Ông chủ BĐS xin Thủ tướng cho nhập trực thăng

Một ông chủ bất động sản tại TPHCM trình Thủ tướng, xin cơ chế ưu đãi thực hiện dự án nhập 100 tàu cá cũ cỡ lớn (công suất 500-1.500 CV), 2 ụ nổi, 2 trực thăng với tổng đầu tư 1.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nghi ngờ tính khả thi của đề án.

Muốn vay 1.350 tỷ lãi suất 1%

Mới đây, Cty CP Đức Khải (Cty Đức Khải) trình Thủ tướng, xin cơ chế ưu đãi để thực hiện thí điểm dự án trên. Theo đó, công ty này dự kiến sẽ nhập 95 tàu đánh bắt (bình quân 8 tỷ đồng/chiếc), cùng với các ngư cụ trên tàu (khoảng 3 tỷ đồng/chiếc); 5 tàu dịch vụ hậu cần khoảng 15-20 tỷ đồng/chiếc, cùng với thiết bị chuyên dụng cho các tàu (thêm khoảng 10 tỷ đồng/chiếc); 2 trực thăng khoảng 60 tỷ đồng.

Ngoài ra, Cty Đức Khải cũng lên kế hoạch nhập 2 ụ nổi (loại 5.000 tấn), đặt tại ngư trường tiếp nhận hải sản đánh bắt, phân loại sơ chế, bảo quản. Với sản phẩm đủ tiêu chuẩn, có thể chuyển lên tàu xuất khẩu trực tiếp. Theo kế hoạch, nếu “xuôi chèo mát mái”, một số tàu cá cũ sẽ được đưa về Việt Nam trong tháng 8 này. 

Ông Phạm Ngọc Lâm, Chủ tịch HĐQT Cty Đức Khải cho hay, các tàu cá cũ làm bằng vỏ nhôm, composite tổng hợp, sợi thủy tinh hoặc sắt thép, nhập từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ hoặc Úc. Trực thăng mua từ châu Âu. Các tàu đều được trang bị máy định vị, tầm ngư, hệ thống thông tin liên lạc và được kiểm soát bằng internet. Theo đề án, số tàu sẽ tham gia vào các ngư trường lớn ở Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Quảng Ngãi và Đà Nẵng.

Ông Lâm cho biết, Cty sẽ bỏ vốn đầu tư, ngư dân góp sức, kinh nghiệm để hợp tác. Tỷ lệ được chia cho ngư dân là 65%, doanh nghiệp 34% và 1% dành cho lực lượng kiểm ngư. Trong khi đó, theo cách chia truyền thống, hiện ngư dân với chủ tàu là 50-50, nhưng ngư dân phải chịu các phí tổn của chuyến đi. Mức thu nhập của ngư dân cũng được ông chủ Cty Đức Khải hứa hẹn, ban đầu trung bình 10 triệu đồng/người/tháng; từ năm 2016 sẽ nâng lên mức gấp đôi khoảng 20 triệu/tháng, sau đó sẽ cao hơn nữa.

Ông chủ này cũng tuyên bố rằng đây “không phải là đề án bốc đồng”, “giật gân”, mà có “hiệu quả thì tôi mới làm”. Ông này cho hay, trong tay có hàng nghìn căn hộ, thì 100 con tàu cũng chỉ như 100 căn hộ mà thôi.

Tuy nhiên, không ít nghi ngờ, Cty Đức Khải trình đề án muốn “đón lõng”, tranh thủ nguồn hỗ trợ lớn từ Nghị định 67 về hỗ trợ ngư dân, trong đó có phần đóng tàu. Bởi, trong tổng mức đầu tư 1.500 tỷ đồng, Cty Đức Khải phải vay 90% (1.350 tỷ đồng), còn lại là vốn tự có, khoảng 150 tỷ đồng. Ngay trong đề án, Cty Đức Khải cũng kiến nghị: Về lãi suất hiện hành áp dụng là 3%. Tuy nhiên, lấy lý do là thí điểm nên, ông Lâm kiến nghị mức hỗ trợ lãi suất 1%/năm, kể từ năm thứ 2 đến năm thứ 11, ân hạn 1 năm không tính lãi suất.

Ông chủ BĐS xin Thủ tướng cho nhập trực thăng - 1

Ảnh đội tàu được cho là Cty Đức Khải muốn nhập về

Cẩn thận với bãi rác tàu cũ

Nói về đề án trên, TS Chu Tiến Vĩnh, nguyên Phó Tổng cục trưởng Thủy sản cho rằng, hiện một số nước như Hàn Quốc, Nhật Bản có rất nhiều tàu khai thác hải sản vỏ thép, công suất trên dưới 1.000 CV, tuổi trên 10 năm phải nằm bờ, do đánh bắt không hiệu quả.   

“Để chế biển sản phẩm khai thác được, cần một khối lượng nước ngọt rất lớn (trung bình, cứ mỗi tấn sản phẩm phải cần đến gần 5 tấn nước ngọt). Hỏi rằng ông có đủ nước ngọt trên ụ nổi không? Nước thải ông định chuyển đi đâu? Nếu ông xả xuống biển thì làm ô nhiễm môi trường và không được phép”. 

TS Chu Tiến Vĩnh

Các nước này đã nhiều lần muốn tặng (không phải mua) cho ngành thủy sản Việt Nam số tàu này. Tuy nhiên, theo ông Vĩnh, sau khi xem xét nhiều khía cạnh, cả về chủng loại tàu và các ngư cụ sử dụng có phù hợp với biển Việt Nam hay không, đặc biệt là đối chiếu với Nghị định 52 về nhập khẩu tàu cá, Tổng cục Thủy sản tạm ngừng việc tiếp nhận số tàu “biếu không” của các nước trên. 

Ông Vĩnh cho biết, theo Nghị định 52, với tàu cá đã qua sử dụng muốn nhập về phải không quá 8 tuổi với tàu cá vỏ thép; phải được cơ quan đăng kiểm tàu cá Việt Nam (hiện là Cục Khai thác và Bảo vệ Nguồn lợi Thủy sản) kiểm tra, xác nhận tình trạng kỹ thuật và trang thiết bị, phòng ngừa ô nhiễm môi trường của tàu cá. Như vậy, tàu cũ họ cho mình còn không lấy, mất tiền nhập làm gì?

Liên hệ với ông Đào Hồng Đức, Cục trưởng Khai thác và Bảo vệ Nguồn lợi Thủy sản về hồ sơ của Cty Đức Khải, được biết: “Cty Đức Khải không gửi trực tiếp hồ sơ đề án cho Cục mà gửi thẳng lên Thủ tướng. Chúng tôi cũng vừa nhận được hồ sơ từ Văn phòng Chính phủ chuyển sang hỏi ý kiến. Sau khi xem hồ sơ, chúng tôi cũng đã có dự thảo văn bản trả lời, chờ ý kiến của Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát”. Tuy nhiên, ông Đức cho rằng, theo quy định hiện hành, cứ tàu hơn 8 tuổi sẽ không được nhập. Mặt khác, nếu doanh nghiệp muốn được hỗ trợ lãi suất đóng tàu theo Nghị định 67 mới ban hành, phải thông qua UBND các tỉnh. 

Tổng Thư ký Hội Nghề cá Việt Nam Trần Cao Mưu cũng cho rằng, việc nhập tàu đánh bắt là hoạt động kinh tế bình thường của doanh nghiệp. Tuy nhiên, về tàu cũ cần phải cân nhắc theo quy định, nếu không “sẽ thành bãi rác của các nước”. 

Theo nhiều chuyên gia thủy sản, trong bối cảnh nguồn lợi biển đang cạn dần, việc phát triển đội tàu, đặc biệt là tàu vỏ sắt, phải phù hợp với quy hoạch, từng nghề, từng địa phương; dựa trên tính hiệu quả, chứ không phải tàu to, máy lớn là được. Chưa kể, khu neo đậu, cơ sở sửa chữa cho tàu cá lớn hiện ở nước ta chưa đồng bộ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phạm Anh (Báo Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN