Bán tháo dự án "hấp hối": Giá nhà sẽ giảm?

Làn sóng các doanh nghiệp nước ngoài đến Việt Nam mua lại các dự án “ngắc ngoải”, DN mạnh trong nước tìm mua dự án “hấp hối” với giá rẻ có làm giá nhà ở tiếp tục giảm xuống?

Nhan nhản thương vụ đình đám

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong nửa đầu năm nay đã có 10% trong tổng số 5,7 tỉ đô la Mỹ vốn đầu tư nước ngoài (FDI) được giải ngân đã đổ vào lĩnh vực bất động sản. Hình thức chủ yếu qua phương thức M&A (hoạt động mua bán, sáp nhập).

Hàng loạt các thương vụ tiêu biểu như Tập đoàn Tung Shing của Hồng Kông mua 53% cổ phần khách sạn Movenpick Sài Gòn; Lotte Mart của Hàn Quốc đã mua lại Pico Plaza để mở rộng hoạt động...

Tại Khánh Hòa, một nhà đầu tư Israel đã cam kết đầu tư 300 triệu đô la Mỹ vào dự án Khu du lịch Bãi Rồng Resort và đổi tên thành Alma Resort.

Đáng chú ý, khoảng đầu tháng 6/2014, Tập đoàn Nakheel (Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất - UAE) đã công bố sẽ triển khai đầu tư dự án Khu đô thị du lịch Hạ Long Star ngay trong tháng 6. Dự án Hạ Long Star có quy mô diện tích khoảng 125ha, tổng vốn đầu tư ước tính lên đến 550 triệu USD. Mục tiêu dự án là xây dựng một khách sạn 5 sao với 250 phòng, một khách sạn hạng sang 100 phòng, 226 biệt thự, 85 nhà phố, 114 căn hộ và trung tâm thương mại.

Bán tháo dự án "hấp hối": Giá nhà sẽ giảm? - 1

Tập đoàn FLC thâu tóm thành công khu đất vàng 36 Phạm Hùng, trị giá gần 200 tỷ đồng là thương vụ lớn ở Hà Nội.

Cùng với đó, các giao dịch M&A trong nước cũng tạo được sự chú ý trong công chúng. Vào tháng 5 vừa qua, Hoàng Anh Gia Lai đã công bố rút vốn khỏi dự án Đông Nam tại TP.Hồ Chí Minh và chuyển giao cho công ty Him Lam.

Một giao dịch đáng chú ý khác trong phân khúc nhà ở đó là việc bán dự án Water Garden của PPI cho Tập đoàn Đất Xanh và việc mua lại 95% cổ phần của Công ty xây dựng Thanh Hóa ở dự án Sky Park.

Tại Hà Nội, vụ thâu tóm thành công khu đất vàng 36 Phạm Hùng của Tập đoàn FLC với giá trị gần 200 tỷ đồng đã chấm dứt một thương vụ khá ồn ào trong nhiều năm qua.

Công ty Tổ chức nhà Quốc gia (N.H.O) cũng công bố, họ đang đầu tư vào 14 dự án nhà ở với tổng quỹ đất 230 ha, tổng mức đầu tư gần 1 tỷ USD, trong đó có nhiều dự án được mua lại từ nhiều chủ đầu tư khác. Các dự án này tập trung ở TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Dương, Quảng Ngãi, An Giang.

Giá nhà sẽ giảm?

Trao đổi với PV Infonet, ông Nguyễn Văn Đực, Phó Chủ tịch Hiệp Hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh, Phó Giám đốc Công ty Địa cốc Đất Lành đánh giá: Hiện nay, trên thị trường không chỉ doanh nghiệp nước ngoài đang mua lại những dự án của các doanh nghiệp trong nước mà ngay cả những doanh nghiệp mạnh trong nước cũng đang mua lại dự án của những đơn vị đã “chết” hoặc những dự án “hấp hối”. Tình trạng này đã xảy ra cách đây vài năm và nay thì diễn ra ngày càng mạnh, tương lai sẽ còn nhiều hơn nữa.

Theo ông Đực, hầu hết những dự án bất động sản “chết” được bán với giá rất rẻ, đáng lẽ dự án có giá 100 tỷ đồng nhưng nay họ chỉ mua với giá 50 tỷ là đã có lãi rồi. Hơn nữa, những doanh nghiệp mua lại còn có thêm lợi thế không cần phải làm thủ tục vì dự án đã có sẵn, chỉ cần tiến hành khởi công ngay.

“Tuy nhiên, việc doanh nghiệp nước ngoài mua lại những dự án đã “chết” với giá rẻ thì người dân chưa chắc đã được hưởng lợi. Không phải cứ mua rẻ là họ sẽ bán nhà giá rẻ, mà họ có thể chờ 3-5 năm khi kinh tế ổn định, thị trường bất động sản phát triển hơn thì sẽ bán với giá cao. Người dân đừng có kỳ vọng sẽ mua được nhà giá rẻ từ những dự án kiểu này”, ông Đực nhận định.

Dù không nhận định giá nhà sẽ tăng hay giảm khi hoạt động M&A ngày càng diễn ra mạnh mẽ, ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc bộ phận Đầu Tư, Savills Việt Nam cho hay: Các yếu tố hiện đang tác động đến quyết định mua nhà của người mua bao gồm nhu cầu thực, giá cả, lãi suất, cơ sở hạ tầng, tiện ích, phương thức thanh toán, sản phẩm phù hợp, cũng như tổng giá trị của một sản phẩm nhà ở. Bên cạnh đó lãi suất ngân hàng trong thời gian qua đã giảm đáng kể hỗ trợ rất lớn cho người mua nhà. Các chủ đầu tư cũng đã không ngừng đưa ra các phương thức thanh toán linh hoạt hơn so với trước, mức giá nhà hiện nay được xem là đã mềm dẻo hơn rất nhiều.

Theo ông Khương, hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) của các nhà phát triển bất động sản với những nhà đầu tư trong và ngoài nước đã diễn ra trong một thời gian dài ở Việt Nam và hiện đang được xem là có sự tăng trưởng mạnh mẽ sẽ góp phần tác động đến tính thanh khoản cho thị trường bất động sản cũng như thúc đẩy sư gia tăng số lượng giao dịch.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Lê (Infonet.vn)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN