Nước ngọt có gaz bị oan?

Dự thảo luật sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt với việc lần đầu tiên đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt 10% đối với nước ngọt có gaz đang vấp phải sự phản ứng từ giới chuyên gia.

Trong khi đó, Bộ Tài chính cho rằng đánh thuế lên sản phẩm nước ngọt có gaz là rất cần thiết nhằm định hướng tiêu dùng, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng.

Không công bằng

Theo Bộ Tài chính, nước ngọt có gaz không cồn là đồ uống được ưa chuộng phổ biến trên thế giới, đặc biệt là trẻ em với số lượng lớn được tiêu thụ hằng năm. Trong nước ngọt có gaz không cồn có những chất công nghiệp như hương vị, chất màu, chất bảo quản… đã được các chuyên gia y tế quốc tế cảnh báo ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng nếu sử dụng hằng ngày hoặc quá mức, như gây béo phì, mỡ máu, tiểu đường, bệnh gút và tăng nguy cơ bị ung thư… Vì vậy, việc định hướng tiêu dùng đối với loại sản phẩm này là rất cần thiết.

Nước ngọt có gaz bị oan? - 1

Có nên đánh thuế tiêu thụ đặc biệt nước ngọt có gaz hay không là vấn đề cần được thảo luận rộng rãi hơn Ảnh: HỒNG THÚY

Đồng tình với đề xuất của Bộ Tài chính, chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Minh Phong cho rằng việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với nước ngọt có gaz không cồn là hợp lý vì đây không phải mặt hàng nên khuyến khích nhập khẩu do tính chất có hại với sức khỏe người tiêu dùng. Hơn nữa, cũng theo ông Phong, việc thu thuế sẽ giúp tăng nguồn thu ngân sách trong bối cảnh ngân sách nhà nước eo hẹp như hiện nay.

Tuy nhiên, trao đổi với báo chí, luật sư Sesto Vecchi, Giám đốc điều hành Công ty Tư vấn Russin & Vecchi, đánh giá việc áp thuế TTĐB 10% là không hợp lý bởi các quốc gia trên thế giới không lựa chọn gaz làm tiêu chí phân loại đánh thuế. “Gaz trong nước ngọt không phải tác nhân gây hại cho sức khỏe mà nằm ở hàm lượng đường nên các quốc gia không phân biệt nước có gaz hoặc không có gaz làm đối tượng bị đánh thuế”  - ông Sesto Vecchi nói. Hơn nữa, giới chuyên gia cũng cảnh báo việc áp thuế sẽ gây hiệu ứng điều chỉnh tâm lý người tiêu dùng khiến họ chuyển từ nước ngọt có gaz sang nước ngọt không gaz với giá rẻ hơn và vẫn ảnh hưởng sức khỏe.

Người tiêu dùng chịu thiệt

Bộ Tài chính cho biết theo số liệu báo cáo của các cục thuế thì tổng sản lượng tiêu thụ của cả nước năm 2013 là 925 triệu lít nước ngọt có gaz không cồn, với giá bán trung bình của nhà sản xuất là 11.987 đồng/lít. Do vậy, việc thu thuế suất 10% đối với mặt hàng này (dự kiến thu khoảng gần 2.000 đồng/lít nước giải khát có gaz) không ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp.

Mặt khác, theo ông Sesto Vecchi, thuế TTĐB là thuế gián thu, nghĩa là người tiêu dùng nộp thuế, không phải nhà sản xuất. Tính toán của Hiệp hội Bia rượu nước giải khát cũng cho thấy đối với mỗi lít nước ngọt đánh thuế 10% thì giá tới tay người tiêu dùng sẽ đội lên khoảng 12%-13%. Như vậy, trong trường hợp này, các chuyên gia cho rằng việc áp thuế có thể dẫn đến người dân bị tác động mạnh lên túi tiền nên nhu cầu có thể thấp hơn đáng kể, khi đó sẽ không tạo ra nguồn thu bổ sung cho ngân sách.

Bà Phạm Thu Hằng, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết đây là vấn đề cần được thảo luận rộng rãi hơn, không chỉ giữa cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước mà cần có cả ý kiến của người tiêu dùng. “Thời gian tới, VCCI sẽ tổ chức các buổi hội thảo và khảo sát lấy ý kiến doanh nghiệp về vấn đề này” - bà Hằng thông tin thêm.

Giảm hấp dẫn đầu tư FDI

Theo ông Christopher J.Snowdon, Giám đốc Viện Nghiên cứu kinh tế London: “Việc áp thuế TTĐB đối với nước giải khát có gaz sẽ ảnh hưởng đến thương mại qua biên giới giữa các nước vì người tiêu dùng ở nước này có thể sang nước bên cạnh để mua hàng với chi phí rẻ hơn. Thuế đồ uống rõ ràng là một tín hiệu thiếu tích cực, làm giảm hấp dẫn đầu tư đối với các nhà đầu tư nước ngoài (FDI) hiện tại và tương lai. Áp dụng thuế TTĐB sẽ giảm khả năng cạnh tranh của Việt Nam với các quốc gia khác trong ngành công nghiệp này”.

Thế giới không ủng hộ thuế đồ uống

Tại Ireland, thuế TTĐB đã được gỡ bỏ vào năm 1992 gây hiệu ứng kích thích tiêu dùng, tăng thu ngân sách. Ai Cập đã giảm thuế TTĐB với nước ngọt có gaz từ 29% xuống còn 19% vào năm 2005. Tại Lào, thuế TTĐB với nước ngọt có gaz đã giảm đáng kể từ 30% xuống 5% vào năm 2011. Hàn Quốc cũng  đã gỡ bỏ thuế TTĐB với nước ngọt vào năm 2005. Một số quốc gia khác gần đây cũng loại bỏ hoặc giảm thuế này như Hà Lan, Bỉ, Cộng hòa Dominica, Ai Cập, Ghana, Indonesia, Pakistan, Philippines, Nam Phi, Zambia và một số bang của Mỹ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phương Nhung (Người Lao Động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN