Thái sư Trần Thủ Độ: Khán giả tạm hài lòng

Đang dần đi đến những tập cuối cùng, phim Thái sư Trần Thủ Độ tuy chưa thật sự chinh phục người xem nhưng cũng khiến khán giả tạm hài lòng với một bộ phim lịch sử Việt Nam. Từ trước tới nay, khi nhắc tới dòng phim lịch sử do Việt Nam sản xuất, khán giả thường lắc đầu ngán ngẩm vì sự nhạt nhẽo và sơ sài. Nhưng, Thái sư Trần Thủ Độ đã mở ra một hy vọng mới cho nền điện ảnh Việt Nam trong việc sản xuất dòng phim này.

Được hoàn thành vào năm 2009 với kinh phí lên tới 57 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước để chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long, tuy nhiên đến tận bây giờ, bộ phim Thái sư Trần Thủ Độ mới được lên sóng. Lý do là, Trần Thủ Độ là người chấm dứt vương triều nhà Lý, nên chiếu phim về Trần Thủ Độ trong khi kỷ niệm sự kiện nhà Lý dời đô về Thăng Long có vẻ không phù hợp. Do đó, sau ba năm chờ đợi mỏi mòn, bộ phim mới được lên sóng.

Phim từng lấy tên Trần Thủ Ðộ và người tình, (kịch bản: Nguyễn Mạnh Tuấn, đạo diễn: Ðào Duy Phúc) dựa trên câu chuyện tình giữa Trần Thủ Độ - Trần Thị Dung – vua Lý Huệ Tông, mối tình tay ba có ảnh hưởng lớn tới sự kiện thay đổi triều đại lúc bấy giờ.

Xuyên suốt 33 tập phim là câu chuyện xảy ra từ biến động náo loạn Thăng Long năm 1210 đến thời kỳ gia đình họ Trần (gồm hai con Trần Thừa, Trần Tự Khánh và cháu ruột là Trần Thủ Ðộ) cùng Tô Trung Từ phò thái tử Sảm chiếm lại Thăng Long, giúp thái tử Sảm lên ngôi vua (tức vua Lý Huệ Tông). Vua Lý Huệ Tông không có con trai nhưng lại không lo chính sự mà bỏ đi tu, nhường ngôi lại cho con gái là Lý Chiêu Hoàng. Trần Thủ Độ đã khéo léo sắp xếp cuộc hôn nhân giữa Trần Cảnh và Lý Chiêu Hoàng rồi sau đó buộc Lý Chiêu Hoàng phải nhường ngôi cho chồng. Triều đại nhà Trần chính thức bắt đầu.

Thái sư Trần Thủ Độ: Khán giả tạm hài lòng - 1

Mối tình tay ba có ảnh hưởng rất lớn tới sự thay đổi vương triều Lý - Trần

Đạo diễn Tất Bình cho rằng ông và các đồng sự làm phim nghệ thuật chứ không phải phim tư liệu lịch sử. Do đó, mở đầu bộ phim là câu: “Lịch sử phụ thuộc những góc nhìn”, và bộ phim là góc nhìn lịch sử của những nhà sản xuất phim. Có lẽ, đứng trước sự thật rằng những phim lịch sử của Việt Nam từ trước tới nay đều bị chê tơi tả từ trang phục, bối cảnh đến các chi tiết lịch sử nên đạo diễn Tất Bình và các đồng sự mới thận trọng đến thế. Mặt khác, Trần Thủ Độ là một nhân vật gây nhiều tranh cãi khi có công lớn với triều Trần nhưng lại có tội lớn với triều Lý. Những việc tốt – xấu, phải – trái của một chính trị gia như Trần Thủ Độ khó có thể đánh giá và đưa lên phim cho chân thực nên chắc chắn sẽ có những tình tiết không phù hợp với lịch sử.

Ví như, cuộc chiến giữa Trần Thủ Độ và Đông Hải đại vương Đoàn Thượng. Theo một số tư liệu lịch sử thì Đoàn Thượng là một trung thần, còn trong phim Thái sư Trần Thủ Độ thì Đoàn Thượng là một phản thần âm mưu đoạt ngôi vua.

Xét một cách chi tiết thì phim Thái sư Trần Thủ Độ không phải là một bộ phim thực sự xuất sắc, không có những màn võ thuật đẹp mắt hay những cảnh quay hoành tráng, tình tiết trong phim cũng không phải quá cuốn hút. Tuy nhiên, xét trên bình diện chung của dòng phim lịch sử, Thái sư Trần Thủ Độ đã là một bước tiến vượt bậc. Những cảnh quay sông núi Đại Việt, những trang phục bắt mắt, những màn kỹ xảo như Đoàn Thượng bị chém bay đầu cũng đủ khiến khán giả tạm hài lòng. Bộ phim cũng đã thành công khi tái hiện lại được một giai đoạn quan trọng trong dòng lịch sử Việt Nam, giúp khán giả hiểu hơn về lịch sử nước nhà.

Thái sư Trần Thủ Độ: Khán giả tạm hài lòng - 2

Những cảnh quay không quá hoành tráng nhưng cũng khiến khán giả tạm hài lòng

Tuy nhiên, theo biên kịch Trịnh Thanh Nhã thì việc hy vọng vào một bộ phim tiếp theo là không tưởng bởi chi phí quá cao, hơn nữa những bối cảnh được dựng lên để quay phim từ năm 2008 được làm khá sơ sài và không được bảo quản nên phần lớn đã hư hỏng.

Phim được thực hiện tại trường quay Hoành Điếm (Trung Quốc), Cổ Loa (Hà Nội) và nhiều tỉnh thành tại Việt Nam. Mặc dù, có nhiều ý kiến cho rằng phim lịch sử Việt Nam mà lại thuê trang phục và bối cảnh ở Trung Quốc đã khiến cho bộ phim không còn phản ánh đúng lịch sử dân tộc. Tuy nhiên, cũng khó có thể yêu cầu nhà làm phim sử dụng hoàn toàn bối cảnh trong nước để tái hiện hình ảnh kinh thành thủa xưa do Việt Nam hiện nay không còn giữ được những công trình kiến trúc như thế.

Mặt khác, sự ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa Trung Quốc tới Việt Nam, đặc biệt là trong thời phong kiến là điều không thể phủ nhận. Các tư liệu thời kỳ Lý - Trần lưu giữ lại tới nay cũng không còn nhiều nên khó có thể làm thỏa mãn yêu cầu “Việt 100%” của khán giả. Vì thế, tuy có nhiều hình ảnh còn khiến người xem liên tưởng tới các triều đại phong kiến Trung Quốc nhưng đa số khán giả vẫn có thể bỏ qua.  

Từng bị loại khỏi giải Cánh diều năm 2011 vì vi phạm quy chế dự thi, nhưng ngay sau đó lại bội thu với hàng loạt giải thưởng lớn tại Cánh diều 2012: Cánh diều vàng, Đạo diễn xuất sắc nhất, Biên kịch xuất sắc nhất….Phim đang được chiếu vào lúc 20h30 từ thứ hai đến thứ tư trên kênh VTV1 và nhiều kênh truyền hình khác. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hoàng Giang ([Tên nguồn])
Phim Việt: Tranh tối, tranh sáng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN