Lao động hợp đồng làm thay 30% “công chức ngồi chơi”?

Do khoảng 30% công chức “ngồi chơi xơi nước” nên cơ quan phải tuyển lao động hợp đồng vào làm thay.

Ông Phan Đăng Long, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, chia sẻ sau kết luận kiểm tra của Sở Nội vụ Hà Nội cho thấy các sở ngành, quận huyện hiện có hàng nghìn lao động hợp đồng làm thay công chức.

Lý giải nguyên nhân, ông Long cho rằng, rất có thể các đơn vị đang thiếu lao động nhưng chưa tuyển được người. Trong khi chờ đợi đến kỳ thi để tuyển lao động, cơ quan đó phải ký hợp đồng  một vài người để đáp ứng yêu cầu công việc.

Ông Long cũng không loại trừ trường hợp cơ quan đã tuyển đủ người, nhưng do công việc tăng lên, cơ quan đó phải tuyển thêm người.

Ngoài ra, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh đến lý do, hiện nay bộ máy công vụ có khoảng 30% cán bộ không làm được việc, “ ngồi chơi xơi nước”. Ông Long cho biết thêm, con số 30% này là ý kiến của “người có trách nhiệm” và một số cơ quan phản ánh lại. Bản thân ông Long đồng tình với các ý kiến trên.

Lao động hợp đồng làm thay 30% “công chức ngồi chơi”? - 1

Thí sinh mướt mải dưới trời nắng nóng để nộp hồ sơ thi tuyển công chức.

“Do đã vào biên chế, nên khó thải loại ngay cả người không làm được việc. Vì vậy, có thể cơ quan đó phải ký thêm hợp đồng lao động với những người khác để làm thay “công chức xơi nước”, ông Long bày tỏ quan điểm.

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho rằng, một trong những hạn chế của chế độ biên chế là “khó thải loại người không làm được việc”. Ngoài ra, công chức vào biên chế rồi có tâm lý yên tâm, chắc vị trí.

Theo ông Long, các nước tiên tiến trên thế giới không sử dụng chế độ biên chế, thay vào đó, thực hiện hợp đồng lao động. Cơ quan sử dụng lao động phải thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách đối với người lao động như lương, thưởng, bảo hiểm... Tuy nhiên, nếu người lao động không đáp ứng được yêu cầu công việc sẽ bị cắt hợp đồng ngay.

“Làm như vậy, tránh được tâm lý “chắc chân”, buộc công chức phải nỗ lực, cố gắng, sáng tạo trong công việc”, ông Long nói.

Ông Phan Đăng Long, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội: “Nhiều người lao động muốn vào biên chế, bởi ai cũng muốn có việc làm, nhất là làm việc trong môi trường ổn định”.

Trước đó, trao đổi với phóng viên, ông Trần Quốc Thuận, người từng 14 năm làm Phó Chủ nhiệm thường trực Văn phòng Quốc hội (từ năm 1994 – 2008) cho biết, ở các nước tiên tiến, ví dụ như ở Úc chỉ tuyển người theo hợp đồng ngắn hạn, hợp đồng đầu tiên là hợp đồng 3 tháng, hợp đồng 6 tháng rồi hợp đồng 18 tháng. Hợp đồng dài nhất là 3 năm chứ không có biên chế suốt đời.

Khi vào cơ quan làm việc, nhân viên luôn dồn sức phấn đấu liên tục, nếu làm tốt mới kéo hợp đồng dài ra. Làm không tốt sẽ bị thải loại. Nếu lãnh đạo đưa người nhà vào, làm việc không tốt cũng sẽ bị cạnh tranh, nếu không cạnh tranh được bị thải loại ngay.

Còn ở nước ta, có biên chế nên tạo cho công chức sự yên tâm, không phải lo mất việc, giảm sự phấn đấu, sáng tạo.

 Vừa qua, các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin Hà Nội yêu cầu rà soát lại việc sử dụng lao động hợp đồng, phân loại và xử lý theo hướng chấm dứt, thanh lý các hợp đồng do phòng chuyên môn tự ký và trả lương bằng kinh phí từ ngân sách, tổng số 10.000 lao động.

Ông Trần Huy Sáng - Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội cho biết thêm, nhiều đơn vị không hoàn thành kế hoạch biên chế được giao, số lượng cán bộ công chức hiện còn thấp hơn chỉ tiêu nhưng lại sử dụng lao động hợp đồng tạm thời thay cho số công chức còn thiếu.

Có lao động hợp đồng tạm thời không nộp hồ sơ đăng ký tuyển dụng hoặc dự tuyển nhưng không trúng tuyển lại vẫn làm việc theo hợp đồng lao động.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Dương Tùng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN