Tại sao Bộ NN&PTNT "bác" đề xuất nhập tàu cũ ngàn tỷ?

Mới đây Cty Đức Khải và Trí Việt đã có đề xuất xin nhập hơn 100 chiếc tàu cũ và xin hưởng ưu đãi đặc biệt từ chính sách hỗ trợ ngư dân, tuy nhiên Bộ NN&PTNT đã chính thức bác hai đề xuất này.

Ngày 18/8 Bộ NN&PTNT đã có văn bản trả lời kiến nghị của Công ty cổ phần Đức Khải xin cơ chế hỗ trợ ưu đãi thực hiện thí điểm trong việc đầu tư đội tàu 100 chiếc có công suất lớn từ 500- 1.500 mã lực chuyên dụng để đánh bắt khai thác thủy sản xa bờ.

 Văn bản do Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám ký khẳng định: đây là một dự án vay với số tiền đầu tư lớn từ nguồn Ngân sách Nhà nước lên đến hơn 1.350 tỷ đồng, tuy nhiên Công CP Đức Khải chưa đưa ra được phương án chi tiết về đầu tư sản xuất kinh doanh khai thác hải sản, bao gồm các tính toán và căn cứ lập luận, phân tích về chi phí cho đầu tư chuyến biển: chi phí nhiên liệu, chi phí duy tu bảo dưỡng cho đội tàu; chi phí nhân công lao động; đối tượng khai thác và tiềm năng, sản lượng khai thác dự kiến…để thấy tính khả thi dự án có thể đem lại lợi nhuận và hiệu quả sau đầu tư. Trong khi công ty cổ phần Đức Khải chưa có kinh nghiệm thực tiễn trong kinh doanh, đánh bắt hải sản.

Tại sao Bộ NN&PTNT "bác" đề xuất nhập tàu cũ ngàn tỷ? - 1

Công ty CP Đức Khải có ý định nhập 100 chiếc tàu cá đóng từ 1985 đã có gần 30 năm hoạt động

Về cơ chế hỗ trợ xin đầu tư 100 chiếc tàu có công suất lớn, Công ty Đức Khải chưa nêu rõ cơ chế đầu tư  xin vay vốn đóng tàu hay nhập khẩu tàu cá một cách rõ ràng . Việc công ty xin vay vốn đóng tàu xa bờ theo Chương trình này là không đáp ứng được các điều kiện vay theo quy định tại điểm b, Khoản 1, Điều 4 của Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản. 

Về việc nhập khẩu tàu cá, Công ty CP Đức Khải kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép nhập nhập khẩu tàu cá được sản xuất từ năm 1985 với những vật liệu khác nhau, tuy nhiên theo quy định tại Nghị định số 52/2010/NĐ-CP ngày 17/5/2010 và Nghị định số 53/2012/NĐ-CP điều kiện đối với tàu cá nhập khẩu: Có nguồn gốc hợp pháp; Là tàu vỏ thép, có công suất máy chính từ 400 CV trở lên; Tuổi tàu không quá 8 tuổi (tính từ năm đóng mới đến thời điểm nhập khẩu), máy chính của tàu (tính từ năm sản xuất đến thời điểm nhập khẩu) không quá 2 năm so với tuổi tàu (đối với tàu cá đã qua sử dụng).

 Đối chiếu với quy định này thì Công ty CP Đức Khải có ý định nhập 100 chiếc tàu cá đóng từ 1985 đã có gần 30 năm hoạt động là không đúng với điều khoản được quy định tại Nghị định này. Trường hợp áp dụng theo Nghị định 29/2009/NĐ-CP của Chính phủ về đăng ký mua bán tàu biển quy định tại điều 9 “Giới hạn tuổi tàu biển đăng ký lần đầu tại Việt Nam”, tàu biển đã qua sử dụng phải có tuổi tàu tính từ năm đóng không quá 15 tuổi đối với các loại tàu biển” thì việc nhập khẩu của cty này cũng không đủ điều kiện.

Còn đối với Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy hải sản Trí Việt  xin nhập 50 tàu vỏ thép đánh bắt xa bờ, đóng mới 20 tàu làm dịch vụ hậu cần thu gom đánh bắt hải sản xa bờ và 2 tàu vỏ thép cứu hộ cứu nạn, Bộ NN&PTNT cho biết, căn cứ vào tài liệu các thông số kỹ thuật của tàu gửi kèm tờ trình của cty cho thấy có 13 trong 14 tàu do công ty cung cấp đều có tuổi tàu trên 15 năm, 1 tàu có tuổi là 12 năm, trong đó có nhiều tàu đóng từ năm 1978, 1982 (nay đã trên 30 năm hoạt động) là không đúng quy định.

Theo Cục khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản thì hiện mới chỉ có 2 công ty trên đề nghị tham gia chương trình đóng mới và nhập khẩu trên 2000 tàu công suất lớn để đánh bắt hải sản xa bờ nhưng cả hai đề nghị của công ty đều không đáp ứng điều kiện theo các quy định hiện hành.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Diệu Thùy (Infonet.vn)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN