Bão Kalmaegi có khả năng đổ bộ Quảng Ninh – Hải Phòng

Ngày 15/9, bão Kalmaegi đã vào tới Biển Đông, sức gió cấp 12, giật cấp 15, 16. Trước diễn biến phức tạp của bão, trong chiều nay Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải sẽ chủ trì cuộc họp trực tuyến với các tỉnh đối phó bão.

Theo bản tin của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, sáng sớm ngày 15/9, bão Kalmaegi (bão số 3), đã đi vào biển Đông. Hồi 4 giờ, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,4 độ vĩ Bắc; 118,9 độ kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 760 km về phía Đông Đông Bắc.

Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, giật cấp 14, cấp 15,16. Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25 - 30km và còn có khả năng mạnh thêm.

Sau khi đi vào Biển Đông, bão Kalmaegi sẽ tiếp tục giữ ở cường độ mạnh cấp 12 và có khả năng tăng lên cấp 13 – 14, giật cấp 15, cấp 16 và ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh miền Bắc nước ta từ đêm ngày 16 rạng sáng ngày 17/9, tâm bão được dự báo là khu vực Quảng Ninh – Hải Phòng.

Từ chiều tối 16/9, các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Nam Định có gió mạnh cấp 8 – 9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10 – 11, giật cấp 12 – 13. Các nơi khác ở khu Đông Bắc và đồng bằng Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6 – 7, giật cấp 8. Ở Bắc Bộ từ đêm 16/9 có mưa vừa, mưa to, riêng khu Đông Bắc và vùng núi phía bắc có mưa to đến rất to.

Tại cuộc họp giao ban sáng ngày 15/9, ông Vũ Văn Tú, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão Trung ương cho hay, đây là một cơn bão mạnh, di chuyển nhanh và có diễn biến phức tạp. Sáng và trưa ngày 16/9 bão sẽ đi vào khu vực Vịnh Bắc Bộ. Để chủ động đối phó với mưa bão, trong chiều nay, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải sẽ chủ trì cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo các tỉnh.

Bão Kalmaegi có khả năng đổ bộ Quảng Ninh – Hải Phòng - 1

Bão Kalmaegi đã vào tới biển Đông, sức gió cấp 12, giật cấp 15, 16

“Đây là cơn bão di chuyển nhanh, phức tạp, do vậy ban chỉ huy phòng chống lụt bão các tỉnh phải quyết liệt và giao cho các quận, huyện chuẩn bị sẵn sàng phương án đối phó. Đặc biệt, là ở các tỉnh vùng núi, con đường mòn cạnh sông, suối. Nếu như làm tốt công tác chuẩn bị tôi tin là sẽ giảm thiểu được số người thương vong khi bão vào”, ông Tú nói.

Chiều ngày 14/9, Ban chỉ đạo đã có công điện gửi tới các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa; các tỉnh thành phố khu vực Bắc Bộ và các bộ, ngành yêu cầu chủ động triển khai các biện pháp đối phó với bão. Bộ Tham mưu, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tiếp tục đôn đốc Biên phòng các tỉnh theo dõi nắm chắc diễn biến của bão, sẵn sàng xử lý các tình huống khi có yêu cầu.

Báo cáo nhanh Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão cho biết, từ ngày 11 đến 14/9, trên cả nước rải rác có mưa, riêng khu vực miền núi phía Bắc, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên có nơi mưa vừa, mưa to, lượng mưa phổ biến dưới 100mm. Một số nơi như Thổ Bình, tỉnh Tuyên Quang đã có mưa 186mm; phố Lu (Lào Cai) 158 mm; suối Kết (Bình Thuận) 144 mm

Đến ngày 15/9, biên phòng các tỉnh, thành phố tuyến biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa đã phối hợp với địa phương, thông báo, hướng dẫn cho 75.000 tàu, thuyền, lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản biết diễn biến của bão để chủ động phòng tránh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Đức ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN