Những trận tập kích "muối mặt" của đặc nhiệm Mỹ (P2)

Dù đã được lên kế hoạch hoàn hảo, cuộc tập kích Sơn Tây của đặc nhiệm Mỹ đã không thể nào đạt được mục đích đề ra.

Sau 3 ngày ở tại căn cứ không quân Takhli, Thái Lan, nhóm đặc nhiệm này mới được phổ biến nhiệm vụ thực hiện cuộc tập kích giải cứu tù binh ở Sơn Tây. Khi biết được mục tiêu của mình trong chiến dịch này, các biệt kích Mỹ đều cố gắng nở nụ cười để che giấu nỗi sợ hãi và lo lắng.

Từ thời điểm này trở đi, chiến dịch giải thoát tù binh đầy táo bạo trên chính thức bước vào giai đoạn 3 với mật danh “Kingpin”.

Chiến dịch Kingpin đã được CIA nghiên cứu rất kỹ, từ việc tính toán đường kính cây trong sân trại giam, đến việc tính toán nhiên liệu của chiếc trực thăng làm sao khi đến nơi phải hết nhiên liệu để không gây cháy..., tất cả đều nằm trong chương trình, và kế hoạch này cũng không chấp nhận việc bắt tù binh để tiết kiệm tối đa thời gian.

CIA thậm chí còn cho xây dựng một sa bàn thu nhỏ của trại giam Sơn Tây vô cùng chi tiết, tới mức họ còn thể hiện cả một chiếc xe đạp để ở trong sân trại giam. Các đặc nhiệm được yêu cầu nghiên cứu kỹ lưỡng sa bàn này để nắm rõ đường đi nước bước của mình.

Những trận tập kích "muối mặt" của đặc nhiệm Mỹ (P2) - 1

Mô hình trại giam Sơn Tây do CIA xây dựng

Tuy nhiên, khoảng một tháng trước khi thực hiện chiến dịch, những bức không ảnh do máy bay trinh sát chụp được cho thấy trại giam Sơn Tây bỗng nhiên vắng lặng bất thường, như thể Hà Nội đã đoán trước được ý định giải thoát tù nhân của Mỹ.

Một số chuyên gia tình báo của CIA lo ngại rằng tù binh có thể đã được chuyển đi nơi khác, song ý kiến này nhanh chóng bị gạt đi, vì họ đã mất rất nhiều công sức để xây dựng mô hình, lên kế hoạch, luyện tập kỹ càng đến từng chi tiết. Việc hủy bỏ chiến dịch vào những giờ phút cuối cùng là điều không thể chấp nhận được.

Mệnh lệnh thực hiện chiến dịch được phê chuẩn và thông báo vào ngày 18/11/1970. Đêm ngày 20 rạng sáng ngày 21/11, năm chiếc trực thăng quân sự Mỹ với nhiều máy bay dẫn đường, tiếp dầu, hộ tống cất cánh rời khỏi căn cứ không quân ở Udorn, Thái Lan, chở theo các binh sĩ thuộc lực lượng đặc nhiệm mất hút vào màn đêm.

Những trận tập kích "muối mặt" của đặc nhiệm Mỹ (P2) - 2

Đặc nhiệm Mỹ lên máy bay thực hiện cuộc tập kích

Cũng trong đêm đó, nhiều tốp máy bay chiến đấu Mỹ xâm phạm vùng trời miền bắc Việt Nam. Một số tốp thả pháo sáng ở Hải Phòng để đánh lạc hướng lực lượng phòng không miền bắc, tạo điều kiện cho đặc nhiệm Mỹ thực hiện cuộc tập kích.

Đội đặc nhiệm được chia thành 3 nhóm với mật danh là Blueboy, Redwine và Greenleaf. Đến 2 giờ sáng, 5 chiếc máy bay trực thăng lợi dụng địa hình bắt đầu bí mật tiến vào vùng trời Sơn Tây một cách thuận lợi.

Tuy nhiên, sự cố bắt đầu xảy ra khi đội đặc nhiệm đến được vị trí đã định. Chiếc trực thăng chở nhóm Greenleaf đã đáp xuống nhầm địa điểm. Thay vì đáp xuống sân trại giam, phi công đã cho chiếc trực thăng hạ cánh xuống sân của một trường cấp hai ở gần đó, nơi có rất nhiều bộ đội của ta đang đóng quân.

Một cuộc đọ súng quyết liệt đã nổ ra giữa nhóm đặc nhiệm Greenleaf với bộ đội ta, khiến viên phi công phải luống cuống cho máy bay cất cánh ngay lập tức để bay về phía trại giam.

Trong khi đó, chiếc trực thăng chở nhóm Blueboy vẫn đang lặng lẽ tiến về phía trại giam. Tuy nhiên, vì trời tối, phi công đã để chiếc trực thăng bay thấp va phải một ngọn cây ở bên ngoài hàng rào, khiến chiếc trực thăng đâm xuống sân trại giam nhưng không đặc nhiệm nào bị thương nặng.

Những trận tập kích "muối mặt" của đặc nhiệm Mỹ (P2) - 3

Chiếc trực thăng gãy nát sau khi đâm xuống sân trại giam

Trực thăng của nhóm Redwine hạ xuống ngay phía bên ngoài tường rào của trại giam, và các biệt kích dùng thuốc nổ phá một lỗ thủng trên tường để đột nhập vào bên trong. Trong lúc các đặc nhiệm đang vào vị trí, chiếc trực thăng chở nhóm Greenleaf mới lết được tới gần trại giam, và các đặc nhiệm trong nhóm này tiến vào.

Lúc này hỗn loạn thực sự mới bắt đầu xảy ra. Nhóm Blueboy và Redwine ở bên trong trại giam lại tưởng rằng nhóm Greenleaf là lực lượng chi viện của quân đội Việt Nam, và họ đã nổ súng bắn thẳng về phía các đặc nhiệm của nhóm Greenleaf do đại tá Simons “Bò tót” chỉ huy.

Bị tấn công bất ngờ, nhóm của đại tá Simons “Bò tót” đã nổ súng bắn trả lại. Sau một hồi đấu súng, nhận ra tiếng súng ở phía bên kia không phải là tiếng AK-47, đại tá Simons biết là “quân ta đang bắn quân mình” nên ra lệnh ngừng bắn ngay lập tức.

Sau đó, đích thân đại tá Simons tiến vào lục soát từng buồng giam bên trong trại, thế nhưng điều hoàn toàn bất ngờ với họ là không có bất cứ một phi công Mỹ nào bị giam giữ ở đây. Cả khu trại giam hầu như đã bị bỏ không.

Điều mà cả hệ thống tình báo hùng hậu của Mỹ lúc đó không ngờ đến là toàn bộ tù binh Mỹ ở trại Sơn Tây đã được di chuyển đến một địa điểm bí mật khác từ trước đó không lâu. Khi phát hiện ra thực tế này, Simons “Bò tót” đã gần như phát điên.

Những trận tập kích "muối mặt" của đặc nhiệm Mỹ (P2) - 4

Đặc nhiệm Mỹ lùng sục trong trại giam nhưng không tìm thấy bất cứ phi công nào

Trung sĩ Buckler kể lại rằng khi nghe thông báo không tìm thấy bất cứ tù binh Mỹ nào, anh không thể tin ở tai mình và cứ nghĩ rằng bộ đàm bị trục trặc. Khi anh báo cáo lại với đội trưởng, viên sĩ quan này cũng không tin điều đó là sự thật.

Với việc không tìm thấy bất cứ tù binh Mỹ nào, đội đặc nhiệm được lệnh rút lui, bất chấp những công sức mà họ đã bỏ ra suốt hơn 3 tháng vừa qua. Cuộc tập kích chỉ kéo dài vỏn vẹn đúng 27 phút, kể từ lúc chiếc trực thăng đầu tiên đâm xuống sân trại cho đến lúc chiếc trực thăng cuối cùng cất cánh khỏi đây.

Hậu quả của cuộc tập kích chóng vánh này là một đặc nhiệm Mỹ bị trúng đạn vào bắp chân, và một người khác bị trẹo mắt cá chân sau khi nhảy xuống từ trực thăng. Ác mộng chưa dừng lại ở đó, khi những chiếc trực thăng này bay trở về Thái Lan, những luồng đạn phòng không bắt đầu phóng lên sáng rực bầu trời Hà Nội.

Những trận tập kích "muối mặt" của đặc nhiệm Mỹ (P2) - 5

Đặc nhiệm Mỹ không thu được bất cứ kết quả nào trong cuộc tập kích Sơn Tây

Đến lúc này, các đặc nhiệm Mỹ ngồi trên máy bay trực thăng mới cảm thấy sợ hãi. Trung sĩ Buckler cho hay lúc đó anh đã nghĩ đến cái chết khi phi công phải nỗ lực hết mình mới có thể giúp trực thăng thoát khỏi lưới lửa phòng không dày đặt để đưa cả đội về đến Thái Lan an toàn.

Như vậy, sau một thời gian dài chuẩn bị với sự hậu thuẫn của một bộ máy tình báo khổng lồ và hiện đại, chiến dịch giải cứu tù binh của Mỹ đã thất bại khi đội đặc nhiệm của họ không đưa về được bất cứ phi công Mỹ nào.

-----------------------------------------------

Mời các bạn xem tiếp: Những trận tập kích "muối mặt" của đặc nhiệm Mỹ (P3) vào 19h00 ngày 2/9.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trí Dũng (Tổng hợp) ([Tên nguồn])
Thất bại của đặc nhiệm Mỹ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN