3 trẻ tử vong khi mổ: Triệu chứng giống nhau là bất thường

Đó là khẳng định của ông Lê Tấn Phùng, Trưởng phòng Nghiệp vụ Y - Sở Y tế Khánh Hòa tại buổi làm việc với cơ quan báo chí vào chiều 25/8.

Theo bác sĩ Lê Tấn Phùng, Trưởng phòng Nghiệp vụ Y - Sở Y tế Khánh Hòa, trong 11 trường hợp mà đoàn phẫu thuật của OSCA gây mê và mổ, có 8 ca phục hồi tốt và đã được xuất viện. Tuy nhiên 3 cháu Nguyễn Quang Minh, Nguyễn Ngọc Tuyết Vân, Pi Năng Tuấn Hữu lại có triệu chứng tai biến, sau đó cả 3 cháu lần lượt tử vong. Đây là điều bất thường, nhưng chưa thể xác định được bất thường do đâu.

Về nghi vấn các cháu tử vong do thuốc gây mê đến nay chưa có căn cứ để khẳng định vì loại thuốc được sử dụng gây mê cho các cháu là của Bệnh viện 87. Loại thuốc này được bệnh viện sử dụng thường xuyên và hạn sử sụng đến 2016.

Sốc phản vệ có thể xảy ra nhưng thường gặp ở bệnh nhân có sử dụng thuốc kháng sinh. Riêng sốc phản vệ do thuốc gây mê thì Khánh Hòa chưa ghi nhận trường hợp nào - Bác sĩ Phùng cho biết.

Sáng cùng ngày, Sở Y tế Khánh Hòa cũng đã thành lập đoàn kiểm tra công tác khám chữa bệnh tại Bệnh viện 87 và các đơn vị liên quan. Toàn bộ vật tư y tế phục vụ cho công tác phẫu thuật điều trị các cháu hở hàm ếch đều đã được niêm phong.

Sở Y tế yêu cầu ngày 26/8, OSCA phải có văn bản báo cáo chính thức từng khâu; Bệnh viện 87 phải thành lập hội đồng khoa học để đánh giá, phán đoán nguyên nhân dẫn đến việc 3 cháu bé tử vong. Sở cũng yêu cầu tạm dừng chương trình phẫu thuật nụ cười của OSCA.

Cũng theo Sở Y tế Khánh Hòa, đây là lần thứ 4 OSCA phối hợp với các đơn vị trên địa bàn phẫu thuật miễn phí cho trẻ hở hàm ếch. Và đã 3 lần đơn vị này phối hợp tổ chức phẫu thuật cho các cháu tại Bệnh viện 87.

Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Bình, người trực tiếp gây mê cho trẻ cho biết: “Gần 35 năm trong nghề gây mê, tôi chưa bao giờ gặp ca tai biến. Nhưng lần này không thể hiểu tại sao lại xảy ra một lúc 3 cháu như thế này. Y văn thế giới cũng nhận định sốc thuốc gây mê là rất hiếm nên không có quy định thử”.

3 trẻ tử vong khi mổ: Triệu chứng giống nhau là bất thường - 1

Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Bình “hơn 30 năm trong nghề chưa bao giờ tôi gặp một trường hợp tai biến. Vậy mà  lần này xảy ra 3 cháu một lúc. Tôi bị sốc”.

Bác sĩ Bình cũng khẳng định đã sàng lọc và đã thực hiện các bước đúng chuẩn: “Cháu Nguyễn Ngọc Tuyết Vân được gây tê đầu tiên. Khi chuẩn bị đưa vào mổ thì có triệu chứng rối loạn hô hấp, rối loạn nhịp tim. Chúng tôi cho dừng tất cả các loại thuốc, tập trung vào hồi sức, hội chẩn. Sau đó cháu Vân ổn định trở lại và chúng tôi cho cháu ra ngoài phòng hậu phẫu nằm.

Tiếp tục gây tê ca thứ hai cho cháu Pi Năng Tuấn Hữu. Vừa gây tê được khoảng 10 phút thì cháu Hữu bị suy tuần hoàn, suy hô hấp và được các bác sĩ cấp cứu.

Lúc này cháu Vân bỗng nhiên trở nặng, tình hình rất nguy kịch nên chúng tôi đã đề xuất với lãnh đạo Bệnh viện Quân y 87 chuyển 2 cháu sang Khoa nhi Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa cấp cứu".

Cũng theo bác sĩ Bình, trường hợp thứ ba là cháu Nguyễn Quang Minh. Tất cả công đoạn điều đã xong, trong quá trình mổ không có chuyện gì. Sau mổ đã rút ống và đưa ra phòng hậu phẫu. Khoảng 30 phút sau, cháu bắt đầu có hiện tượng rối loạn tuần hoàn, suy hô hấp. Ngay lập tức cháu cũng được đưa sang Bệnh viện đa khoa Khánh Hòa cấp cứu.

Khi được hỏi vì sao khi có trường hợp bị sự cố nhưng vẫn phẫu thuật mà không dừng lại? Bác sĩ Bình cho biết, do các ca được làm theo kiểu cuốn chiếu, cháu này vào phẫu thuật thì cháu khác được gây tê. "Khi trường hợp đầu bị, chúng tôi cấp cứu và cháu khỏe lại nên nghĩ không có việc gì và tiếp tục thực hiện các ca sau" - Bà Bình nói.

"Sau khi phía OSCA có văn bản đề nghị bệnh viện phối hợp trong chương trình mổ từ thiện cho các em nhỏ, chúng tôi đã có văn bản báo cáo lên Phòng Quân y, Cục Quân y và Sở y tế tỉnh Khánh Hòa để xin ý kiến và đã được đồng ý. Theo đó, chúng tôi chỉ cung cấp trang thiết bị để phục vụ cho công tác mổ như phòng, giường, thiết bị mổ và thuốc men. Trong quá trình phẫu thuật, phía bệnh viện chỉ cử người đứng ra chứng kiến chứ không tham gia công việc chuyên ngành liên quan đến việc mổ cho các cháu" - Đại tá Phạm Văn Tiệm, Phó giám đốc BV Quân y 87 cho biết.

Theo bà Đặng Thị Thu Hoài, Giám đốc điều hành Tung tâm Nụ Cười, trung tâm chỉ hoạt động đưa trên mục đích từ thiện từ tiền tài trợ của Trung tâm nụ cười Đức. Các bác sĩ trong đoàn đi phẫu thuật là những bác sĩ có kinh nghiệm từ những bệnh viện lớn của cả nước. Sau vụ việc này, chúng tôi cũng đang tích cực phối hợp cùng các đơn vị chuyên môn để tìm ra nguyên nhân. Trung tâm OSCA và các đơn vị liên quan cũng đã đến chia buồn cùng gia đình các bé và hỗ trợ gia đình mỗi cháu 120 triệu đồng.

 Hiện cơ quan công an tỉnh Khánh Hòa cũng đã khám nghiệm hiện trường và đang vận động gia đình các cháu để cơ quan chức năng tổ chức khám nghiệm tử thi nhằm tìm cho ra nguyên nhân tử vong. Tuy nhiên hiên cả 3 cháu đều đã được gia đình mai táng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thanh Văn ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN