Bác sĩ nhiễm Ebola vẫn tử vong dù đã tiêm "thần dược"

Một bác sĩ hàng đầu của Liberia đã tử vong vì nhiễm Ebola dù trước đó, bệnh nhân này đã được sử dụng thuốc thử nghiệm Zmapp, loại thuốc đã khiến một số bệnh nhân trước đó hồi phục.

Tiến sĩ Abraham Borbor, Phó trưởng khoa tại một cơ sở y tế hàng đầu của Liberia, là 1 trong 3 bác sĩ người Liberia và là những người châu Phi đầu tiên được sử dụng thuốc thử nghiêm Zmapp sau khi bị nhiễm virus Ebola. Trước đó, loại thuốc này đã khiến một số bệnh nhân nhiễm Ebola hồi phục, trong đó có 2 bác sĩ người Mỹ.

Trả lời phỏng vấn hãng tin AP, Bộ trưởng Thông tin Liberia Lewis Brown cho biết, đây thật sự là một cú sốc đối với quốc gia này, vì tiến sĩ Bordor “đã có những dấu hiệu hồi phục, tuy nhiên, vào ngày Chủ nhật vừa qua, bệnh tình của ông đã chuyển biến xấu hơn”. Thông tin chi tiết không được Bộ thông tin Libeira cung cấp thêm, tuy nhiên, nhiều người tin rằng, tiến sĩ Bordor đã tử vong tại thủ đô Monrovia.

Ba liều thuốc thử nghiệm Zmapp đã tới Liberia vào ngày 14/8 vừa qua và được dùng cho tiến sĩ Bordor cùng hai bác sĩ khác tại bệnh viện JFK ở Liberia. Hiện chưa có thông tin nào về hai bác sĩ kia.

Bác sĩ nhiễm Ebola vẫn tử vong dù đã tiêm "thần dược" - 1

Liberia, quốc gia có số ca tử vong do Ebola nhiều nhất hiện nay.

Ebola được coi là một trong những căn bệnh nguy hiểm nhất thế giới, tỷ lệ tử vong do loại virus này gây ra lên tới 90%.  Virus Ebola lây lan thông qua việc tiếp xúc trực tiếp với dịch từ cơ thể của người bị nhiễm bệnh. Chính nguyên nhân này đã khiến một số bác sĩ và nhân viên y tế tại các Tây Phi nhiễm bệnh và tử vong. Theo thống kê, hiện có hơn 2.000 người Tây Phi nhiễm Ebola và hơn 1.400 người thiệt mạng kể từ khi dịch bệnh này bùng phát từ hồi tháng 3.  

Trong khi đó, trong tuyên bố vào ngày 25/8, Nhật Bản cho biết sẵn sàng cung cấp loại thuốc chống cúm do nước này sản xuất với hy vọng có thể chữa trị hữu hiệu dịch bệnh Ebola. Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga khẳng định, loại thuốc Favipiravir sẽ được cung cấp ngay lập tức khi có sự chấp thuận của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Theo đó, thuốc Favipiravir có tác dụng ngăn gen của virus tự phân đôi trong tế bào bị bệnh và có thể là một loại thuốc hứa hẹn để điều trị Ebola.

Trước đó, loại thuốc này đã được Bộ Y tế Nhật Bản cho lưu hành vào hồi tháng 3. Tập đoàn Fujifilm, đơn vị sản xuất loại thuốc Favipiravir, cho biết, công ty này có đủ thuốc để điều trị khoảng 20.000 bệnh nhân.

Mặc dù còn nhiều tranh cãi về việc sử dụng thuốc thử nghiệm, tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cho phép cung cấp thuốc thử nghiệm cho những quốc gia bị ảnh hưởng bởi Ebola trong bối cảnh đây là đợt bùng phát dịch Ebola lớn nhất kể từ khi dịch bệnh này được phát hiện vào năm 1970.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Nhung (Theo BBC, DW) ([Tên nguồn])
Dịch Ebola tồi tệ nhất trong lịch sử Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN