Suýt mất chục tỷ đồng vì “dính” chiêu lừa qua e-mail

Tình trạng tội phạm công nghệ thông tin (CNTT) đột nhập hộp thư điện tử (e-mail) của doanh nghiệp để lừa đảo vẫn diễn ra ngày càng trầm trọng.

Liên tiếp trong tháng 6 và 7/2014 một loạt doanh nghiệp Việt Nam làm ăn với đối tác Nam Phi đều “dính” phải chiêu lừa đảo qua e-mail. Điển hình gần đây nhất là sự việc diễn ra tháng 7/2014, khi một doanh nghiệp tại Hà Nội ký hợp đồng xuất khẩu thảm cói cho một doanh nghiệp của Nam Phi. Bỗng dưng, doanh nghiệp Nam Phi nhận được E-mail của doanh nghiệp Việt Nam đòi thanh toán tiền nhập khẩu qua Western Union, tên người nhận tiền là Xiang Yuang, địa chỉ tại Thổ Nhĩ Kỳ, chứ không theo thông tin người nhận trong hợp đồng ký kết quan đầu.

Suýt mất chục tỷ đồng vì “dính” chiêu lừa qua e-mail - 1

Tội phạm CNTT đã "hack" E-mail của doanh nghiệp và tống tiền đối tác

Nhận thấy sự việc bất thường, doanh nghiệp B từ chối thanh toán và tuyên bố chỉ chuyển tiền thanh toán sang 1 ngân hàng ở Việt Nam. Ngay lập tức, doanh nghiệp Nam Phi nhận được e-mail từ hộp thư của doanh nghiệp Việt Nam yêu cầu thanh toán theo thông tin: Chủ tài khoản là Pyo Keun Sung; số tài khoản 700-003-005873 tại Ngân hàng Shinhan Bank Vietnam; địa chỉ Tầng 2, Tòa nhà Daeha, 360 Kim mã, Ba Đình, Hà Nội.

Ngoài ra, trong e-mail này phía Việt Nam cũng yêu cầu đối tác Nam Phi phải thanh toán thêm số tiền hàng sẽ giao trong tháng sau kèm theo lời đe dọa nếu không thanh toán sẽ nhờ các cơ quan pháp luật can thiệp.

Nhận được những lời lẽ xúc phạm và đe dọa, cảm thấy bị xúc phạm, doanh nghiệp Nam Phi đã quyết định tố cáo sự việc đến Đại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi trước khi cắt đứt quan hệ với doanh nghiệp Việt Nam vì mất lòng tin.

Chỉ đến lúc đó, với sự hỗ trợ tích cực của Đại sứ quán Việt nam tại Nam Phi, sự việc mới được làm sáng tỏ. Hộp thư điện tử của doanh nghiệp Việt Nam đã bị tội phạm công nghệ đột nhập và khống chế. Hai doanh nghiệp chuyển sang sử dụng hộp thư điện tử dự phòng. Phía doanh nghiệp Việt Nam cam kết khắc phục hậu quả, tăng cường công tác an ninh mạng để ngăn chặn thiệt hại, phiền hà đến khách hàng, cộng thêm sự vận động, thuyết phục, đảm bảo của Đại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi, doanh nghiệp Nam Phi đồng ý nối lại việc nhập khẩu thảm cói từ Việt Nam.

Khi sự việc được sáng tỏ, doanh nghiệp Việt Nam cũng may mắn thoát khỏi cảnh “mất trắng” hàng chục tỷ đồng mà không rõ nguyên nhân với đối tác do “dính” chiêu lừa qua e-mail mà không hề hay biết.

Qua một số vụ việc đã xảy ra gây thiệt hại tới kinh tế và uy tín của doanh nghiệp Việt Nam, Thương vụ Nam Phi cảnh báo các doanh nghiệp Việt Nam, cần hết sức cảnh giác với tình trạng tội phạm CNTT đột nhập vào hộp thư điện tử của các doanh nghiệp để lừa đảo. Các doanh nghiệp áp dụng các biện pháp an ninh bảo vệ hộp thư điện tử, thường xuyên thay đổi mật khẩu. Đồng thời, lựa chọn hình thức văn bản giao dịch có độ an toàn cao, khó tẩy xóa, sửa chữa. Nếu thấy có sự thay đổi trong ngôn ngữ giao dịch, trong thời gian thực hiện nghĩa vụ thanh toán, cần nghĩ ngay đến khả năng hộp thư điện tử mất an toàn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trường Giang (Infonet.vn)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN