Vụ bắt “sếp” NH Xây dựng: “Ai nôn nóng mới đi rút tiền”

“Chỉ có những người thiếu tin tưởng, nôn nóng rút tiền ra trước kỳ hạn, người đó thiệt thòi không được hưởng lãi”.

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 31/7, rất nhiều thắc mắc của báo giới đã được đặt ra, xoay quanh vụ việc một số đối tượng của Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) bị khởi tố và bắt giam ngày 29/7 vừa qua.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến cho biết, NHNN đã và đang giám sát để đảm bảo hoạt động của ngân hàng này không bị ảnh hưởng.

Ông cho biết, thực tế, dấu hiệu vi phạm pháp luật trong quá trình giám sát, thanh tra, NHNN đã phát hiện và có các biện pháp xử lý.

Khi cơ quan điều tra vào cuộc, NHNN đã có chỉ đạo tới các NHNN địa phương phối hợp với các chính quyền địa phương để thông tin đến người gửi tiền yên tâm. Dự phòng các giải pháp hỗ trợ, trong đó có hỗ trợ thanh khoản cho ngân hàng này.

“Hai ngày qua có người gửi tiền tới rút, tuy nhiên số liệu mà tôi nắm được, thì chỉ sang ngày thứ 2 – tức là này 31/7- hiện tượng này đã gần như không còn hoặc số lượng đến rút tiền rất ít”- Phó Thống đốc khẳng định.

Toàn bộ quá trình giám sát cũng như cơ cấu lại ngân hàng yếu kém từ trước đến nay, tất cả các khoản tiền gửi của người gửi tiền đều được đảm bảo. Do vậy, chỉ có những người thiếu tin tưởng, nôn nóng rút tiền ra trước kỳ hạn, người đó thiệt thòi không được hưởng lãi.

Phó Thống đốc nói: “Chúng tôi khuyến cáo người gửi tiền tin tưởng, an tâm vào các giải pháp của Chính phủ, NHNN không vội vàng rút tiền làm ảnh hưởng đến quyền lợi”.

Vụ bắt “sếp” NH Xây dựng: “Ai nôn nóng mới đi rút tiền” - 1

Chủ tịch Tập đoàn Thiên Thanh 

Các biện pháp NHNN áp dụng sẽ bảo đảm hoạt động của ngân hàng một cách an toàn và khắc phục các hạn chế, người gửi tiền sẽ được bảo đảm quyền lợi của mình.

Liên quan tới tội danh của các cựu lãnh đạo VNCB vừa bị khởi tố, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết, Thủ tướng chỉ đạo, khi hoạt động trong bất kỳ lĩnh vực nào phải gắn với giám sát, kiểm tra không để buông lỏng, thiếu sót. Riêng với vụ án này, vì mới được khởi tố, bắt giam nên còn nằm trong vòng điều tra, chưa rõ tình hình sự việc như thế nào.

“Có những vụ đưa ra xử còn chưa rõ trách nhiệm cụ thể của ai. Tội danh đã được định khi khởi tố, quá trình điều tra, xem xét còn có thể nảy sinh chứng cứ khác từ đó điều chỉnh tội danh phù hợp với từng hành vi vi phạm pháp luật cụ thể”- Bộ trưởng nói.

Hai ngày qua, từ hôm 29/7, dư luận xôn xao về việc khởi tố và bắt tạm giam một số lãnh đạo tập đoàn Thiên Thanh -  các nhân vật này còn tham gia công việc tại Ngân hàng Thương mại CP Xây dựng Việt Nam.

Cụ thể, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang thụ lý vụ án "Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Tập đoàn Thiên Thanh, TP. Hồ Chí Minh.

Theo đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã công bố quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam bị can đối với ông Phạm Công Danh (49 tuổi, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Thiên Thanh), ông Phan Thành Mai (43 tuổi, nguyên thành viên HĐQT, Tổng GĐ Tập đoàn Thiên Thanh) và ông Mai Hữu Khương (31 tuổi, nguyên thành viên HĐQT Tập đoàn Thiên Thanh).

Ngoài giữ các chức vụ chủ chốt tại Tập đoàn Thiên Thanh, các ông này còn tham gia công việc tại Ngân hàng Thương mại CP Xây dựng Việt Nam.

Hôm qua, 28/7, để bảo đảm hoạt động ổn định, an toàn và đúng pháp luật của Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam, HĐQT Ngân hàng Thương mại CP Xây dựng Việt Nam đã có quyết định miễn nhiệm với các ông này và bầu, bổ nhiệm nhân sự thay thế.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Dương Tùng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN