Trở về tuổi thơ với "Kỳ nghỉ hè của nhóc Nicolas"

Sự kiện: Phim tâm lý

Sau phần 1 ra mắt khá thành công và mang lại nhiều tiếng cười cho khán giả, phải mất đến gần 5 năm sau, đạo diễn Laurent Tirard mới thực hiện phần tiếp theo của loạt phim về chú nhóc Nicolas tinh nghịch và đáng yêu.

Kỳ nghỉ hè của nhóc Nicolas là một bộ phim ngây thơ, ấm áp và có khả năng giúp người xem sống dậy những ký ức thời trẻ của mình. Chính vì vậy, bộ phim không chỉ thu hút những khán giả nhí mà còn có sức quyến rũ mãnh liệt với khán giả ở mọi lứa tuổi.

Trở về tuổi thơ với "Kỳ nghỉ hè của nhóc Nicolas" - 1

Cậu bé Nicolas đáng yêu "trở lại" sau 5 năm

Chất hài hước nhẹ nhàng kiểu Pháp

Kỳ nghỉ hè của nhóc Nicolas xoay quanh những câu chuyện xảy ra khi gia đình cậu bé Nicolas đến bãi biển nghỉ mát. Tại đây, trong khi nhóc Nicolas kết thân được với nhiều bạn bè mới và gặp rắc rối với cô nàng Isabelle thì bố mẹ của bé lại phải đối mặt với nhiều phiền phức. Đó là chưa kể sự góp mặt của bà ngoại Nicolas khiến chuyến đi trở nên lộn xộn và khó kiểm soát.

Tuy nhiên, sau kỳ nghỉ tất cả mọi thứ sẽ trở lại như cũ và êm ấm hơn. Những người trong gia đình sau khi cùng cố gắng vượt qua sóng gió thì sẽ dễ dàng thông cảm và thấu hiểu cho nhau hơn.

Trở về tuổi thơ với "Kỳ nghỉ hè của nhóc Nicolas" - 2

Gia đình Nicolas trong kỳ nghỉ hè.

Với cốt truyện vui nhộn của hai tác giả Jean Jeacquaes và René Goscinny, đạo diễn Laurent Tirard đã chắt lọc những chi tiết tinh tế và hài hước nhất để đưa vào Kỳ nghỉ hè của nhóc Nicolas, xâu chuỗi chúng lại để tạo ra những tràng cười sảng khoái cho khán giả.

Xét ở khía cạnh hài hước, bộ phim đã làm rất tốt khi có thể khiến khán giả phải phá lên cười với những trò nghịch, tinh quái của lũ trẻ. Cách xây dựng tạo hình của từng cậu nhóc với các đặc điểm khác nhau như tham ăn, hay khóc nhè, thông thái, phá phách... cũng góp phần khiến nội dung phim đa dạng hơn.

Trở về tuổi thơ với "Kỳ nghỉ hè của nhóc Nicolas" - 3

Các nhân vật nhí trong Kỳ nghỉ hè của nhóc Nicolas góp phần làm đa dạng nội dung phim và mang đến nhiều tiếng cười sảng khoái cho khán giả.

Ngoài ra, đạo diễn Laurent Tirard cũng hướng đến đối tượng người lớn khi tạo ra tình huống hiểu lầm với sếp của bố Nicoals và việc mẹ Nicolas được mời đóng phim. Cốt truyện cứ liên tục chuyển biến và đổi hướng qua lại giữa các nhân vật khiến khán giả cứ phải liên tục tò mò theo doi, khó rời mắt khỏi màn hình.

Tuy nhiên, cũng chính sự đa dạng trong tình huống đã khiến Kỳ nghỉ hè của nhóc Nicolas có phần hơi lỏng lẻo. Bộ phim không đi theo một trật tự tuyến tính nhất định nên cảm xúc của khán giả thỉnh thoảng bị "trật đườn ray", không "tới bến" và hay bị dừng giữa chừng. Đây một phần có lẽ cũng là ý đồ của đạo diễn khi không muốn bộ phim quá nặng nề, nhưng lại là điểm yếu khiến Kỳ nghỉ hè của nhóc Nicolas khó lòng lưu giữ được ký ức trong đầu khán giả một cách sâu sắc.

Đầu tư công phu

Dù là một bộ phim hài nhẹ nhàng kiểu trẻ con nhưng ê-kíp làm phim cũng đầu tư rất mạnh trong phần bối cảnh - trang phục.

Khách sạn bên bờ biển nơi gia đình nhà nhóc Nicolas đến nghỉ mát được xây dựng như một biệt thự cổ vô cùng đáng yêu và bắt mắt. Cách sử dụng tông màu vàng - hồng - xanh da trời đã khiến bối cảnh trở nên thơ mộng hơn bao giờ hết. Bãi biển đẹp, những chiếc dù nằm rải rác, các gia đình vui chơi nhộn nhịp, quả là một không khí sực nức mùa hè đáng mơ ước hơn bao giờ hết. Từng căn phòng, cánh cửa, quầy bar, từng chi tiết nhỏ trong khách sạn đều toát lên vẻ vintage rất nhẹ nhàng kiểu thập niên 90. Điều này đã góp phần tạo cảm xúc cho người xem ngay từ đầu bộ phim.

Trở về tuổi thơ với "Kỳ nghỉ hè của nhóc Nicolas" - 4

Kỳ nghỉ hè của nhóc Nicolas được đầu tư công phu về mặt bối cảnh, trang phục trong phim.

Về trang phục, Kỳ nghỉ hè của nhóc Nicolas gây ấn tượng mạnh nhất là đoạn cuối phim, khi các gia đình tụ họp cùng nhau cho buổi lễ hội hóa trang. Những bộ trang phục vừa lộng lẫy lại vừa có phần hơi quái dị khiến người xem thích thú. Phân đoạn này lại càng đăc sắc hơn khi các nhân vật trong trang phục đó ùa ra ngoài để đi tìm Nicolas và cô bạn Isabelle mất tích.

Với cách quay đậm tính nghệ thuật từ những góc thấp, đạo diễn Laurent Tirard đôi khi khiến người xem có cảm giác như đang thưởng thức một bộ phim thuộc thể loại fantasy phiêu lưu kỳ bí chứ không chỉ là kiểu hài hước đơn thuần. Đó cũng có thể gọi là một thành công nho nhỏ.

Trở về tuổi thơ với "Kỳ nghỉ hè của nhóc Nicolas" - 5

Trở về tuổi thơ với "Kỳ nghỉ hè của nhóc Nicolas" - 6

Bên cạnh "lũ nhóc", dàn diễn viên người lớn với nhiều tình huống hài hước cũng mang lại cho khán giả những tiếng cười sảng khoái.

Một điểm đáng khen khác của Kỳ nghỉ hè của nhóc Nicolas là diễn xuất của các diễn viên nhí. Dù đa số các em nhỏ đều lần đầu tiên đóng phim (kể cả Mathéo Boisselier, cậu bé 9 tuổi thủ vai Nicolas) nhưng diễn xuất của các cô bé, cậu bé ấy đều rất tròn trịa.

Người xem hẳn sẽ rất ấn tượng với đôi mắt to tròn và gương mặt có phần hơi kỳ bí của cô bé Erja Malatier thủ vai Isabelle, đồng thời cũng khó có thể quên sự đáng yêu và nũng nịu của anh chàng hay khóc nhè Crepin. Dĩ nhiên, nhân vật chính của bộ phim, Nicolas, cũng chiếm được nhiều cảm tình của khán giả bằng kiểu suy nghĩ vừa trưởng thành vừa trẻ con.

Trở về tuổi thơ với "Kỳ nghỉ hè của nhóc Nicolas" - 7

Sự tinh nghịch, hồn nhiên của các nhân vật nhí trong Kỳ nghỉ hè của nhóc Nicolas sẽ giúp khán giả tìm một vé về với tuổi thơ trong mùa hè này.

Kỳ nghỉ hè của nhóc Nicolas có thể không phải là một tác phẩm quá xuất sắc vì còn nhiều hạn chế trong kịch bản, nhưng ít ra thì đó là một bộ phim tròn trịa có thể gợi lên nhiều cảm xúc ở người xem. Chất hài hước nhẹ nhàng, góc quay đẹp, diễn viên đáng yêu, bối cảnh lãng mạn, có lẽ, đôi khi khán giả chỉ cần thế là đủ. 

Phim khởi chiếu tại các rạp trên toàn quốc từ ngày 1/8.

Trailer phim Kỳ nghỉ hè của nhóc Nicolas

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Tuyết Tùng ([Tên nguồn])
Phim tâm lý Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN