Đổ bệnh vì… ăn kiêng

Ăn kiêng không đúng cách sẽ dẫn đến nhiều tình huống oái oăm và phát sinh những vấn đề lớn về sức khỏe.

Nghe lời bày của nhóm chị em trên một diễn đàn dành cho phụ nữ, chị N.T.K.T (35 tuổi, ngụ quận 7, TP HCM) đã thay các bữa ăn của mình bằng những đĩa rau luộc. “Ăn rau hoài ngán gần chết nhưng mình sinh con thứ hai xong thì “phát tướng” quá, soi gương thấy ngán nên cũng coi như… có mục tiêu phấn đấu” - chị trao đổi vui vẻ với các bạn trên diễn đàn. Tuy nhiên, sau 2 tuần ăn theo chế độ kham khổ, chị T. không còn cười nổi nữa.

Loãng xương, hạ đường huyết vì cố giảm cân

Làm nghề viết lời cho quảng cáo (copy-writer), công việc luôn cần sự sáng tạo mà chế độ ăn kiêng mới này dường như làm đầu óc chị T. mụ mị hẳn, lại hay buồn ngủ. Chị xuống được đến mấy ký thật nhưng chẳng những không đẹp ra mà còn trông xanh xao, uể oải. Tưởng bị bệnh vì thời tiết chuyển mùa, chị đi khám bác sĩ thì mới biết chính chế độ ăn thiếu đạm, đường, bột khiến cơ thể chị không đủ năng lượng hoạt động và não bộ - vốn rất cần đạm để hoạt động - cũng “đình công” theo.

Trường hợp của chị H.T.T.T (25 tuổi, nhân viên kế toán tại TP HCM) còn oái oăm hơn. Trong một lần đi kiểm tra sức khỏe, chị được biết mình bị… loãng xương! Bác sĩ gặng hỏi mãi mới biết nhiều tháng nay, chị đã duy trì chế độ ăn toàn các loại rau củ, nước ép trái cây, sinh tố… để giảm cân nhưng chẳng giảm được chút nào lại còn thêm mệt mỏi. Thì ra chị có thói quen ăn mặn, ăn rau luộc mãi thì ngán nên hay chấm thêm chao, nước mắm, muối; ăn trái cây cũng chấm muối; sinh tố và nước rau quả thì chị thường cho nhiều đường hoặc sữa. Chế độ ăn kiêng “nửa mùa” khiến chị vừa thiếu chất, đường huyết tăng, cơ thể lại giữ nước vì ăn quá nhiều muối. Chị rất thắc mắc bởi sợ thiếu vitamin và khoáng chất khi bắt đầu ăn kiêng nên chị đã bổ sung khá nhiều viên canxi và viên sủi vitamin vậy mà vẫn loãng xương. Nhưng theo các bác sĩ, chất đạm vốn cần cho quá trình tạo xương. Đạm được ví như một cái khung định hình, còn canxi là những viên gạch. Bổ sung canxi nhiều mà thiếu đạm thì cũng vô ích.

Đổ bệnh vì… ăn kiêng - 1

Chế độ ăn kiêng cũng phải đủ các thành phần dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể

Hạ đường huyết, choáng váng cũng là những triệu chứng thường gặp ở chị em ăn kiêng quá đà khiến cơ thể thiếu một số chất cần cho các hoạt động sống hoặc thiếu hẳn năng lượng cần thiết cho quá trình học tập, làm việc. Theo BS Nguyễn Vũ Linh, chuyên khoa dinh dưỡng Trung tâm Phòng chống chấn thương và các bệnh không lây, dù là triệu chứng gì đi nữa, nếu thấy cơ thể mệt mỏi, làm việc giảm hiệu quả, hay đổ bệnh sau quá trình ăn kiêng thì cần xem lại vì thực đơn ăn kiêng bạn đang sử dụng rất có thể thiếu khoa học.

Ăn chay cũng phải đúng cách

Ăn chay để giảm cân cũng là một  “bí kíp” mà nhiều chị em truyền miệng nhưng khác với những người ăn chay trường, nhóm người ăn chay vì mục đích giảm cân thường rơi vào tình trạng không biết tổ chức bữa ăn một cách hợp lý. “Ăn chay vẫn có thể bổ sung đủ chất, ví dụ bổ sung đạm thực vật qua các loại đậu… Rất tiếc, nhiều chị em luôn nghĩ ăn chay là… ăn toàn rau, thậm chí bỏ luôn cơm và các chất bột, đường khác, dẫn đến bữa ăn mất cân đối và cơ thể thiếu chất. Tôi từng gặp nhiều bệnh nhân dạng này, nhất là nhóm các chị đã lớn tuổi. Sau một thời gian ăn kiêng sai phương pháp, cộng thêm vấn đề tuổi tác, họ đã bị chứng loãng xương hành hạ” - BS Mai Văn Thu, Trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP HCM, quan ngại.

BS Thu cũng lưu ý một số người vì sợ ăn mặn giữ nước, tăng cân nên áp dụng chế độ ăn quá ngặt nghèo về muối, chỉ dùng thực phẩm luộc, nhạt. Ăn muối nhiều không tốt  nhưng không ăn chút nào thì cũng có hại. Thiếu muối cũng là một nguyên nhân gây loãng xương. Để giảm cân hiệu quả, tốt nhất vẫn là duy trì một bữa ăn không thừa nhưng cũng không thiếu năng lượng, đủ chất và kết hợp với hoạt động thể lực điều độ. 

Thiếu gì cũng nguy!

BS Nguyễn Vũ Linh khuyến cáo mỗi bữa ăn dù theo chế độ kiêng cữ nào cũng phải bảo đảm các thành phần chính như đạm, đường, béo, vitamin và khoáng chất, chất xơ... Thiếu bất cứ thành phần nào cũng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, ví dụ thiếu đạm gây suy giảm hệ miễn dịch, thiếu tinh bột khiến cơ thể thiếu năng lượng, thiếu chất béo ảnh hưởng đến quá trình hình thành tế bào vì màng tế bào vốn có thành phần là lipid (chất béo)... Thực ra, nếu thiếu một chất thì cơ thể sẽ tự hoạt động và sản sinh ra chất đó để bù vào, hoạt động này cũng tốn nhiều năng lượng nên người ăn thiếu chất có thể giảm cân nhanh. Tuy nhiên, việc bù đắp này không bao giờ đủ và về lâu dài rất có hại cho sức khỏe.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo ANH THƯ (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN