"Thảm họa" hàng thời trang đặt qua mạng

Nhiều khách hàng dở khóc dở cười khi nhận được váy áo đặt hàng qua mạng.

Trào lưu order (đặt hàng) qua mạng đang rất phổ biến. Tuy nhiên, nhiều người đã ăn phải quả đắng sau khi sử dụng dịch vụ này.

"Tai nạn" thường thấy nhất khi đặt hàng qua mạng đó là sản phẩm nhận về chẳng hề đúng như kỳ vọng. Thậm chí ngay cả hàng đặt ở các website mua sắm uy tín ở Âu, Mỹ, Nhật... thì chuyện này vẫn có thể xảy ra. Ví dụ như một chiếc chân váy xếp ly trên website có màu be sáng, tới khi nhận được lại có màu hồng đất nhạt hoặc áo len trên hình tưởng chừng như rất dày nhưng kỳ thực lại khá mỏng....

Các nhãn hàng khi chụp ảnh sản phẩm đều khiến nó đẹp hơn ngoài đời để kích thích sức mua của khách. Họ thường sử dụng người mẫu có thân hình mảnh dẻ, chỉnh ánh sáng, sử dụng phông nền sáng, xử lý hình ảnh... Tất cả những điều này khiến sản phẩm thật nhiều khi không giống như trên hình. 

Tuy vậy, với các thương hiệu thời trang lớn thì sản phẩm thật chỉ thường thay đổi chút ít về mặt hình ảnh chứ ít khi khiến khách phải thất vọng về chất lượng. Thực tế thì các "thảm họa quần áo online" lại tới từ những dịch vụ đặt hàng từ nguồn không uy tín. 

Bị khách kêu ca nhiều nhất về chất lượng sản phẩm phải kể tới hàng order từ một số trang web Trung Quốc như Taobao, Paipai, Alibaba, Tmail... Đây là những trang web mua bán tồng hợp với hàng ngàn nhà cung cấp với đủ loại mặt hàng thời trang. Trên những trang này, hàng hãng có mà hàng gia công ở xưởng cũng có, hàng loại 1 cũng có mà hàng loại 10 cũng không hiếm.

Chính vì xảy ra quá nhiều trường hợp "mắc hớ" như vậy nên một trào lưu mới được ra đời, đó là trò đăng ảnh so sánh sản phẩm thật và sản phẩm trên mạng. Những nạn nhân của hàng order đã tự chụp ảnh mình với sản phẩm thật và đăng tải lên mạng. 

"Thảm họa" hàng thời trang đặt qua mạng - 1

Một khách hàng bất ngờ trước sản phẩm nhận được khác xa với hình ảnh web Trung Quốc (ảnh do nhân vật tự đăng lên mạng)

Ở các trang Taobao, Paipai, Alibaba, Tmai..., hàng chục thậm chí hàng trăm nhà cung cấp cùng đưa ra mặt hàng giống nhau với đủ chất lượng từ tốt tới tệ. Lợi dụng nguyên lý này, nhiều gian thương người Việt chọn đặt hàng cho khách ở các nguồn rẻ tiền, chất lượng tồi để thu lời. Do đó, hình ảnh thật và chất lượng của hàng khi tới tay khách khác xa với web là chuyện đương nhiên. 

Quần áo vài xấu, lỗi chỉ, bục khuy, lem màu, phụ kiện méo mó, giày cứng gây đau chân... là những hiện tượng phổ biến của hàng hóa đặt từ nguồn không đảm bảo. 

Trào lưu đặt đồ web Trung Quốc qua mạng nổi lên từ cách đây khoàng 7 - 8 năm. Vào thời điểm đó, nhiều người rất háo hức với dịch vụ này bởi hình ảnh hàng hóa long lanh mà giá thì vô cùng rẻ. Tuy nhiên, càng ngày càng có nhiều người "cạch mặt" dịch vụ này vì "hàng nhận được trông không khác gì giẻ lau nhà". 

"Thảm họa" hàng thời trang đặt qua mạng - 2

Một phụ nữ tự đăng ảnh giấu mặt để "tố cáo" sự khác nhau giữa ảnh thật và ảnh mẫu. Chiếc áo ngoài đời có chất vải tệ, phom dáng xấu

Linh Hương, một nạn nhân của shop GioQ. chuyên đặt hàng Quảng Châu tức tối kể lại: "Mình đặt một chiếc áo dạ hồng kiểu Nga giá 250 ngàn đồng. Ban đầu cũng hơi nghi bởi áo kiểu đó bình thường phải 700 - 800 ngàn nhưng nghĩ thôi thì chắc họ đặt được từ gốc nhà máy nên rẻ. Ai ngờ hàng về chỉ giống 20% với hình, còn đâu vải xấu thảm hại, cúc còn phai hết màu xanh ra áo. Vì trước khi mua phải trả 100% tiền nên cũng không tài nào trả hàng lại được."

Trên các diễn đàn về mua bán và diễn đàn phụ nữ, không ít các topic (chủ đề) được lập nên nhằm cảnh báo người tiêu dùng trước "hiểm họa đồ xấu" khi mua hàng qua mạng.  

"Thảm họa" hàng thời trang đặt qua mạng - 3

"Sự thật về hàng order Trung Quốc" từng gây "bão cười" trên trang giải trí của Mỹ 9Gags (Ảnh trên trang 9Gags)

Thành viên Giomua. của một diễn đàn phụ nữ than thở: "Mình chán mua hàng qua mạng lắm rồi. Đặt ở Taobao 4 cái váy hơn 700 ngàn đồng mà cái nào cái nấy trông như nùi rửa bát. Đồ này đem cho người quen cũng sợ bị chê mà mặc thì không được. Phí tiền quá."

Tuy nhiên, theo chị Quyên, chủ của một địa chỉ nhận order đồ từ web mua bán tổng hợp Trung Quốc, do tâm lý tham rẻ mà người mua phải rước lấy quả đắng. 

"Kinh nghiệm đặt đồ của mình ở các trang tổng hợp đó là đừng mua đồ giá thấp quá. Cùng mặt hàng nhưng có nhiều xưởng sản xuất. Hàng tốt thì không thể có giá hời. Đồ giá rẻ sẽ tương xứng với chất lượng. Ngoài ra, khách nên chọn mua của các nhà cung cấp có độ uy tín cao, được đánh giá hình vương miện hoặc dấu sao." - Chị Quyên cho biết. 

Thêm vào đó, chị Quyên cũng chia sẻ, nhiều shop order còn gian lận bằng cách tìm vải giống với mẫu khách đặt, mang ra xưởng may kiểu tương tự để trục lợi. Cách này lừa được nhiều khách ở xa. Họ đã lỡ chuyển khoản cho shop nên không thể hoàn trả lại hàng đã nhận.

Ngoài dịch vụ đặt hàng từ nước ngoài thì một dịch vụ mới, đặt may đồ qua mạng tuy ra đời không lâu nhưng cũng nảy sinh nhiều vấn đề. 

Sử dụng dịch vụ này, khách sẽ chọn mẫu, thường là các kiểu váy áo đẹp của những thương hiệu lớn để shop may lại theo số đo riêng. Nhiều shop chỉ đoán chất vải, không có kỹ thuật may đặc biệt để xử lý phom dáng nên sản phẩm chẳng hề giống mẫu. 

Khác với đặt may kiểu truyền thống, may online thường thu hút nhiều đối tượng khách ở xa. Do đó, nhiều trường hợp khách hàng phải bàng hoàng khi cầm trên tay món đồ trông chẳng có chút nào liên quan tới hình ảnh mẫu. 

Gần đây nhất, trên trang mua bán Donnha. vừa xảy ra vụ tố cáo ồn ào giữa một người mua với shop đặt may online. Người mua này đưa cả hình ảnh chiếc váy của mình lên để so sánh với váy mẫu. Chiếc váy được đặt may với giá không rẻ, gần 700 ngàn bị nhiều người công nhận là khác xa với ảnh mẫu bởi chất vải "hàng chợ" và phom dáng xộc xệch. 

"Thảm họa" hàng thời trang đặt qua mạng - 4

Một thành viên có tên CTCG tự đăng ảnh chi tiết sản phẩm để tố shop LeeM may đồ online kém chất lượng. Hình ảnh của sản phẩm thật nhiều người không nhịn được cười vì quá tệ so với ảnh mẫu 

Tuy vậy, việc bắt đến các shop đặt may online là rất khó bởi phần nhiều họ thường bắt khách cọc từ 50 - 70% số tiền. Nếu shop may cẩu thả, vải rẻ thì chi phí họ bỏ ra cho sản phẩm cũng rất thấp. Bởi vậy, trường hợp khách thấy hàng xấu, trả lại thì shop cũng vẫn lãi. 

Cách duy nhất để khách đòi quyền lợi trong những trường hợp kể trên là... viết bài phản hồi về dịch vụ xấu trên facebook hoặc diễn đàn để kêu gọi sự đồng tình của cư dân mạng. 

Bạn đã bao giờ bị lừa khi mua hàng qua mạng?
Bạn đã bao giờ bị lừa khi mua hàng qua mạng?

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thu Hương ([Tên nguồn])
Những mẹo thời trang hữu ích Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN