Ai có nguy cơ mắc bệnh tay chân miệng?

“Tất cả những người chưa từng bị bệnh đều có nguy cơ nhiễm bệnh tay chân miệng”.

Bộ Y tế cho biết, bệnh tay chân miệng lây truyền theo đường tiêu hóa, có khả năng gây thành dịch lớn và chưa có vắc xin phòng bệnh. Trước tính chất nguy hiểm của bệnh, chúng tôi có cuộc trao đổi với PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về bệnh này.

Thưa ông, thời điểm này, bệnh tay chân miệng đã xuất hiện ở 62 tỉnh thành. Theo ông, mức độ lây lan của bệnh tay chân miệng như thế nào?

Bệnh Tay chân miệng là một bệnh nhiễm vi rút cấp tính, lây truyền qua đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn.  Nếu không được kiểm soát tốt, chắc chắn sẽ lây lan thành dịch.

Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng ban phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông. Bệnh Tay chân miệng gây ra do các loại vi rút thuộc nhóm đường ruột. Vi rút EV71 có thể gây các biến chứng nặng và gây tử vong.

Vi rút gây bệnh Tay chân miệng có thể lây nhiễm từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với dịch mũi, họng, nước bọt, chất dịch từ mụn nước, hoặc phân của người bị nhiễm bệnh. Người bị bệnh có thể làm lây lan bệnh nhiều nhất trong tuần đầu tiên của bệnh, nhưng thời gian gian lây nhiễm có thể kéo dài trong vài tuần (do vi rút vẫn tồn tại trong phân).

Vậy theo ông, những đối tượng nào có nguy cơ mắc bệnh tay chân miệng?

Tất cả những người chưa từng bị bệnh Tay chân miệng đều có nguy cơ nhiễm bệnh, nhưng không phải ai bị nhiễm bệnh cũng xuất hiện bệnh.

Bệnh Tay chân miệng xảy ra chủ yếu ở trẻ em dưới 10 tuổi, nhưng thường gặp nhất ở trẻ em dưới 5 tuổi. Các trẻ nhỏ thường dễ bị biến chứng nặng hơn.

Ai có nguy cơ mắc bệnh tay chân miệng? - 1

Theo GS Dũng, trẻ em có nhiều khả năng bị lây nhiễm và bị bệnh bởi chúng có ít kháng thể hơn người lớn.

Trẻ em có nhiều khả năng bị lây nhiễm và bị bệnh bởi chúng có ít kháng thể hơn người lớn. Hầu hết người lớn được miễn dịch, nhưng vẫn có trường hợp mắc bệnh ở thanh thiếu niên và người lớn.

Còn đối với phụ nữ mang thai, bệnh tay chân miệng rất ít gặp. Hiện chưa có bằng chứng rõ ràng về việc nhiễm vi rút đường ruột, trong đó có vi rút gây bệnh bệnh Tay chân miệng ở bà mẹ, có liên quan đến hậu quả bất lợi đặc biệt của thai kỳ (như phá thai, thai chết lưu hoặc dị tật bẩm sinh). Tuy nhiên, phụ nữ mang thai có thể truyền bệnh cho em bé nếu họ bị nhiễm một thời gian ngắn trước khi sinh đẻ hoặc có các triệu chứng tại thời điểm sinh. 

Hầu hết trẻ sơ sinh bị nhiễm vi rút đường ruột có bệnh nhẹ, hiếm khi có tiến triển thành nhiễm trùng nặng ở nhiều cơ quan, bao gồm cả gan, tim và tử vong do nhiễm trùng. 

Bệnh Tay chân miệng thường là một bệnh nhẹ, hầu hết tất cả bệnh nhân hồi phục trong vòng 5 đến 7 ngày mà không cần điều trị và thường không gặp các biến chứng. Tuy nhiên có một số ít trường hợp bệnh có thể diễn biến nặng và có những biến chứng như: viêm não,  màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong.

Dấu hiệu nhận biết bệnh tay chân miệng như thế nào và ông có lời khuyên gì trong phòng tránh bệnh cho trẻ, tránh nguy cơ lây lan?

Hiện nay, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh Tay chân miệng. Bệnh nhân nên uống nhiều nước, đặc biệt nên uống nhiều nước hoa quả tươi, cho thuốc hạ sốt khi sốt cao và có thể bôi một số thuốc giảm đau do các vết loét ở miệng để trẻ ăn uống dễ hơn, tăng cường vệ sinh cá nhân.

Nguy cơ lây nhiễm bệnh tay chân miệng có thể được giảm thiểu bằng việc thực hiện tốt vệ sinh cá nhân đặc biệt nên rửa tay thường xuyên bằng xà phòng.

Xin chân thành cảm ơn Giáo sư!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo T.Thu ([Tên nguồn])
Dịch tay chân miệng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN