thi đấu ngoan cường, công nghệ chính xác, tinh thần fairplay của sinh viên Việt Nam”, thầy Hiển bộc bạch.

Chúng tôi tự hào với thành quả của mình!

Nhà trường “mạnh tay” đầu tư khoảng 300 triệu đồng để mua khoảng 10 bộ cảm biến cũ (trong các máy công nghiệp) từ chợ điện tử Nhật Tảo. Từ đó đến nay, mặc dù mỗi năm có hư hao nhưng về cơ bản 10 bộ cảm biến này đã theo chân ĐH Lạc Hồng dự các cuộc thi robocon trong nước và quốc tế. 

Nói về những lời đồn thổi quanh ngôi vương của mình như: Đưa giảng viên đi thi đấu với sinh viên nước ngoài thì sao mà không thắng; đầu tư hàng tỷ đồng để mua linh kiện từ nước ngoài… thầy Hiển chỉ cười buồn: “Trong đoàn đi thi đấu quốc tế lần này có 14 thành viên gồm 4 vận động viên (4 SV khoa Cơ điện - Điện tử), còn lại 10 người gồm ban lãnh đạo nhà trường, chỉ đạo viên, kỹ thuật viên, chăm sóc viên và phiên dịch. Ai đồn thổi chúng tôi mang giảng viên đi thi chúng tôi cũng không quan tâm bởi đây là cuộc thi mang tầm quốc tế thì chẳng lẽ chúng tôi qua mặt được ban tổ chức hay sao?. Chỉ biết rằng, chúng tôi đã rất cố gắng, đã đạt được thành quả này và chúng tôi tự hào về nó”.

Riêng vấn đề chúng tôi đầu tư hàng tỷ đồng để mua công nghệ từ nước ngoài thì chỉ cần hỏi SV là rõ. Chúng tôi chỉ cho SV mượn những bộ cảm biến được mua từ năm 2004 để phục vụ việc học tập bộ môn robocon. Những bộ cảm biến này sau khi kết thúc các cuộc thi robocon đều được đưa về phòng thí nghiệm của trường. 

“Có những quốc gia và vùng lãnh thổ mạnh về công nghệ tự động, điện tử như: Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Thái Lan… Mặc dù là sân chơi sinh viên nhưng các nước này đầu tư rất bài bản về máy móc công nghệ thì sao chúng tôi qua mặt được. Có thể nói, chúng tôi thắng được họ đều là nhờ vào đội ngũ các em SV thật sự đam mê về robocon. Coi robocon là một sân chơi học thuật nghiêm túc”, ông Hiển cho biết thêm. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Quốc Hải (Dòng đời/Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN