Hàng bánh tráng đựng trứng bằng xô lau nhà gây sốc

Rau răm vặt cả nắm, bánh tráng bảo quản hời hợt bị chuột gặm nhấm, thậm chí để trứng cút vào xô lau nhà... khiến những người đã từng ăn tại đây khiếp sợ.

Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm tại các hàng quán vỉa hè là vấn đề muôn thuở, nhức nhối từ lâu, tuy nhiên cứ mỗi dịp câu chuyện cùng hình ảnh hàng quán bẩn thỉu, mất vệ sinh được đăng tải lại làm thực khách choáng váng.

Câu chuyện của một bạn đã từng làm tại quán bánh tráng của dì H. trên đường S.V.H nối dài Phường 12 quận 10, gồm 11 điều mà khách hàng không hề hay biết khi đến ăn tại quán.

Tác giả viết “Mình có vài lời muốn gửi đến mọi người về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm của quán bánh tráng cuốn dì H. Mình xin tự giới thiệu mình đã từng làm trong quán trong thời gian đầu quán mới mở và hiện nay mình đã nghĩ làm vì không đồng ý với cách làm việc của dì H. Mình sẽ trình bày dưới đây để mọi người có thể hiểu rõ hơn:

Rau răm

Rau răm được mua về và nhặt rất sơ sài vì không đủ thời gian, mình đã có ý kiến là chỉ nên nhặt lá để có thể tiết kiệm và sạch hơn nhưng dì H. không đồng ý và nói với mình là chỉ cần nắm 1 chùm và bẻ đôi là được. Thậm chí khi ấy dì còn bảo với mình là "Ăn luôn cọng thì có chết thằng Tây nào đâu".

Chưa kể khi nhặt trong rau sẽ có sâu nhưng vì nhặt nhanh thì sẽ không thể lựa ra được. Sau khi nhặt rau xong, rau sẽ được đổ ra 1 cái rổ rất cũ kĩ và bị thủng 1 lỗ dưới đáy rất to nên khi rửa sẽ bị rớt rau ra ngoài. Sau khi rửa xong, rau được để ngay trên 1 cái ghế nhựa nhỏ từ sáng đến chiều tối rau để ngoài như vậy sẽ bị những côn trùng và chuột phá.

Chưa kể khu vực rửa rau rất bẩn vì ngay cạnh đó là nắp cống mà trong đó có nhiều gián, côn trùng bò lúc nhúc và chỉ được che đậy bởi 1 miếng gạch che ngay miệng cống. Ngoài ra nằm gần đó là 1 cái ổ chuột rất lớn và chuột thì cứ như đi dạo khi không có người ở đây.

Được nghe dì làm chung kể rằng lúc còn làm ở chi nhánh gốc, rau răm sau khi nhặt được rửa ngay tại đằng sau nơi bán với không gian nhỏ hẹp, rau răm được để ở trong rổ gần với mặt đất, ở trên là treo hàng tá đồ lót của gia đình dì H., chưa kể mọi vấn đề vệ sinh đều được diễn ra ở đây.

Bánh tráng

Bánh tráng được bảo quản hời hợt nên bị chuột ở đây gặm nham nhở. Nhưng dì H. vẫn không đồng ý bỏ những xấp bánh tráng bị chuột gặm này mà vẫn thản nhiên dùng nó để cuốn bánh cho khách mặc cho khách đứng đằng sau nhìn khi đang cuốn - nghe dì làm chung kể rằng bên chi nhánh chính, bánh tráng bên đấy bị chuột chui vào gặm gần hết và lại còn cả xác chuột chết ở trong thùng đựng bánh tráng nhưng dì H. vẫn không bỏ đi mà vẫn sử dụng tiếp tục để bán cho khách.

Hàng bánh tráng đựng trứng bằng xô lau nhà gây sốc - 1

Ớt

Lúc mới vào làm mình cứ nghĩ ớt được chế biến rồi mới đem vào sử dụng nhưng đến 1 lần đang lúc bán nhưng ớt đã hết thì dì H. có kêu mình vào lấy bịch dầu ăn đã mua sẵn ( thật sự khi cầm bịch dầu ăn ấy mình cũng không thể xác định đó là dầu gì vì không có bao bì nhãn mác gì cả) đổ vào hủ ớt và bỏ ớt xay vào rồi là thành dung dịch ớt. Thật sự khi làm như vậy mình có hỏi dì là " làm vậy ăn lỡ đau bụng thì sao? Dầu này là dầu gì vậy dì H?" đáp lại câu hỏi là câu trả lời thẳng thắn là "Kệ đi con biết làm sao giờ, cứ bán đi không sao đâu”.

Trứng cút

Trứng cút hàng ngày được chứa trong bao nilon được để ở dưới ghế (theo mình tìm hiểu thì nó đã vi phạm qui định về vệ sinh an toàn thực phẩm là không để đồ ăn dưới 60cm so từ mặt đất), trứng cút sau khi lột xong không được rửa sạch sẽ mà đem ra bán trực tiếp, chưa kể trong 1 lần dì bán chung đã vô tình chụp lại được trứng cút sau khi lột xong và bỏ vào cái xô dùng để lau nhà (trứng được bỏ vào cái phần dùng để vắt nước xả lau nhà ), nhiều lần trứng cút bị rớt xuống sàn nhà khi đang cuốn vẫn được dì nhặt lên để sử dụng tiếp.

Hàng bánh tráng đựng trứng bằng xô lau nhà gây sốc - 2

Trứng được cho vào xô lau nhà.

Để nước dùng trong bình xịt nước để làm bánh tráng mềm

Mỗi khi cuốn là nước máy được lấy trực tiếp từ phòng vệ sinh hoặc nơi rửa chén chứ không phải là nước đun sôi để nguội như mọi người nghĩ, bình xịt dùng lâu ngày sẽ đóng lại cặn bẩn từ hành phi, các nguyên liệu khi mình dùng tay để xịt nhưng dì rất hiếm khi rửa mà cứ sử dụng từ ngày này qua ngày khác.

Nước chấm

Nước chấm khi nấu xong không được che đậy cẩn thận, có một lần khách tự lấy nước chấm thì phát hiện trong li nước chấm có 1 con nhện.

Nước sâm và trà đá

Về nước sâm thì những ngày đầu khi còn bán chậm thì nước sâm để đến 2, 3 ngày nhưng vẫn lấy bán cho khách, khi bị khách phản ánh thì dì H. nói là do mía nó ra nên nó hơi chua chua (nhưng thật ra là đã bị hỏng).

Còn về vấn đề trà đá thì có một hôm mình tính bán cho khách 2 ly nhưng nước trà cũng gần hết thì dì H. mới tự làm, lúc đó dì H. lấy cái ly múc nước đá đã tan và nước lã vào ly rồi đổ thêm tí xíu trà vào rồi đem ra cho khách (thùng đá trước đó đựng rất nhiều vật dụng như trái cây, rau răm, trứng cút, đồ ăn, v.v.. ).

Tô đựng dùng để đựng khô bò và trứng cút (sau này đã đổi thành tô sứ màu trắng)

Tô đó khi còn ở quận gốc được dùng để đựng thức ăn cho chó và mình đã góp ý là người và chó sao lại ăn chung tô như thế này nhưng dì H. vẫn không đồng ý cho đến sau này mới chịu đổi thành tô sứ trắng.

Thái độ và cách thức buôn bán

Dì có nói là ở đây bán không ai giành nên khách đứng đợi thì kệ, ăn không được thì mai mốt sẽ quay lại. Mình có góp ý là dì nên thuê thêm nhân viên để làm đỡ cực hơn thì dì không đồng ý.

Trong vài tuần trở lại đây sau khi khách đông thì hay xảy ra tình trạng bán đến tối là hết nguyên liệu nhưng dì H. vẫn bán mà bất chấp mình và dì làm chung với bạn gái mình góp ý.

Mình có nghe khách hàng phản ánh lại với 1 chị bán khoai lang nướng trước quán rằng bỏ 15k ra để mua mà chỉ có hành phi và trứng cút thì không đáng. Mình có nói lại thì dì H. nói rằng "kệ tụi nó đi con". Hàng ngày rau răm bán đến khoảng 6,7h là sẽ hết, sau đó đến khô bò hết, nhiều bữa hết luôn cả trứng nhưng dì H. vẫn không chịu nghỉ.

Ngoài ra khi buôn bán thì lúc đầu mình còn được ăn 3 bữa đến sau này khi quán đông thì chỉ còn 1 bữa sáng. Mình với bạn gái mình là thanh niên nên không sao chỉ tội dì làm chung tối ngủ lại tại đây mà ăn như vậy thì đâu có sức để làm việc. Đồ ăn dì mua có lúc mua từ sáng sớm nhưng đến tối mới được ăn và khi ăn thì lúc nào cũng bị hối thúc ăn nhanh và tranh thủ.

Dùng lại bao nilon cũ

khi bán dì H. còn lấy lại bao nilon cũ của khách ăn tại chỗ để tiết kiệm làm bao cho khách mua mang đi.

Nồi bị khét không rửa sạch

Khi nấu nước chấm xong thì nồi nước chấm sẽ có 1 lớp khét đóng ở dưới đáy nồi và nồi nước chấm khi nấu thì rất là nhớt nhưng dì H. vẫn không rửa bằng nước rửa chén mà thay vào đó là dì H. chỉ rửa sơ bằng nước và không cạy hết lớp khét đen dưới đáy nồi cho nên qua ngày hôm sau nữa thì lớp khét đen càng ngày càng dày lên, mà nếu nấu tiếp như vậy thì có đảm bảo vệ sinh an toàn không?”.

Mỗi một điều nói trên, bạn trẻ lại đăng tải những bức hình kèm theo làm những ai thích ăn món bánh tráng cũng phải “Chào tạm biệt”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo LAN ANH (Đời sống & Pháp luật)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN