Báo động phim, nhạc, sách "ngoại lai"

Cứ 150 bộ phim ngoại được chiếu rạp hàng năm thì tỷ lệ này ở phim nội là 10 phim, cứ khoảng hơn 90 đầu sách dịch thì có 1 tác phẩm văn học trong nước. Còn tình trạng người trẻ mê nhạc Hàn, nhạc Nhật đã trở nên đáng báo động...

Tăng trưởng nóng mà vẫn nghèoTheo con số thống kê tại hội thảo về điện ảnh diễn ra trong khuôn khổ Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 17 (năm 2013) thì cách đây 10 năm, doanh thu phòng vé ở Việt Nam là 2 triệu USD/năm; đến năm 2010 đã tăng lên 26 triệu USD - tăng gấp 13 lần; còn năm 2011 doanh thu đạt hơn 35 triệu USD. Ông Brian Hall - Chủ tịch và là Giám đốc điều hành của Công ty Megastar còn dự báo năm 2016, con số này sẽ đạt khoảng 110 triệu USD. Với mức tăng 514% trong vòng 4 năm từ năm 2008 - 2012, báo Hollywood Reporter xếp Việt Nam là 1 trong 13 thị trường phim tăng trưởng "nóng" nhất thế giới. Doanh thu phòng vé tại Việt Nam đã tăng từ 7 triệu USD (khoảng 150 tỷ VND) vào năm 2008 lên tới 43 triệu USD (khoảng 900 tỷ VND) vào năm 2012. 75% doanh thu phòng vé tại Việt Nam đến từ phim Hollywood (Mỹ).

Báo động phim, nhạc, sách "ngoại lai" - 1

Quầy giới thiệu phim tại Trung tâm chiếu phim quốc gia tràn ngập phim ngoại.

Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát - thành viên Hội đồng duyệt phim quốc gia cung cấp một con số đáng chú ý khác: Mỗi năm hội đồng duyệt và cho nhập khoảng 150 phim ngoại nhưng chỉ có hơn 10 phim Việt ra rạp.

Mặc dù nước ta hiện có trên 200 doanh nghiệp sản xuất phim nhưng thị trường với hơn 90 triệu dân đang bị bỏ ngỏ bởi phim Việt chưa đáp ứng được nhu cầu và thị hiếu của người Việt.

Qua 2 số liệu này có thể rút ra kết luận: Việt Nam với số lượng dân số hơn 90 triệu người, với doanh thu phòng vé tăng trưởng nóng như vậy, hoàn toàn là một thị trường màu mỡ để điện ảnh phát triển.

Vấn đề là tại sao phim nội lại không chen chân vào được? Ngoài nguyên nhân phim nội chất lượng yếu kém thì trước sự phát triển mạnh mẽ của phim ngoại, phim nội dù có chất lượng cũng khó có khả năng ra rạp và được xếp lịch chiếu dài hạn bởi hệ thống các cụm rạp hiện đại nhất ở các thành phố lớn như CGV (tên mới của Megastar), Lotte Cinema, Platinum Cineplex… đều đang do các nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ. 

Nhìn sang một số quốc gia trong khu vực châu Á có nền điện ảnh khá phát triển chúng ta sẽ đúc rút được nhiều điều.

Chẳng hạn Trung Quốc, có thể thấy chính phủ nước này đã có chế độ bảo hộ phim trong nước rất quyết liệt. Mỗi năm Trung Quốc cho phép nhập từ 40 - 60 phim nước ngoài, khi phim trong nước của họ ra rạp, tất cả các hệ thống phát hành phim nước ngoài đều phải dừng lại.

Trong năm 2013, tỷ lệ doanh thu từ phim nội địa của Trung Quốc chiếm tới 71%, năm 2012 là 48% của năm 2012. Tỷ lệ doanh thu từ phim nội địa của Ấn Độ là 90% và trong danh sách 10 phim ăn khách nhất Hàn Quốc năm 2013, phim nội chiếm 8 phim.

Nhưng việc mất thị trường, mất doanh thu vào túi các nhà sản xuất phim ngoại không phải là cái mất lớn nhất. Điều đáng sợ hơn là điện ảnh trong nước đã bị bóp nghẹt, người dân không có cơ hội được thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật về cuộc sống của người dân mình, đất nước mình và đương nhiên sẽ nảy sinh tâm lý vọng ngoại. 

Nguy cơ từ sách dịch, nhạc “nhái”

Những ngày đầu mùa hè này, các bậc phụ huynh nếu dạo qua thị trường sách thiếu nhi sẽ thấy một thực tế - có tới 90% đầu sách phục vụ thiếu nhi của các nhà xuất bản (NXB) lớn như Kim Đồng, Trẻ, Văn học, Hội Nhà văn… đều là sách dịch. Riêng về lĩnh vực truyện tranh thì con số này càng cao hơn, có đến khoảng 95% truyện tranh cho thiếu nhi là truyện Nhật Bản, Hàn Quốc.

Từ truyền hình, phim ảnh, âm nhạc đến văn học, những lĩnh vực văn hóa đại chúng của Việt Nam hiện nay đều cho thấy sự lấn lướt của yếu tố ngoại đã đến mức đáng báo động, nếu là người quan tâm đến vấn đề văn hóa và giữ gìn bản sắc dân tộc, ai cũng sẽ cảm thấy buồn lòng.

Việc thiếu một sự định hướng, điều tiết ở tầm vĩ mô trong từng lĩnh vực cụ thể đã dẫn đến tình trạng mạnh ai nấy “phá rào”, phim thì nhập phim ngoại, truyền hình nhập gameshow ngoại, sách dịch ngoại, ca nhạc thì thoải mái nghe và hát nhạc ngoại, miễn là có doanh thu. 

Ở mảng văn học cho người lớn cũng tương tự, trên thị trường luôn bạt ngàn sách dịch, đã có thời gian dài, truyện ngôn tình Trung Quốc bìa vẽ hoa lá cành hồng hồng tím tím nội dung nhạt nhẽo được giới trẻ đón nhận nhiệt tình đến mức tạo thành một trào lưu.

Mới đây, đầu năm 2014, một nhóm các công ty sách đã phải chạy đua với nhau để có được bản quyền cuốn sách ăn khách “Hoả ngục” của nhà văn Mỹ Dan Brown, người chiến thắng cuộc đua là Công ty Đông A đã phải trả hàng trăm triệu để có được bản quyền cuốn sách này. 

Việc các công ty sách chạy đua để có được bản quyền một cuốn sách văn học trong nước là chuyện chưa từng xảy ra. Nó là một thực tế phản ánh sự èo uột của đời sống văn học trong nước, phản ánh sự thiếu vắng những tác phẩm tạo được tiếng vang, gây nên “cơn sốt” trong độc giả.

Trong việc kinh doanh xuất bản sách đang diễn ra tình trạng “nhập siêu”, bất cứ tác phẩm văn học mới của các nhà văn ăn khách nước ngoài nào cũng rất dễ dàng tìm thấy ở các hiệu sách với giá cả phải chăng, còn các nhà văn trong nước thì rất hiếm thấy.

Đó là chuyện đọc, còn chuyện nghe của người dân hiện nay cũng là cả một vấn đề. Bởi sự lấn lướt của làn sóng nhạc Hàn, nhạc Nhật đã tạo nên một thế hệ trẻ đam mê nhạc Hàn, mong ước được trở thành các ngôi sao ca nhạc mang hình mẫu như ngôi sao Kpop của Hàn Quốc. 

Nhạc sĩ Quốc Trung cho biết: “Đối với tôi, trẻ em hay người lớn phải bay hàng nghìn cây số, bỏ ra rất nhiều tiền để xem một show diễn ấy, sẽ là rất đáng mừng nếu là cho âm nhạc nhưng lại không đáng mừng chút nào khi nó rơi vào Kpop. Bởi vì nếu các bạn ấy bay hàng nghìn kilomet để xem những cái âm nhạc, kể cả giải trí như Madonna thì tôi vẫn nghĩ nó có lợi hơn. Có thể tôi là người làm về chuyên môn nên tôi nhìn thế. Một điều rất đáng lo hiện nay là chúng ta không có môi trường và thị trường cho âm nhạc”.

Để chiều theo thị hiếu của giới trẻ- các sáng tác âm nhạc trong nước những năm gần đây đã thiên nhiều hơn về hướng “nhạc nhái”, từ chuyện cover các bài hát nổi tiếng đến chuyện đặt lời Việt và dần dần là làm ra một thứ âm nhạc thiếu bản sắc, bật lên nghe na ná như nhạc Hàn. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Mai An (Dân Việt)
Phim Việt: Tranh tối, tranh sáng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN