Trào lưu tỷ phú dội nước đá đã gây quỹ 23 triệu USD

Chỉ trong hơn hai tuần qua, sau khi video của cầu thủ bóng chày Pete Frates thách đố mọi người đổ nước đá lên đầu hoặc quyên góp tiền ủng hộ cho tổ chức ALS đăng lên facebook. Lời thách đố này đã lan truyền chóng mặt và tính đến ngày hôm nay số tiền ủng hộ đã lên đến 23 triệu USD. Chương trình này là gì và số tiền ủng hộ khổng lồ đang tăng lên không ngừng ấy sẽ đi về đâu?

Hàng loạt các nhân vật đình đám của thế giới, từ những tỷ phú làng công nghệ như Bill Gates, Mark Zukerberg, Tim Cook tới những ngôi sao thể thao, ca nhạc như Taylor Swift, LeBron James,… đều chấp nhận thử thách và lên tiếng ủng hộ cho chương trình “Ice Bucket Challenge”

“Ice Bucket Challenge” là gì?

Thử thách “dội nước đá lên đầu” (tên đẩy đủ là “ALS Ice Bucket Challenge”) do cầu thủ bóng chày của đội trường đại học Boston, Pete Frates khởi xướng lên. Anh đã mắc căn bệnh nguy hiểm chưa có thuốc chữa trị mang tên ALS. ALS khiến người  bệnh bị giảm chức năng vận động các tế bào thần kinh, mất dần sức mạnh các cơ bắp cho tới khi họ bị bại liệt, không cử động, nói, nuốt và thở được nữa.

Pete Frates mong muốn bằng việc cảm nhận được một khoảnh khắc tê cứng ấy, mọi người sẽ có những hành động thiết thực để giúp đỡ các bệnh nhân mắc bệnh ALS. Lời thách đố của Pete Frates là mọi người tự đổ xô nước lạnh lên đầu mình, đưa video lên Facebook, Instagram hoặc các mạng xã hội khác và thách đố 3 người bạn của mình chấp nhận thử thách này trong vòng 24 giờ, hoặc quyên góp 100 USD cho quỹ ALS. Rất nhiều người đã làm cả hai, vừa quyên góp tiền vừa đổ nước đá lên đầu và thách đố những người khác.

Trào lưu tỷ phú dội nước đá đã gây quỹ 23 triệu USD - 1

Pete Frates, người khởi nguồn cho lời thách đố ASL Ice Bucket Challenge

Khởi nguồn của “Ice Bucket Challenge” là vào ngày 15 tháng 7 khi người dẫn chương trình của NBC, Matt Lauer tự đổ nước đá lên đầu mình, và thách đố tay golf Greg Nornman làm như vậy. Lauer sau đó đã tuyên bố sẽ đóng góp tiền cho Hospice of Palm Beach County. Sau đó ông thách đố Brian Williams, Martha Stewart và Howard Stern. Vào cuối tháng 7, Frates được nghe về thử thách này qua một người  bạn của anh là Patt Quinn, người cũng đang mắc bệnh ALS. Và Pete đã nảy ra ý tưởng dùng lời thách đố này thành một trào lưu để gây quỹ cho căn bệnh này.

Hiệu ứng “Ice Bucket Challenge”

Tổ chức ALS đã nhận được 23 triệu USD tiền quyên góp, so với 1,7 triệu USD cùng kỳ năm ngoái. Có khoảng 260.000 nhà tài trợ với rất nhiều doanh nhân, ngôi sao làng giải trí đã tham gia kêu gọi từ thiện và con số này vẫn không ngừng tăng lên.

Đã có hơn 1,2 triệu video chia sẻ trên Facebook tính từ ngày 1 tháng 6 đến nay, và hiện tượng này được nhắc đến hơn 2,2 triệu lượt tweet trên Twitter tính từ ngày 29 tháng 7.

Trào lưu tỷ phú dội nước đá đã gây quỹ 23 triệu USD - 2

Mark Zuckerberg sau khi dội nước đá và thách đố Bill Gates

Nancy Frates, mẹ của Pete Frates đã thốt lên: “ Chỉ trong mơ chúng tôi mới dám nghĩ đến có thể quyên góp được từng ấy tiền và nâng cao nhận thức của mọi người về căn bệnh này đến vậy.”

Hàng loạt những tên tuổi lớn của thế giới, có sức ảnh hưởng lớn đã tham gia thử thách và kêu gọi mọi người cùng hành động. Những cái tên lớn phải kể đến như Mark Zuckerberg, Bill Gates, Tim Cook, Jeff Bezos, Sergey Brin, Larry Page, Satya Nadella, Taylor Swift, LeBron James. Thậm chí Bill Gates không chỉ chấp nhận thử thách theo một cách thông thường, mà ông còn thiết kế hẳn một hệ thống để giật dây và đổ xô nước đá xuống đầu mình  hay Justin Bieber chỉ chấp nhận thử thách tới hai lần.

Trào lưu tỷ phú dội nước đá đã gây quỹ 23 triệu USD - 3

Bill Gates và hệ thống dội nước đá của mình

Pete Frates hiện giờ đã bị liệt tay chân, và mất khả năng nói. Ông mới cưới vợ năm ngoái, trước khi biết mình bị mắc bệnh ALS và đang chờ đón con đầu lòng vào tháng chín này. Trong một video của mình, Frates đã từng nói: “ Bạn bị mắc ALS, thời gian trôi qua và chỉ có một kết quả chung cho căn bệnh. ALS luôn thắng. Để thay đổi cục diện này, chúng ta cần gia tăng nhận thức của mọi người và gây quỹ.” Căn bệnh có thể đang chiến thắng Pete Frates, nhưng cống hiến của ông cho việc giúp mọi người hiểu về căn bệnh và gây quỹ để có kinh phí nghiên cứu phương thức chữa trị cho căn bệnh sẽ giúp ích cho hàng ngàn người trên thế giới này.

Làm gì với số tiền gây quỹ "khổng lồ"?

ALS Bucket Challenge đã trở thành một hiện tượng, và bây giờ câu hỏi đặt ra là: Tiền sẽ đi về đâu và việc nghiên cứu cho căn bệnh ALS sẽ được thay đổi như thế nào?

Khác với những hiện tượng gây quỹ được các ngôi sao ủng hộ khác, việc đóng góp cho ALS được quyên về cho một tổ chức rất có uy tín là Hiệp hội ALS. Theo đánh giá của Charity Navigator, tổ chức này nhận được tới bốn sao về sự minh bạch và tính chủ động.

Barbara Newhouse, chủ tịch của hiệp hội ALS cho biết: “Tôi biết rằng nhiều người đang băn khoăn tổ chức của chúng tôi sẽ làm gì với số tiền ủng hộ khổng lồ này. Câu trả lời của tôi là: đầu tư thận trọng vào việc giúp đỡ những người mắc bệnh ALS và gia đình họ trong cuộc chiến chống lại căn bệnh, cũng như theo đuổi tất cả các con đường để mở rộng, nâng cao và cứu sống những người bệnh.”

Một số ý kiến chỉ trích cũng đặt ra các câu hỏi nghi vấn là liệu việc ủng hộ tiền nhiều như vậy có tạo ra thay đổi hay không, hay Ice Bucket Challenge đang giành mất phần ủng hộ của các căn bệnh khác nguy hiểm hơn. Michael Hilzik của L.A.Times lại băn khoăn rằng liệu quỹ có nên dành cho những căn bệnh ảnh hưởng đến nhiều người hơn ALS?

Tuy nhiên một tin mừng đến với các bệnh nhân cũng như những nhà hảo tâm đó là đội ngũ nghiên cứu của giáo sư Eggan vừa mới công bố những phát hiện cho thấy một số phương pháp điều trị có thể kéo dài tuổi thọ của bệnh nhân ALS. Đây được xem như một bước bùng nổ mới.

Cuộc chiến với căn bệnh sẽ còn tiếp diễn, còn lúc này việc dội nước đá lên người vẫn đang lan nhanh trên toàn thế giới.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Muôn Xuân (tổng hợp)
Chuyện về những tỷ phú giàu nhất thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN