Lịch Maya không dự đoán ngày tận thế

Tìm thấy “Hạt của Chúa”, lịch của người Maya cổ đại nhất, đường trong vũ trụ, hành tinh mới trong hệ mặt trời… là những khám phá nổi bật nhất năm 2012 do tạp chí National Geographic số ra mới đây bình chọn.

Bí ẩn lịch sơ khai nhất của người Maya

Trong tháng 5/2012, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy một bộ lịch Maya cổ nhất từ trước đến nay tại di tích Xultun ở Guatemala. Chúng được khắc trên các bức tường của một ngôi nhà Maya có niên đại từ đầu thế kỷ thứ 9, sớm hơn các bộ lịch Maya hàng thế kỷ.

Người Maya xây dựng lịch dựa trên các chu kỳ thiên văn. Khác với những tin đồn, ngày tận thế. Nó được sử dụng để tính toán thời gian trong hàng tỷ năm nữa, David Stuart, một nhà khảo cổ của Đại học Texas tại Mỹ cho biết.

Ngoài ra, các nhà khảo cổ còn thấy nhiều hình người trên bức tường có kích thước gần bằng người thật. Tất cả hình người trên bức tường phía Đông đều nhìn về phía một vị vua trên bức tường phía Bắc.

Tìm thấy “Hạt của Chúa”

Trong tháng 7, các nhà nghiên cứu làm việc với Máy gia tốc hạt lớn (LHC) của Tổ chức nghiên cứu Nguyên tử châu Âu (CERN) tuyên bố, họ đã tìm thấy hạt Higgs Boson hay còn được gọi là “hạt của Chúa” với mức độ chắc chắn lên tới 99%.

Thành công trong việc tìm kiếm hạt Higgs Boson góp phần hoàn thành mô hình vật lý chuẩn để hiểu về vũ trụ, giải thích tại sao các vật thể trong vũ trụ lại có khối lượng – yếu tố hình thành nên mọi thứ trong không gian, từ các hành tinh cho đến loài người.

Đường được tìm thấy trong không gian

Các nhà thiên văn học đã tìm thấy các phân tử đường ở dạng đơn trôi nổi trong khí quyển xung quanh một ngôi sao cách trái đất khoảng 400 năm ánh sáng, mở ra hi vọng trong quá trình tìm kiếm sự sống ngoài không gian.

Qua phân tích, họ nhận thấy sự xuất hiện của các phân tử gọi là Glycolaldehyde, thuộc nhóm phân tử hữu cơ carbohydrate, được tạo thành từ carbon, hydro và oxy. Glycolaldehye là một trong các chất tạo nên Axit Ribonucleic (ARN), một trong những thành phần cơ bản tạo nên các tế bào sống.

Đền thờ Mặt trời của người Maya

Trong tháng 5/2012, các chuyên gia đã tìm thấy một kim tự tháp tồn tại từ cách đây 1.600 năm, được cho là thờ thần mặt trời của nền văn minh Maya. Công trình đặt trên dốc núi cao nhìn xuống toàn cảnh thành phố cổ El Zotz.

Bức tường bên ngoài của cấu trúc chứa những bức vẽ về vị thần này với các hình đắp nổi bằng trát stucco. Trên đỉnh cấu trúc là một đền thờ được bao phủ bởi hàng loạt mặt nạ mô tả các giai đoạn khác nhau của mặt trời.

Được vẽ bằng màu đỏ, ngôi đền tượng trưng quyền lực của triều đại trị vì và được chiếu sáng rực rỡ nhất vào lúc mặt trời mọc và lặn, đủ để nhìn thấy cách đó khoảng 25km.

Cá sấu lớn nhất thế giới

Vào tháng 7 vừa qua, một con cá sấu có tên Lolong nặng hơn 1 tấn, dài tới 6.17m đã được Guinness World Records công nhận là con cá sấu nước mặn lớn nhất thế giới trong điều kiện nuôi nhốt.

Bị nghi ngờ là thủ phạm tấn công nhiều người và giết chết ít nhất hai người, Lolong bị bắt sống ở thị trấn nhỏ Bunawan thuộc miền Nam Philippines hồi tháng 9/2011. Với kích thước này, nó đã soắn ngôi kỷ lục trước đó của một con cá sấu Autralia dài hơn 5m và nặng gần một tấn.

Kể từ khi bị bắt giữ, hàng ngàn du khách đến để tận mắt chứng kiến con vật đặc biệt này.

Thêm một hành tinh mới trong hệ Mặt trời?

Một hành tinh chưa từng được khám phá có thể đang quay quanh vùng rìa tối Hệ mặt trời, theo một nghiên cứu được công bố vào tháng 5 vừa qua.

Vì nó nằm quá xa nên kính thiên văn không thể dễ dàng phát hiện, có khả năng nó đang tồn tại ở vùng vành đai Kuiper của Hệ mặt trời – Tiến sĩ Rodney Gomes, một nhà thiên văn học thuộc Đài quan sát quốc gia Brazil tại Rio de Janeiro cho biết.

Vành đai Kuiper được tạo thành nhờ các thiên thể băng và những hành tinh lùn nằm ngoài quỹ đạo sao Hải Vương. Qua phân tích, các nhà khoa học cho rằng, hành tinh trên có kích thước tương đương sao Hải Vương, đang quay quanh quỹ đạo Mặt trời ở khoảng cách 225 tỷ km – gấp khoảng 1.500 lần khoảng cách giữa Trái đất và Mặt trời.

“Thế giới bị quên lãng” ở Nam cực

Thông qua các cuộc khảo sát khám phá lòng đại dương, các nhà khoa học Mỹ đã phát hiện ra một hệ sinh thái gần các miệng phun thủy nhiệt ngoài khơi Nam cực hết sức đa dạng với hàng đàn cua Yeti và các loài sinh vật biển sâu kỳ lạ mà trước đó chưa từng được biết đến. Họ gọi đây là “thế giới bị quên lãng”.

Bằng một loại thiết bị lặn điều khiển từ xa, cuộc sống trong bóng tối ở độ sâu 2.400m được tái hiện hết sức phong phú với hình ảnh của các loài cua, hàu, hải quỳ, sao biển và thậm chí cả một loài bạch tuộc hoàn toàn mới.

Phát hiện hệ sao 9 hành tinh

Các nhà khoa học đã phát hiện ra một hệ sao cách Trái đất khoảng 127 năm ánh sáng có số lượng hành tinh nhiều nhất trong vũ trụ.

Theo một nghiên cứu vào tháng 4/2012, HD 10180 – một hệ sao giống mặt trời thuộc chòm sao Hydrus (chòm sao Rắn Nước) – có thể bao gồm 9 hành tinh quay quanh nó, trong khi con số đó của hệ Mặt trời là 8.

Nhiều loài mới trong “thiên đường sinh thái” ở Peru

Khỉ đêm là một trong số 8 loài động vật có vú mới được các nhà sinh vật học Mexico và Peru tìm thấy trong cuộc thám hiểm 2009 – 2011 tại Khu bảo tồn quốc gia Tabaconas Namballe ở miền Bắc Peru. Ngoài ra, còn rất nhiều sinh vật khác lần đầu tiên xuất hiện trên thế giới ngay tại “thiên đường đa dạng sinh học” này.

Loài lưỡng cư dạng giun kỳ lạ

Không hẳn là giun nhưng cũng chẳng phải rắn và sống trong lòng đất hoặc dưới lớp thảm lá rụng trong rừng, loài lưỡng cư không chân này là loài hoàn toàn mới đối với khoa học, được đặt tên là Chikilidae (thuộc đại gia đình lưỡng cư dạng giun bí ẩn Caecilian).

Trong ảnh là một con Chikilidae mẹ đang cuộn mình xung quanh ổ trứng dưới lớp đất rừng ở đông bắc Ấn Độ, sau đó phôi hình thành và phát triển trong trứng từ 2 – 3 tháng rồi nở trực tiếp thành con. Trong khoảng thời gian này con mẹ sẽ nhịn ăn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Lai Nguyễn – Nguyễn Linh (Cảnh sát toàn cầu)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN