Nỗi lòng của nhân viên y tế tại “tâm bão” Ebola

Sự ám ảnh về cái chết, sự thiếu thốn về cơ sở vật chất và sự bất hợp tác của người dân địa phương đã khiến cuộc chiến với Ebola của các chuyên gia nước ngoài tại Tây Phi thêm khó khăn.

Khi số người thiệt mạng vì dịch bệnh Ebola tại Liberia bắt đầu gia tăng, Clarine Vaughn, người đứng đầu tổ chức nhân đạo HEARTT của Mỹ tại Liberia phải đối mặt với sự lựa chọn vô cùng khó khăn: Bà nên để 4 chuyên gia người Mỹ trong tổ chức của mình về nước vì sự an toàn tính mạng của họ hay nên giữ họ ở lại quốc gia đang tràn lan bởi căn bệnh truyền nhiễm chết người?

Vượt qua mọi sự dằn vặt, Vaughn đã quyết định để những người đồng nghiệp của mình rời Liberia, chỉ còn lại bà và những bác sĩ, y tá người châu Phi. Những người còn lại cho biết họ sẽ luôn sát cánh cùng Vaughn, tuy nhiên điều làm họ hoang mang là họ cảm thấy mình đang bị bỏ rơi tại vùng đất chết này.

Trước đó, rất nhiều chuyên gia phương Tây đã rời bỏ Guinea, Liberia và Sierra Leone, các quốc gia Tây Phi đang nằm trong tâm bão của dịch bệnh Ebola, khiến hệ thống y tế tại khu vực này đối mặt với cuộc khủng hoảng y tế công cộng nghiêm trọng hơn bao giờ hết. Liberia, đất nước gồm 4 triệu dân giờ chỉ còn 250 nhân viên y tế nước ngoài trên cả nước. Trong khi đó 7 bác sĩ đã nhiễm virus Ebola và 2 người trong số đó đã tử vong.

Nỗi lòng của nhân viên y tế tại “tâm bão” Ebola - 1

Các bác sĩ đang phải đối mặt với một cuộc chiến vô cùng cam go tại Tây Phi

Ông Raphael Frankfurter, Giám đốc Tổ chức phi chính phủ Wellbody Alliance, chuyên cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe miễn phí tại Sierra Leone cho biết: “Việc những người nước ngoài lần lượt rời bỏ đất nước đã khiến người dân địa phương có cảm giác như ngày tận thế đang xảy ra.”

Bốn tình nguyện viên trong tổ chức của ông Frankfurter đã phải trở về nước do lo ngại có thể bị nhiễm bệnh, để lại 160 nhân viên của địa phương. Ông nói: “Thật sự là một nơi đáng sợ khi mà bạn có thể bị nhiễm bệnh bất cứ lúc nào.” Ngay cả với những nhân viên y tế bản địa thì đây cũng là một cuộc chiến đầy cam go.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ít nhất đã có 170 nhân viên bị nhiễm Ebola, và hơn 80 người đã tử vong. Hy vọng duy nhất với họ giờ đây là những liều thuốc thử nghiệm ít ỏi được gửi tới từ phương Tây. Tuy nhiên để tiếp cận với các loại thuốc này, họ phải ký một bản chấp nhận những rủi ro do đây là loại thuốc chưa được kiểm nghiệm. Nhưng dù sao có còn hơn là không, nó cũng đã giúp “nâng cao sự hy vọng của mọi người”.

Khó khăn là vậy, tuy nhiên, không phải nỗ lực của các nhân viên y tế lúc nào cũng được ủng hộ. Vào ngày 16/8 vừa qua, hàng trăm người tại khu ổ chuột ở Monrovia, Liberia đã tràn vào một trung tâm cho những người nhiễm Ebola.

Samuel Tarplah, y tá tại trung tâm này cho biết những người biểu tình đã la hét đòi đóng cửa trung tâm: “Họ nói với chúng tôi rằng họ không muốn có một trung tâm chứa những người nhiễm Ebola trong cộng đồng của họ. Họ đã cướp đi mọi thứ ở đây. Thật sự tình hình hiện nay còn tồi tệ hơn cả chiến tranh bởi vì trong một cuộc chiến, viên đạn chỉ nhắm vào một người chứ không tràn lan như hiện giờ.”

Nỗi lòng của nhân viên y tế tại “tâm bão” Ebola - 2

Bác sĩ Sheik Umar Khan, người đi đầu trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh Ebola tại Sierra, đã tử vong vì chính căn bệnh này vào hồi cuối tháng 7

Trước đó, hàng trăm bác sĩ của Tổ chức Bác sĩ không biên giới đã tới Guinea vào tháng 3 vừa qua, bắt đầu cuộc chiến với Ebola. Trong tuyên bố mới đây của bà Joanne Liu, chủ tịch tổ chức nhân đạo này đã nhấn mạnh sự thiếu thốn không chỉ về vật chất mà còn về mặt nhân lực tại Tây Phi. Họ cần không chỉ các chuyên gia mà còn cả những người sẵn sàng “xắn tay áo”. Bà Liu nói: “Những gì chúng ta phải ghi nhớ trong tâm trí đó là ngày hôm nay chúng ta đang phải đối mặt với đại dịch khủng khiếp và lớn nhất của thời đại.”

Trong tuần qua, cộng đồng quốc tế đã bắt đầu các chuyến bay nhân đạo để gửi hàng hóa cứu trợ, thuốc men và gửi thêm chuyên gia tới các điểm nóng của dịch bệnh Ebola. Đây được coi là một nỗ lực lớn khi các chính phủ hiện đang hạn chế việc di chuyển tới khu vực có dịch bệnh Ebola. Trong khi đó, Mỹ cho biết đã huấn luyện 230 binh sĩ Liberia để bảo vệ trang thiết bị và hỗ trợ về mặt y tế. Cùng với đó, Ngân hàng Thế giới (World Bank) đã công bố gói cứu trợ trị giá 200 triệu USD để giúp các nước Tây Phi. Không chỉ có vậy, một chiến dịch hỗ trợ tâm lý cho người dân cũng đã được xây dựng để giúp họ đối phó dịch bệnh Ebola.

Còn với Clarine Vaughn, với chương trình HEARTT, bà hy vọng các bác sĩ và chuyên gia của Trung tâm Kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh (CDC) nhanh chóng kiểm soát dịch Ebola, đồng thời tạo ra một cơ chế để bảo vệ các nhân viên y tế của mình. Điều này sẽ khiến tổ chức của bà có thể thuyết phục các trường đại học ở Mỹ rằng các sinh viên của họ có thể an toàn khi tới Liberia.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Nhung ([Tên nguồn])
Dịch Ebola tồi tệ nhất trong lịch sử Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN