Giảm lãi suất là ngân hàng... tự cứu mình

Trong tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn TP HCM khoảng 970.000 tỉ đồng, hiện còn khoảng 10% dư nợ tín dụng có mức lãi suất cao, từ 13%/năm trở lên.

Tại nghị quyết phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 3-2014 mới đây, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng (NH) Nhà nước tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt chính sách tiền tệ và nghiên cứu điều chỉnh giảm lãi suất các khoản vay cũ để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN).

Còn 97.000 tỉ đồng tín dụng lãi suất cao

Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Xây dựng Lê Thành, cho biết khoản vay cũ của công ty kỳ hạn 5 năm đang phải chịu lãi suất 14%/năm là quá cao. “Mức lãi suất này DN đã phải chịu trong nhiều tháng qua, làm sao để giảm xuống mức 12%/năm bởi thực tế, lãi suất huy động hiện rất thấp. Đầu tư dự án bất động sản thường kéo dài vài ba năm nhưng mức lãi suất cao sẽ gây khó cho DN, đẩy giá thành sản phẩm lên theo” - ông Nghĩa nói.

Còn ông Đoàn Danh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Thép Toàn Thắng, cho biết mức lãi suất công ty được vay qua chương trình kết nối NH và DN đầu tháng 4-2014 ở mức khoảng 8%/năm dùng bổ sung vốn lưu động nhưng một số khoản vay cũ của công ty vẫn đang phải chịu mức lãi suất khoảng 13%/năm. “Trong năm 2012, nhiều thời điểm DN phải vay với lãi suất gần 20%/năm cộng thêm tình hình kinh tế khó khăn đã ảnh hưởng xấu đến hoạt động của DN. Nay lãi suất huy động đã giảm nhiều, DN mong NH hỗ trợ giảm lãi suất của các khoản vay cũ trước đây để góp phần giúp DN vượt qua khó khăn” - ông Tuấn nói.

Giảm lãi suất là ngân hàng... tự cứu mình - 1

Giảm lãi suất là giải pháp thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Ảnh: Hồng Thúy

Từ đầu năm 2014, NH Nhà nước Chi nhánh TP HCM đã tổ chức 6 đợt kết nối cam kết cho vay ưu đãi của các NH thương mại đối với DN, hộ sản xuất - kinh doanh trên địa bàn với tổng số vốn cho vay hơn 3.255 tỉ đồng, lãi suất tối đa 8%/năm.

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NH Nhà nước Chi nhánh TP HCM, các đợt kết nối cho vay ưu đãi sẽ tập trung vào các DN nhỏ và vừa, các tiểu thương và ưu tiên cho vay trung dài hạn để DN nâng cao năng lực sản xuất, sức cạnh tranh. Nhưng điều các DN quan tâm hiện nay không chỉ lãi suất cho vay mới mà còn lãi suất các khoản vay cũ vẫn ở mức cao. Trong tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn TP HCM khoảng 970.000 tỉ đồng, hiện còn khoảng 10% dư nợ tín dụng (tương đương hơn 97.000 tỉ đồng) có mức lãi suất cao, từ 13%/năm trở lên.

Giảm lãi suất là ngân hàng... tự cứu mình

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, sắp tới, các NH sẽ đánh giá lại khoản vay của DN, điều chỉnh các khoản vay ngắn hạn sang trung dài hạn trên cơ sở lưu thông hàng hóa của DN và điều chỉnh lãi suất cho vay ở mức tối đa 10,5%/năm theo chỉ đạo của NH Nhà nước. Thực tế, việc giảm lãi suất các khoản vay cũ dựa trên sự tự thỏa thuận giữa NH và khách hàng nhưng trong bối cảnh hiện nay, NH giảm lãi suất để bớt gánh nặng tài chính cho DN cũng có nghĩa là tự cứu mình.

Hiệp hội Bất động sản TP HCM đã có văn bản kiến nghị NH Nhà nước chỉ đạo các NH thương mại xem xét giải quyết cho DN được giảm lãi vay, khoanh nợ lãi vay, được tiếp cận nguồn vốn tín dụng mới nếu có phương án kinh doanh khả thi, hiệu quả… Nhiều khoản vay cũ của DN bất động sản vẫn đang ở mức từ 14%-19%/năm là rất cao, vượt quá sức chịu đựng của DN.

“Trong lúc trần lãi suất huy động của NH chỉ còn 6%/năm thì việc giảm lãi suất khoản vay cũ là giải pháp thiết thực nhằm hỗ trợ DN vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay” - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM, ông Lê Hoàng Châu, cho biết.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo VŨ PHONG (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN