Thạch Sanh 3D: Khó khăn và khác biệt phim cổ trang Việt

Bộ phim hành động cổ trang Cuộc chiến với chằn tinh dựa trên truyện cổ tích Thạch Sanh đã phần nào tạo sự khác biệt mà dòng phim cổ trang Việt đang gặp phải.

Tối qua (20/1), bộ phim 3D dựa trên câu chuyện cổ tích Thạch Sanh – Cuộc chiến với Chằn Tinh đã có buổi ra mắt khán giả và truyền thông Hà Nội. Hai nam nữ diễn viên chính của phim là Nguyễn Ngọc Hiếu và người đẹp, nữ diễn viên Dương Cẩm Lynh đã trò chuyện và chia sẻ những khó khăn trong quá trình làm phim và sự khác biệt của tác phẩm này với thể loại phim cổ trang Việt Nam.

Cuộc chiến với chằn tinh là sản phẩm của đạo diễn Đỗ Quang Hải Âu cùng ê-kíp làm phim trẻ đầy nhiệt huyết và tình yêu nghề dành cho một thể loại phim còn khá yếu ở Việt Nam, đề tài phim cổ trang. Phim dựa trên câu chuyện cổ tích nằm lòng của nhiều thế hệ người Việt, đưa người xem trở lại thời vua Hùng thứ 9, với nàng công chúa Quỳnh Nga (Dương Cẩm Lynh), chàng Thạch Sanh (Nguyễn Ngọc Hiếu) gan dạ và dũng cảm hay một Lý Thông (Tuấn Voi) gian manh nhưng hiếu thảo.

Dù người xem từng biết đến các tác phẩm điện ảnh cùng đề tài như Cổ tích Thạch Sanh của Công Hậu, Diễm Hương, Lê Công Tuấn Anh hay sau này có Thạch Sanh - Lý Thông của Ngọc Thịnh, Mỹ Uyên... Tuy nhiên  những phiên bản này chưa thực sự gây chú ý bởi sự thiếu thốn về điều kiện kỹ thuật, tạo hình, hóa trang nhân vật...

Đối với Cuộc chiến với chằn tinh, đoàn phim đã nỗ lực rất nhiều khi cùng nhau dàn dựng bộ phim trong thời gian 3 năm. Đầu tư kỹ xảo hình ảnh 3D, phục trang, hành động võ thuật, kịch bản, tạo hình nhân vật... đều thể hiện sự nhiệt huyết và dám làm, đặc biệt tình yêu dành cho phim cổ trang còn đang thiếu và yếu ở Việt Nam.

Ê-kíp mới và trẻ khi dũng cảm thử thách với dòng phim không "dễ nhằn" đã gặp không ít khó khăn, nhất là khi đạo diễn Đỗ Quang Hải Âu đột ngột qua đời khi phim còn đang dang dở. 

Khó khăn về tạo hình và lời thoại

Thạch Sanh trong Cuộc chiến với chằn tinh của Ngọc Hiếu vốn là một nhân vật anh hùng. Anh phải thể hiện vai diễn một cách điềm đạm thay vì phong cách bụi bặm và năng động như ngoài đời của chàng cựu sinh viên Đại học Sân khấu & Điện ảnh Hà Nội.

Khác với lời thoại trong phim hiện đại, người diễn có thể sáng tạo thêm hoặc biến tấu sao cho phù hợp với bối cảnh hơn thay vì chỉ đọc thuộc lòng từng từ trên kịch bản. Dòng phim cổ trang như Cuộc chiến với chằn tinh đòi hỏi các diễn viên phải học thuộc lời thoại y như trong kịch bản....

Ngay cách xưng hô giữa các nhân vật với nhau đã có sự khác biệt nhất định. Giữa Thạch Sanh của Ngọc Hiếu với Lý Thông của Tuấn Voi, từ sau khi được cứu, Lý Thông đã gọi Thạch Sanh là ân nhân và xưng tôi. Đến khi kết nghĩa anh em, họ chuyển qua xưng hô là huynh đệ. Hay giữa Thạch Sanh với công chúa Quỳnh Nga là chàng và nàng...

Dương Cẩm Lynh chia sẻ về quá trình vật lộn với cách xưng hô và thể hiện lời thoại trên phim: "Vì phim cổ trang và phim hiện đại rất khác nhau, từ trang phục cho đến tạo hình và lời thoại. Nhân vật công chúa của Lynh phải làm sao tạo được sự kín đáo, e dè của người xưa".

Trong phim sử dụng phương ngữ Nam bộ, vì vậy phần thoại của Ngọc Hiếu đã được lồng lại, tuy nhiên trong quá trình đóng anh đã phải cố gắng vừa phải học lời thoại, vừa phái học cách nói theo giọng miền Nam để khớp khẩu hình với diễn viên lồng tiếng.

Nam diễn viên trẻ lần đầu tham gia đóng phim đã khá vất vả khi tập dượt lời thoại và thể hiện cái khó đặc thù lời thoại phim cổ trang. Phải làm sao thể hiện được sự điềm đạm, nhẹ nhàng và không được phép thêm bớt hay sáng tạo khi đọc lời thoại.

Ngọc Hiếu đặc biệt ấn tượng với lời thoại trong phim: "Khi xem phim mọi người nên chú ý đến lời thoại của các nhân vật. Một câu thoại đã là một lời dăn dạy, dù là câu thoại ngắn hay dài đều mang một bài học cho các thế hệ sau, đặc biệt là các thế hệ hiện tại noi theo", Ngọc Hiếu tâm sự.

Đồng tình với ý kiến của Ngọc Hiếu, nàng công chúa Quỳnh Nga cũng khẳng định: "Mỗi một câu thoại đều rất có giá trị. Mỗi lời thoại mình nói ra đều có ý nghĩa chứ không tùy tiện để tạo cảm xúc hay gây cười như khi đóng phim hiện đại. Lynh rất thích những lời thoại trong phim bởi nó thể hiện được tính nhân văn và có tính văn chương hàm chứa bên trong".

Khó khăn tập luyện võ nghệ

Cực nhất với các diễn viên trong phim đó là phải tập luyện võ nghệ, thể hiện được khí chất của những người hùng trên phim. Với nhân vật Thạch Sanh, Ngọc Hiếu phải gắn với cây rìu có trọng lượng 3,5kg. Dù là người yêu thích thể thao và tập luyện thể hình thường xuyên, song việc làm quen với cây rìu và phải vung lên vung xuống khiến anh bị đau vai trong suốt một tuần liền để thích ứng.

Để vào vai một nhân vật Thạch Sanh giỏi võ nghệ và có những pha hành động từ nhào lộn, bay nhảy khi giao đấu với kẻ thù, nam diễn viên đã phải tập luyện võ và sử dụng cây rìu trong suốt thời gian 3 tháng. Thiệt thòi đối với anh là về ẩm thực khác biệt giữa miền Nam và Bắc. Ngọc Hiếu lần đầu vào TP.HCM để đóng phim. Anh không quen với đồ ăn trong Nam, điều này cũng ảnh hưởng nhiều đến thể lực và sức khỏe.

Thạch Sanh 3D: Khó khăn và khác biệt phim cổ trang Việt - 1

Dương Cẩm Lynh chỉ có 2 tuần nhận lời tham gia phim và tập bắn cung, võ nghệ, đàn hát...

Thạch Sanh 3D: Khó khăn và khác biệt phim cổ trang Việt - 2

Ngọc Hiếu đau bả vai một tuần với cây rìu nặng 3,5kg.

Riêng cô nàng của "Gia sư nữ quái" Dương Cẩm Lynh có đặc biệt hơn. Kể từ lúc nhận lời đến khi tham gia đóng phim, Lynh chỉ có thời gian hai tuần lễ cho việc tập luyện võ công, từ bắn cung, học điệu bộ đi đứng, học múa, học đàn... Hơn nữa, đây là bộ phim hành động đầu tiên Cẩm Lynh tham gia, ê-kíp mới của đoàn phim cũng khiến người đẹp gặp nhiều khó khăn trong quá trình hợp tác.

Để có được tạo hình thành công như trên màn ảnh, Dương Cẩm Lynh đã xem những bộ phim cổ trang trước đó của Việt Nam: "Tuy nhiên, phim cổ trang Việt Nam hiếm có phim nào làm tới thời đại vua  Hùng thứ 9, vì vậy Lynh đã tự mày mò và thể hiện vai diễn theo cách của cá nhân cũng như sự đóng góp của đạo diễn".

Đây cũng là điều Dương Cẩm Lynh cảm thấy tự hào về đoàn phim cuộc chiến với chằn tinh, vì các thành viên đã làm hết mình bằng tâm huyết, sự nhiệt tình, sự dũng cảm và thử thách cái mới. Đề tài phim cổ trang của Việt Nam đã hiếm, làm phim về thời đại các vua Hùng càng hiếm hơn.

Khó khăn về phục trang

Một điều để lại ấn tượng cho người xem là nét thuần Việt của một phim cổ trang như Cuộc chiến với chằn tinh với các phim cổ trang của Trung Quốc. Nam diễn viên Ngọc Hiếu cảm thấy tự hào khi được tham gia một bộ phim không gây tranh cãi về phục trang, bối cảnh, tạo hình trong phim như các phim cố trang của Việt Nam từng gặp trước đó.

Anh khen ngợi cố đạo diễn trẻ Đỗ Quang Hải Âu khi bỏ nhiều công sức dàn dựng và tìm tòi khi khởi quay: "Anh Đỗ Quang Hải Âu là một đạo diễn làm việc có cái tâm. Anh nghiên cứu nhiều sử sách và những hoa văn trên trống đồng để gắn vào trang phục, vật dụng, kiến trúc... trong phim".

Thạch Sanh 3D: Khó khăn và khác biệt phim cổ trang Việt - 3

Ngọc Hiếu rất thích thú với trang phục của phim khi không gây bất cứ tranh cãi nào từ khi đoàn phim công bố tạo hình.

 Thạch Sanh 3D: Khó khăn và khác biệt phim cổ trang Việt - 4

Trang phục của đoàn phim được lấy ý tưởng từ trống đồng.

Thạch Sanh 3D: Khó khăn và khác biệt phim cổ trang Việt - 5

Trang phục đội nữ binh độc đáo trong phim.

Vì là phim thần thoại nên toàn bộ trang phục không thể đi thuê và đều phải may mới. Nhà sản xuất đã mất khá nhiều thời gian, kinh phí cho khâu phục trang trong phim. 800 bộ trang phục, cùng rất nhiều binh khí đã được may, được làm trong gần một năm.

Trang phục, phụ kiện cho vua, quan, binh lính đều được dựa vào những họa tiết hoa văn trên trống đồng Đông Sơn, Ngọc Lũ thời Vua Hùng Vương thứ 9. Trong phim, khán giả sẽ lần đầu tiên thấy đội nữ cận vệ của công chúa mặc trang phục rất lạ mắt – áo giáp đồng sáng loáng, vì theo tìm hiểu của đạo diễn, thời này đồ đồng đã rất phát triển.

Những bộ trang phục trong phim mang nét riêng biệt, thuần Việt và tạo được cảm tình với người xem. Yếu tố thuần Việt cũng được Ngọc Hiếu chỉ ra khi miêu tả bức chỉ dụ của vua khi giao cho nhân vật Lý Thông, chờ ngày cống nạp cho chằn tinh ăn thịt: "Khán giả sẽ thấy nét thuần Việt trong Cuộc chiến với chằn tinh, khác hẳn với các phim cổ trang của Trung Quốc. Nếu để ý kỹ, chữ viết trên bức chỉ dụ của vua Hùng không phải là chữ nho mà là chữ của người Việt cổ".

Quá trình hóa trang trong phim dù không thực sự cầu kỳ nhưng cũng ngốn khá nhiều thời gian của đoàn. Đối với những phần quay đại cảnh, lượng diễn viên quần chúng khá đông đảo, vì vậy thời gian phục trang và hóa trang cho ngoài diễn viên chính, diễn viên phụ và các vai quần chúng thực sự mất rất nhiều công sức.

Thạch Sanh 3D: Khó khăn và khác biệt phim cổ trang Việt - 6

Những trang phục nhân vật công chúa Quỳnh Nga được Dương Cẩm Lynh thể hiện trên phim.

Thạch Sanh 3D: Khó khăn và khác biệt phim cổ trang Việt - 7

Thạch Sanh 3D: Khó khăn và khác biệt phim cổ trang Việt - 8

Vì không có đồ bảo vệ, trang phục lại quá hở hang khiến Dương Cẩm Lynh bị thương khi quay trong rừng.

Riêng phần hóa trang nhân vật công chúa Quỳnh Nga, dù phục sức đầu tóc, trang điểm gương mặt cho tới quần áo của nhân vật này không quá cầu kỳ, phức tạp, song mỗi ngày Dương Cẩm Lynh phải dành ra 1 tiếng rưỡi cho việc hóa trang. Trang phục cổ và có khá nhiều chi tiết nên khi mặc lên đã là cả một quá trình. Đáng sợ nhất với Cẩm Lynh khi khoác lên mình những trang phục cổ trang là... nóng, nhất là trong điều kiện thời tiết mùa hè oi bức, nhiều cảnh quay phải thực hiện ngoài trời và giữa trưa nắng.

Khổ nhất với Dương Cẩm Lynh là trang phục của nhân vật công chúa khá hở hang và nhiều cảnh quay cô phải chạy trong rừng. Không có đồ bảo vệ, bị cây cối và lau sậy quệt vào đến ứa máu nhưng nữ diễn viên vẫn phải cắn răng chịu đựng.

Ngoài ra, còn nhiều khó khăn khác mà hai diễn viên trẻ gặp phải trong quá trình hoàn thành bộ phim. Ngọc Hiếu tiết lộ, bối cảnh trong phim cũng là một khó khăn khác đối với thành viên đoàn phim, phải đi qua nhiều địa điểm ở nhiều tỉnh thành. Đặc  biệt là những cảnh rừng núi ngoạn mục được thể hiện trên phim, nhưng là những khó khăn gấp bội mà đoàn phim gặp phải.

Còn đối với Dương Cẩm Lynh, để hoàn thành vai diễn công chúa Quỳnh Nga trong phim, cô đã phải gồng mình và đòi hỏi có sức khỏe và sức chịu đựng dẻo dai. Bởi trong thời gian theo đoàn tới những khu rừng cho các cảnh quay bị phục kích và truy đuổi trong rừng, cảnh công chúa và đoàn nữ binh chạy thoát thân và vừa phải chiến đấu phòng vệ khiến người đẹp điện ảnh mất rất nhiều thể lực.

Thạch Sanh 3D: Khó khăn và khác biệt phim cổ trang Việt - 9

Hai diễn viên trẻ đã dành hết tâm huyết cũng như vượt qua nhiều thử thách để làm nên thành công cho phim.

Tâm sự về quá trình theo đuổi đoàn phim trong thời gian dòng dã 3 năm, Dương Cẩm Lynh cho biết, cô ấn tượng và nhớ mãi là những cảnh hành động, đánh chém giữa công chúa và đội nữ binh. Điều đáng nhớ và tận tượng nhất là những lần bị thương sau các cảnh quay giao đấu: "Vết thương nặng  nhất với Lynh là bị một mũi phi tiêu đâm trúng mắt cá chân nhưng khi vẫn phải diễn tiếp và không được băng dán gì".

Nữ diễn viên trẻ cười khi chia sẻ về kỷ niệm "đau thương" trên đoàn phim. Cô tiết lộ, vì cảnh quay đó do người phi mũi phi tiêu lệch tay nên đã đâm trúng mắt cá chân, dù khá đau và máu chảy nhiều nhưng người đẹp vẫn cố diễn tiếp sau đó mới được băng bó và sát trùng.

Cuộc chiến với chằn tinh do MegaStar phát hành dự kiến ra mắt ra mắt khán giả Việt Nam vào dịp tết nguyên đán, bắt đầu từ ngày 29/1/2014. Phim do cố đạo diễn Đỗ Quang Hải Âu thực hiện với sự tham gia của các diễn viên: Dương Cẩm Lynh, Nguyễn Ngọc Hiếu, Hiếu Hiền, Công Ninh, Duy Phương…

Trailer phim Cuộc chiến với chằn tinh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Long Hy ([Tên nguồn])
Phim Việt: Tranh tối, tranh sáng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN