Mẹo "thuần hóa" đồ vintage của nàng kiến trúc sư

Dù có khó kiếm, khó chiều đến mấy vintage vẫn luôn khiến những cô gái yêu thời trang không thể rời mắt.

Đan Sâm (24 tuổi) là một kiến trúc sư tốt nghiệp ngành Kiến trúc công trình nhưng lại có tình yêu mê mẩn với những món đồ vintage. Cô đã cùng những người bạn của mình sáng lập và duy trì hội chợ đồ cũ Hanoi Flea Market với mong muốn mang tình yêu đồ cũ đến tất cả mọi người. 

Khác với những người “chuyên kinh doanh”, Đan Sâm mở một cửa hàng đầy tính nghệ thuật mà “Ở đó tôi trồng vài chậu hoa trước nhà, ngồi hát ca, pha chút trà để mời các bạn tới chơi, tới xem và chọn cho mình những món đồ thời trang vintage ( đồ cổ, đồ cũ - PV) ưng ý”.

Thời trang với cô là một thú chơi và là một nguồn cảm hứng bất tận. Dành nhiều thời gian đọc và cảm về đồ vintage, Đan Sâm chia sẻ một số kinh nghiệm trong việc lựa chọn và sử dụng những bộ cánh đẹp mà vô cùng khó tính này.

Mẹo "thuần hóa" đồ vintage của nàng kiến trúc sư - 1

Đan Sâm là một sinh viên kiến trúc nhưng lại có tình yêu mê mẩn với những món đồ vintage. Cô dành nhiều thời gian đọc và cảm về vintage

- Theo chị, ưu điểm lớn nhất của đồ vintage là gì?

Theo tôi đọc được "vintage" ban đầu, nghĩa nguyên thủy là chỉ rượu hoặc dầu, sau đó người ta dùng để chỉ một chiếc xe cũ, có tuổi đời ít nhất 50 năm (vintage car). Cuối cùng, những người buôn quần áo đã qua sử dụng dùng từ vintage để chỉ những sản phẩm mà mình đang bán. Từ đó, thuật ngữ này được mặc định có nghĩa là "cổ - cũ" cho nhiều sản phẩm từ thời trang đến kiến trúc... Thông thường quần áo vintage được sản xuất từ thập niên 20 cho đến 60, có thể dao dộng đến những năm 80.

Tôi nhận thấy ưu điểm lớn nhất của đồ vintage là tính độc đáo không trùng lặp và giá trị thời trang đậm chất duy mĩ thông qua sự tinh tế trong từng chi tiết của sản phẩm. Vì những món đồ vintage vốn không phải sản phẩm công nghiệp sản xuất hàng loạt, mà đặt may cho từng số đo với yêu cầu đặc biệt  cho người mặc nó.

Mẹo "thuần hóa" đồ vintage của nàng kiến trúc sư - 2

Thời trang vintage biến hóa từ thập niên 1920 đến thập niên 1960

- Vậy chị nghĩ thế nào là một món đồ vintage đúng nghĩa?

 Là một kiến trúc sư, tôi nắm bắt tinh thần của thuật ngữ vintage như Post- Mordern (trường phái hậu hiện đại) trong kiến trúc vậy. Đó là hướng tới những giá trị thẩm mĩ của quá khứ.

Trong thời trang, đó là các trang phục mang hơi thở thời trang cổ trong quá khứ. Có thể là second hand (hàng đã qua sử dụng), hoặc thiết kế mới nhưng đều thể hiện mạnh mẽ phong cách thời trang của những thập niên trước đó. 

Mẹo "thuần hóa" đồ vintage của nàng kiến trúc sư - 3

Mốt quần ống loe, cạp cao những năm 70, 80 của thế kỉ trước 

- Là một chủ cửa hàng chuyên bán đồ vintage chị có thể chia sẻ một số kinh nghiệm để phân biệt giữa đồ vintage và đồ cũ, đồ second hand?

Đã là con gái hẳn ai cũng từng say mê với đồ secondhand hay còn gọi là hàng thùng. Tôi cũng vậy, tôi đã dành nhiều ngày lang thang ở một số chợ hàng thùng như Đông Tác, chợ Hàng Da (HN), trong số đó hiếm hoi tôi kiếm được một số món đồ vintage, một số món đồ may lại theo cảm hứng vintage (hay được gọi là retro).

Về chất lượng, tôi thấy đồ vintage được may đo cẩn thận, khác với quần áo được may hàng loạt hiện nay. Những bộ cánh vintage thiết kế tinh xảo có thể mặc nhiều năm hoặc gìn giữ qua nhiều thế hệ. Chúng hầu hết được may từ nhiều loại vải quý, hoa văn đặc biệt mà thời đại bây giờ không còn nữa.

Mẹo "thuần hóa" đồ vintage của nàng kiến trúc sư - 4

Đan Sâm là tín đồ của vintage, cô lùng xục mọi nơi để tìm mua những bộ váy mềm mại, cổ điển như vậy

Hơn nữa chi tiết sản phẩm rất cầu kì với chuỗi hạt thêu tay, đột giập, cúc áo đặc biệt… tạo tính khác biệt qua từng chi tiết rất nhỏ mà chúng ta phải dần dần tìm hiểu và trải nghiệm  mới tìm ra được vẻ đẹp vươn đến sự hoàn hảo của nhà thiết kế!

Tôi đề cao sự cá tính, sáng tạo, bay bổng và rất cổ điển của vintage. Quan sát những khách hàng của mình tôi thấy hiện nay có những người không chỉ mặc họ còn sưu tầm thời trang vintage để ngắm, để hoài niệm vẻ đẹp và để lấy cảm hứng trong sáng tạo.

- Có cách nào phân biệt đồ vintage chuẩn và sản phẩm may mới theo phong cách vintage (thường được gọi là retro)?

Tôi nghĩ là không dễ mà cũng không khó. Thời trang là một vòng xoay lặp lại không ngừng nhưng những giá trị “cổ điển” chỉ thời kì đỉnh cao thăng hoa trong lĩnh vực nghệ thuật mới có. Nó luôn giữ được giá trị không thay thế được.

Mẹo "thuần hóa" đồ vintage của nàng kiến trúc sư - 5

Để chọn được đúng đồ Vintage, Đan Sâm phải đọc nhiều bài viết, bài báo về thời trang vintage

Cách dễ nhất là phân biệt qua chất liệu, có những loại vải vintage không còn tồn tại nữa. Phân biệt qua kiểu dáng, chi tiết. Những thiết kế hiện đại dù mang hơi hướng hoài cổ nhưng vẫn lược giản đi vài yếu tố cho phù hợp với thời đại như độn vai, tay bồng. Bên cạnh đó, các phụ kiện thời trang công nghiệp mới khó mà thể hiện hết được vẻ đẹp vintage tinh tế qua từng chi tiết như cúc áo khâu tay, chi tiết ren đan móc theo kiểu cổ điển…

Xuất xứ cũng là một phần quan trọng vì thiếu đi tính thời điểm, lịch sử thì giá trị tinh thần của trang phục không còn nguyên vẹn. Một bộ đồ vintage quý hiếm khi nó được xuất xứ từ một nhà may danh tiếng xưa cũ, chứ không phải trong một phân xưởng mới.

Mẹo "thuần hóa" đồ vintage của nàng kiến trúc sư - 6

Ngoài quần áo, kính mắt vintage cũng là sở thích của Đan Sâm

- Với những người yêu đồ vintage nhưng chưa có kinh nghiệm trong việc lựa chọn đồ thì nên bắt đầu như thế nào?

Với những bạn mới bắt đầu, tôi nghĩ các bạn dành thời gian rảnh rỗi tìm hiểu thêm về lịch sử thời trang một chút sẽ rất thú vị khi nắm được sự thay đổi của những món đồ thân thuộc qua từng thời kì.

Tôi cũng bắt đầu từ con số 0 như vậy. Tôi tìm đọc sách, xem những bộ phim cũ hay một vài bài báo chia sẻ kinh nghiệm của những nhà thiết kế nước ngoài. Họ chia sẻ rất nhiều kinh nghiệm hay về mẹo phân biệt đồ vintage và retro. Sau đó, tôi trải nghiệm với các chất liệu, đồ vintage rất bền, chất liệu rất độc đáo, hoa văn đặc biệt.

Các bạn chắc chắn cũng sẽ say mê những chiếc đầm thô mát, hay satin quý phái, hay dạ ấm… Rồi đến các kiểu cách kết hợp, phụ kiện… Tôi đã mê mệt không thể rời mỗi khi tìm được một món đồ vintage.

- Chị thường dùng mẹo gì khi chọn đồ vintage?

Nhiều người băn khoăn khi chọn một món đồ vintage vì nó khác biệt và đôi khi nó khó kết hợp. Tôi thường quan tâm nhiều nhất đến chất liệu nhất định phải bền chắc dù có thể cũ kĩ một chút. Thông thường, dễ dàng nhất là chọn phong cách trong những giai đoạn gần hiện nay nhất như quần áo thập niên 70.

Đồ vintage cũng không quá khó kết hợp, ví dụ như nới một chiếc chân váy cạp cao những năm 1950, bạn kết hợp như thế nào? Mặc như một quý cô năm 1956 sơ vin cùng những chiếc sơ mi cổ điển kết hợp với clutch, giầy mary jane hay kết hợp với croptop , thậm chí over size T-shirt cùng boots đều được.

Tôi từng rất ngạc nhiên khi một chiếc áo vintage có giá đắt tương đương một chiếc áo trong bộ sưu tập mới nhất. Nhưng thực ra đồ vintage là vậy, đồ cũ nhưng giá không hề rẻ. 

Mẹo "thuần hóa" đồ vintage của nàng kiến trúc sư - 7

Một góc cửa hàng bán đồ Vintage của cô kiến trúc sư, Sâm dành nhiều tâm huyết cho cửa hàng này 

- Không phải kiểu trang phục nào khách hàng yêu thích cũng phù hợp với vóc dáng, nhất là khi trang phục vintage thường được thiết kế cho người có thân hình mảnh mai hơn nhiều so với hiện nay. Với một món đồ có khuyết điểm thì nên chỉnh sửa như thế nào để đẹp và vừa vặn mà không phá đi bản chất vintage vốn có của sản phẩm?

Vintage vốn đã rất đẹp rồi, nhưng quả thật vì nó thiết kế hoàn hảo cho một hình thể cố định, nên trong thời đại mới đôi khi nó cần phải thay đổi cho phù hợp.

Có thể lược bỏ những chi tiết độn vai, hay quá rườm rà chỉ thích hợp với dáng người mảnh khảnh, gia giảm một chút số đo cho vừa vặn nhưng không nên thay đổi hoàn toàn tính chất sản phẩm. Tôi đã từng bỏ đi một chiếc áo rất đẹp vì mang ra hiệu may gần nhà sửa.

Tôi biết có  nhiều nhà thiết kế trẻ họ cũng yêu thích và tìm hiểu phong cách này. Nếu bạn sở hữu một món đồ vintage muốn thay đổi, hãy nghĩ và thử tìm đến các nhà may, các nhà thiết kế chuyên nghiệp để sửa chữa. Và cần lưu ý đến cả trang phục lót bởi cách đây vài chục năm đồ lót cũng khác bây giờ.

- Kinh nghiệm của chị trong khâu bảo quản đồ vintage?

Đồ vintage hơi cầu kì trong bảo quản. Thứ nhất là những chất liệu mỏng nhẹ, thứ hai là các chi tiết nên tôi thường giặt riêng để tránh bị phai lẫn. Dù có lười đến mấy tôi cũng giặt tay với nước không quá nóng, phơi ở nơi nắng không quá gắt và tôi thường dùng dầu gội hoặc nước giặt loại nhẹ.

Khi là phải chú ý nhiệt độ phù hợp với chất liệu và khi treo cũng chú ý hình thức sản phẩm tránh hỏng phom dáng nơi cổ, vai. Với một số chất liệu quá đặt biệt thì tôi phải nhờ các cơ sở giặt là.

- Cảm ơn chị đã chia sẻ những bí quyết hấp dẫn!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đinh Trang ([Tên nguồn])
Nhân vật Thời trang 24H Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN