Chớ tin khán giả trường quay!

Tiếng vỗ tay, reo hò, tiếng “ồ” tiếc nuối, thậm chí cả những giọt nước mắt của khán giả tại trường quay mà người xem truyền hình chứng kiến đều là “kịch”

Nhiều khán giả xem chương trình qua sóng truyền hình luôn thắc mắc, không hiểu sao thí sinh nào, tiết mục nào cũng được khán giả tại trường quay ủng hộ cuồng nhiệt như vậy. Nhiều tiết mục không hay vẫn được tán dương, cổ vũ. Nhiều thí sinh không xuất sắc vẫn được reo hò, gọi tên. Nhiều chương trình nhạt nhẽo vẫn được khán giả tỏ ra thích thú... Chưa bao giờ sự giả tạo cảm xúc ở các chương trình, game show giải trí lại trở thành vấn đề đáng lo ngại như hiện nay.

Chỉ là sắp đặt

Nếu theo dõi chương trình Giọng hát Việt nhí, khán giả sẽ thấy bất kỳ thí sinh nào ra sân khấu vừa cất giọng hát, chưa biết hay dở thế nào thì khán giả đã rần rần vỗ tay. Trong khi thí sinh hát trên sân khấu, nhiều khán giả ngồi dưới nhẩm hát theo. Thậm chí, khi thí sinh hát xong, khán giả liên tục gọi tên như đã ngưỡng mộ các em từ lâu.

Thực ra, các khán giả này được thuê để “gài” vào ngồi ở hàng ghế người xem. Nhiệm vụ của họ chẳng khác gì diễn viên: Phải diễn theo chỉ đạo của người quản lý với ý đồ sẵn, sao cho không khí phải tưng bừng hoặc có hình ảnh xúc động nhất.

Với các chương trình không trực tiếp, những gì khán giả xem qua sóng truyền hình còn giả tạo hơn gấp chục lần. Qua bàn tay “phép thuật” dàn dựng của đạo diễn, diễn biến cảm xúc của khán giả tại trường quay sẽ hoàn toàn khác. Khi chương trình chưa bắt đầu, khán giả phải “diễn” nhiều trạng thái cảm xúc khác nhau: vỗ tay, hò hét, tỏ vẻ phấn khích hay u buồn, lệ rơi... Những cảnh này sẽ được cắt ghép, dàn dựng sao cho chương trình khi lên sóng phải hoàn chỉnh. Từng tiếng vỗ tay, từng tiếng “ồ” tiếc nuối xuất hiện rất hợp lý.

Một chương trình thu hút nhiều người xem trong khán phòng với những cảm xúc đa dạng: vui, buồn, khóc, cười, phấn khích, tiếc nuối…đều nhờ công của lực lượng “khán giả chuyên nghiệp” này. “Lúc trước, em cứ nghĩ những gì mình được xem trên truyền hình là chân thực nhưng khi đi làm nghề này mới biết không phải như vậy. Thậm chí, khi về xem lại chương trình mình từng làm khán giả, em cũng không nhận ra vì bị thay đổi, cắt ghép nhiều quá” - một “khán giả chuyên nghiệp” cho biết.

Theo một người được thuê vỗ tay, có những tiết mục thí sinh hát không hay nhưng khán giả phải cuồng nhiệt cổ vũ theo chỉ đạo. “Suốt cả 3 giờ liên tục hò hét, vỗ tay, tôi thấy rất mệt mỏi. Có lúc, tôi thấy mình như đang lừa khán giả truyền hình vậy” - người này tâm sự.

Chương trình Nhân tố bí ẩn cũng khiến khán giả bất bình khi ban tổ chức cố tình dàn dựng cuộc đời của nhiều thí sinh thành những câu chuyện đáng thương, không đúng với thực tế để lấy nước mắt người xem. Vì vậy, những cảnh cảm xúc của khán giả ở trường quay cũng được dàn dựng, cắt ghép để đẩy lên cao trào nhằm đánh lừa người xem qua màn ảnh nhỏ.

Sự giả tạo đáng sợ

Chính phản ứng… không thật của những nhóm khán giả này tại địa điểm ghi hình cũng tác động không nhỏ lên giám khảo “ngồi ghế nóng”, công chúng mạng và cả người xem truyền hình ở nhà. Trong những chương trình Giọng hát Việt, Giọng hát Việt nhí, Nhân tố bí ẩn…, đôi khi các vị huấn luyện viên phải chọn thí sinh bởi sự cuồng nhiệt quá mức của khán giả tại trường quay. Trong Giọng hát Việt nhí, khi bấm nút quay ghế lại, ca sĩ Cẩm Ly đã phải thắc mắc rằng sao thí sinh nào bước ra, khán giả ở đây cũng reo hò hết vậy!

Chớ tin khán giả trường quay! - 1

Cảnh khán giả cuồng nhiệt trong một chương trình truyền hình thực tế. Ảnh: Kim Khánh

Khi nhận xét thí sinh, cũng phải khó khăn lắm những vị giám khảo mới đưa ra lời khen, chê thẳng thắn. Nếu đưa ra nhận xét có lời chê, lập tức họ bị những khán giả này la hét tỏ ý phản đối. Những người này cũng là nguyên nhân tạo nên làn sóng “ném đá” giám khảo trên Facebook, diễn đàn mạng sau khi chương trình kết thúc.

Khán giả ngồi trước màn hình cũng có sự cảm nhận, thẩm định riêng về thí sinh, tiết mục, chương trình. Song đôi khi, sự cuồng nhiệt quá mức của khán giả tại trường quay cũng khiến họ hoang mang.

“Muốn làm chương trình thành công thì phải có khán giả lấp đầy trường quay, phải tạo sự náo nhiệt. Trước đây, chuyện thuê khán giả như là một lẽ đương nhiên và rất ít người xem truyền hình nhận biết bởi có sự vừa phải, chừng mực. Nhưng hiện nay, việc các chương trình, game show giải trí lạm dụng quá mức, dàn dựng giả tạo đã để lại những hệ lụy khôn lường” - ca sĩ Ánh Tuyết nhìn nhận. Theo ca sĩ Ánh Tuyết, những khán giả này vỗ tay vô ý thức như một cái máy dễ làm người xem phát hiện, mất niềm tin vào chương trình.

Một nền nghệ thuật giả tạo đang hình thành ngày càng rõ nét. Chuyện nhiều ca sĩ bỏ không ít tiền để thuê khán giả làm người hâm mộ lên tặng hoa, quà, “tiền hô hậu ủng” cho mình trên sân khấu không còn xa lạ. Muốn có một nền nghệ thuật phát triển lành mạnh thì phải có những khán giả lành mạnh. Đó phải là những khán giả biết xem, nghe, cảm nhận, bày tỏ cảm xúc một cách chân thực.

Bị phát hiện khóc mướn

Năm 2013, Tôi là ca sĩ của Đài Truyền hình Hồ Nam - Trung Quốc trở thành chương trình truyền hình thực tế ăn khách nhất lúc đó. Một trong những lý do góp phần vào sự thành công của chương trình này là nhiều khán giả tại trường quay khi nghe ca sĩ hát đã xúc động đến rơi nước mắt. Sau đó, chương trình bị phát hiện là đã thuê khán giả khóc tại trường quay với giá 700 nhân dân tệ (khoảng 2,4 triệu đồng)/người.

Ở Việt Nam, trong nhiều chương trình, người xem cũng chứng kiến không ít cảnh khán giả rơi nước mắt nhưng cho đến nay, chưa có trường hợp nào bị phanh phui.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Minh Nga - Kim Khánh (Người lao động)
Hậu trường những ngôi sao Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN