Đau đầu với phụ gia thực phẩm

Phụ gia giúp thực phẩm có màu sắc đẹp, mùi vị đặc sắc, ngon miệng hơn. Tuy nhiên phụ gia thực phẩm lại rất gây hại cho sức khỏe nếu người dùng mù mờ về nó.

Một trong những chợ đầu mối buôn bán phụ gia thực phẩm quan trọng ở TP.HCM là chợ Kim Biên (Q.5, TP.HCM). Dù ban quản lý chợ đã có nhiều biện pháp kiểm soát mặt hàng này, tuy nhiên các sản phẩm phụ gia thực phẩm không bao bì nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ vẫn bày bán nhiều để phục vụ nhu cầu ham rẻ của khách hàng.

Đau đầu với phụ gia thực phẩm - 1

Nên cẩn thận với các hàng quán vỉa hè - Ảnh: Châu Anh

Do muốn rẻ mà... ngon

Ngày 31-8, bà K.X., một người bán hủ tiếu tại quận 7, tới chợ Kim Biên để mua “viên ngọt nước”. Chỉ cần thấy mặt bà X., chủ một sạp hàng kinh doanh phụ gia thực phẩm đã vào bên trong xách ra 10 bịch nilông không nhãn mác có chứa những “viên ngọt nước” màu trắng giao hàng ngay.

Bà X. cho biết bà thường lên chợ Kim Biên mua viên ngọt nước có giá 20.000 đồng/bịch (10 viên). Chỉ cần cho một viên vào nồi nước dùng cũng làm nước có vị ngọt mà không cần mất công sức hầm xương.

Những loại phụ gia thực phẩm không nhãn mác, không rõ nguồn gốc, có đặc tính mạnh và giá rẻ tương tự như “viên ngọt nước” này được bày bán khá nhiều ở chợ Kim Biên. Một người kinh doanh phụ gia thực phẩm ở đây cho biết mặt hàng đó chỉ bán cho những mối quen kinh doanh ăn uống.

Theo ông Huỳnh Lê Thái Hòa, chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM, thị trường phụ gia thực phẩm ở TP.HCM đang còn nhiều bất cập và rất khó quản lý. Phụ gia thực phẩm bẩn (không có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ, quá hạn dùng, chất không được phép sử dụng) không thể kiểm soát.

Nhiều cơ sở kinh doanh phụ gia thực phẩm chung với phụ gia công nghiệp và nguy hiểm là chẳng có văn bản pháp luật nào cấm chuyện này. Người kinh doanh phụ gia thực phẩm hầu như không có kiến thức về hóa chất, phụ gia để có thể hướng dẫn người tiêu dùng hàm lượng, cách sử dụng. Trên các sản phẩm, nhà sản xuất rất ít thực hiện việc ghi hàm lượng phụ gia thực phẩm đến đơn vị nhỏ nhất.

Khảo sát từ năm 2008- 2011 về tình hình sử dụng phụ gia thực phẩm thì phía Bắc có 15,6% mẫu phở, bánh giò dương tính với hàn the, 12,5% mẫu nước giải khát có chất bảo quản vượt ngưỡng cho phép.

Ở phía Nam, 17,2% tôm tươi và bún dương tính với formol.

Điều nguy hiểm là tại các cơ sở chế biến thực phẩm nhỏ lẻ, việc sử dụng phụ gia mang tính truyền miệng, kinh nghiệm là nhiều, vì vậy hàm lượng và cách sử dụng các loại phụ gia không được kiểm soát dẫn đến người tiêu dùng lãnh đủ. Các cơ sở sản xuất này cũng thường sử dụng phụ gia công nghiệp thay thế phụ gia thực phẩm vì giá rất rẻ.

Cần lựa chọn thông minh

Trong điều kiện khó quản lý phụ gia thực phẩm bẩn như hiện nay, ông Huỳnh Lê Thái Hòa đưa ra khuyến cáo người tiêu dùng “hãy sử dụng thông minh, có hiểu biết các loại phụ gia thực phẩm”.

Theo ông Thái Hòa, phụ gia thực phẩm chủ yếu được sử dụng trong sản xuất chế biến thực phẩm chứ người nội trợ rất ít dùng để chế biến thức ăn cho gia đình. Tuy nhiên, khi sử dụng các thực phẩm đã qua chế biến người tiêu dùng cần lưu ý: lựa chọn những thương hiệu có uy tín đã khẳng định chỗ đứng trên thị trường. Khi mua sản phẩm nên chú ý đến nhãn mác có ghi sử dụng những chất gì, hàm lượng bao nhiêu.

Người nội trợ nên sử dụng các loại phụ gia từ thiên nhiên như: lá dứa để tạo mùi thơm, gấc để tạo màu sắc đẹp...  đảm bảo an toàn. Trong trường hợp bắt buộc phải sử dụng phụ gia thực phẩm có sẵn thì nên lựa chọn những phụ gia đã được nghiên cứu kỹ lưỡng về tính chất và độ an toàn khi đưa vào cơ thể. Lựa chọn các sản phẩm phụ gia có nhãn mác, xuất xứ, hướng dẫn liều lượng cụ thể, tránh ham rẻ mà dùng những loại sản phẩm trôi nổi trên thị trường. Người nội trợ cũng nên tìm hiểu liều lượng được phép dùng của các loại phụ gia, không nên dùng theo cảm tính, tránh tình trạng dùng quá liều dẫn đến ngộ độc.

Một điều cần chú ý là khi nấu ăn phụ nữ hay sử dụng gia vị, trong khi đó một số gia vị như ớt bột, bột cà ri, ớt sa tế thường sử dụng phụ gia để tạo màu. Do vậy khi lựa chọn những gia vị này cũng nên chú ý đến thương hiệu có uy tín và xem kỹ nhãn mác của sản phẩm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Ngọc Nga (Tuổi trẻ)
Ngộ độc thực phẩm Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN