Không nộp phí đường: Ai được phạt?

Thông tư hướng dẫn thu, nộp phí sử dụng đường bộ không nhắc đến quy định xử phạt hoặc dẫn văn bản quy định về chế tài xử phạt trường hợp không nộp.

Theo quy định, một tuần nữa, ô tô, xe máy bắt đầu phải nộp “phí sử dụng đường bộ". Để làm rõ một số quy định như chế tài xử phạt trường hợp không nộp, thẩm quyền xử phạt..., chúng tôi có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Lê Hồng Sơn – Cục trưởng Cục Kiểm tra Văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp).

Thu phí đường bộ theo đầu phương tiện khiến dư luận đang có những ý kiến khác nhau. Trong đó, Thông tư 197 hướng dẫn thu, nộp phí sử dụng đường bộ không quy định xử phạt lỗi "không mua hoặc nộp phí cho phương tiện khi tham gia giao thông theo quy định", cũng như không dẫn văn bản có quy định về chế tài xử phạt hành vi vi phạm. Ý kiến của ông thế nào?

Xin lưu ý, xét về thẩm quyền, chỉ có Chính phủ trở lên mới có quyền quy định hành vi mức phạt và thẩm quyền xử phạt đối với vi phạm hành chính. Không nộp phí đường bộ theo quy định cũng thuộc loại này.

Như vậy, thông tư không thể đưa ra quy định về hành vi vi phạm, thẩm quyền xử phạt và mức phạt. Theo tôi biết, Nghị định số 71 của Chính phủ đã quy định mức xử phạt lỗi "không mua hoặc nộp phí cho phương tiện khi tham gia giao thông theo quy định".

Về nguyên tắc, đúng ra thông tư hướng dẫn về thu nộp phí sử dụng đường bộ cần có chế tài nguyên tắc như “nếu không mua hoặc nộp thì bị xử phạt theo quy định của Chính phủ (Nghị định 71)”. Như vậy mới trọn vẹn và đảm bảo tính đồng bộ thống nhất. Nếu Thông tư không có quy định này là thiếu sót.

Nghị định 34 về xử phạt vi phạm trong lĩnh vực giao thông có quy định về thẩm quyền xử phạt của CSGT đối với quy định trong Nghị định. Nghị định 71 sửa Nghị định 34, bổ sung thêm quy định xử phạt lỗi vừa nêu nhưng lại không thấy nhắc đến thẩm quyền xử phạt thuộc về ai. Vậy nên hiểu thế nào? Hay nghiễm nhiên, thẩm quyền xử phạt này cũng thuộc CSGT?

Không nộp phí đường: Ai được phạt? - 1

TS. Lê Hồng Sơn: "Không thể mặc nhiên hiểu rằng thẩm quyền xử phạt lỗi không nộp phí đường là của CSGT".

Tôi chưa kiểm tra lại Nghị định 71. Tuy nhiên theo tôi hiểu, các nghị định của Chính phủ khi quy định hành vi vi phạm và mức phạt đều xác định rõ người có thẩm quyền xử phạt đối với hành vi vi phạm đó. Nếu nghị định chưa nêu thẩm quyền xử phạt đối với hành vi này cũng là một thiếu sót.

Nếu nghị định không quy định rõ người có thẩm quyền xử phạt đối với hành vi này thì không thể mặc nhiên hiểu đó là thẩm quyền của CSGT. Có người cho rằng đường nhiên thẩm quyền đó thuộc CSGT là thiếu chính xác. Không thể tùy tiện suy diễn về thẩm quyền này.

Gần đây dư luận cũng phản ánh, giao cho CSGT xử phạt nhiều loại hành vi không phù hợp. Ý kiến của ông thế nào?

Trong lĩnh vực giao thông có nhiều loại hành vi vi phạm. Có hành vi vi phạm liên quan đến quy tắc trật tự an toàn giao thông (TTATGT) như: vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, đường cấm, đua xe, điều khiển xe không có bằng lái phù hợp v.v.. Cũng có hành vi vi phạm không liên quan đến quy tắc TTATGT mà là những vấn đề dân sự khác như: không mang đăng ký xe, không sang tên đổi chủ, không mua bảo hiểm dân sự, .v.v..

Nhóm hành vi vi phạm thứ nhất giao cho CSGT xử phạt là phù hợp. Nhưng nhóm hành vi vi phạm thứ hai nêu trên thì cần cân nhắc kỹ về thẩm quyền xử phạt. Đây là vấn đề liên quan đến xác định chức năng nhiệm vụ thẩm quyền của CSGT cũng như của một số cơ quan nhà nước. Không nên tùy tiện giao cho CSGT xử phạt quá nhiều loại hành vi. Đặc biệt là những hành vi thuộc nhóm thứ hai tôi vừa nêu. Vừa quá tải, vừa dễ làm bức xúc trong dư luận và cũng gây bất lợi cho CSGT khi thi hành công vụ.

Gần đây, một số văn bản ban hành bị dư luận phản ánh không bảo đảm tính hợp lý, tính khả thi , thậm chí gây bức xúc trong dư luận. Ông có ý kiến như thế nào?

Là cơ quan chuyên trách kiểm tra văn bản, chúng tôi theo dõi và nắm rất sát thông tin của dư luận trong thời gian gần đây phản ánh về tính hợp pháp và tính hợp lý của văn bản.

Dư luận gần đây, đặc biệt các thông tin đại chúng nâng cao tính phản biện đối với các thể chế, chính sách của nhà nước. Ví dụ ý kiến về xử phạt xe không chính chủ; thủ tục và lệ phí sang tên đổi chủ xe; phí đường bộ; CMND mang tên cha mẹ, v.v... Đây là những ý kiến phản biện nhiều chiều đáng quý. Cá nhân tôi rất trân trọng và đánh giá cao những thông tin này.

Điều này cho thấy, thứ nhất, từ trước đến nay khi ban hành văn bản và quy định, một số cơ quan có thẩm quyền chưa thực sự chú ý đúng mức đến tính hợp lý, tính khả thi cũng như ý kiến của dư luận. Đặc biệt cũng có nhiều trường hợp bị lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm, lợi ích ngành, lợi ích địa phương chi phối. Bây giờ, cần hết sức chú ý điều này. Không thể hời hợt, làm chiếu lệ.

Một khi dư luận đã nêu, các cơ quan có thẩm quyền cần nghiêm túc xem xét. Thực tiễn này đòi hỏi cơ quan chủ trì chuẩn bị dự án, dự thảo cần nghiêm túc trong nghiên cứu đề xuất phương án. Đặc biệt thực hiện nghiêm quy định lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản.

Thực tiễn cũng đòi hỏi cơ quan thẩm định phải thẩm tra nâng cao trình độ, ý thức trách nhiệm. Không thể qua loa, đại khái, tư duy lối mòn, thiếu tính phản biện, tính thực tiễn. Cơ quan, người có thẩm quyền ban hành văn bản cũng cần thảo luận, cân nhắc kỹ lưỡng các nội dung định ban hành để nâng cao chất lượng, bảo đảm tính hợp hiến, hợp phảp, tính thống nhất đồng bộ, tính khả thi của văn bản.

Thứ hai, điều này cũng cho thấy trình độ nhận thức cũng như khả năng phản biện của các tầng lớp nhân dân ngày càng cao đối với những thể chế chính sách. Họ không còn hoàn toàn thụ động, yếm thế như nhiều năm trước đây.

Thứ ba, cần khẳng định vai trò đóng góp rất lớn của báo chí, các phương tiện thông tin đại chúng khi phản ánh những luồng dư luận, thông tin nhiều chiều trước một chủ trương, chính sách nào đó. Điều này cũng thể hiện tính dân chủ, công khai, minh bạch ngày càng tốt hơn trong việc ban hành và thực hiện thể chế.

Thực tiễn của công tác hậu kiểm (kiểm tra, kiểm soát) các văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) đang cho thấy điều gì?

Hệ thống các cơ quan kiểm tra, xử lý văn bản hiện đang thực hiện nhiệm vụ giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng, chủ tịch UBND các cấp thực hiện quyền năng, trách nhiệm xử lý văn bản sai trái của cấp dưới. Điều này được quy định trong Hiến pháp, các luật tổ chức như Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức HĐND và UBND; Luật Ban hành văn bản QPPL.

Đáng lưu ý, hệ thống cơ quan kiểm tra xử lý văn bản chỉ có thẩm quyền kiểm tra, xử lý văn bản của bộ trưởng trở xuống. Còn văn bản của Thủ tướng trở lên đang trông chờ vào việc thực hiện quyền giám sát của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội. Đáng tiếc, việc thực hiện chức năng giám sát hiện còn thiếu tính chuyên nghiệp, chưa bảo đảm thường xuyên, toàn diện, đồng bộ.

Theo tôi, để có hệ thống pháp luật tốt, cần nghiên cứu đưa ra một số cơ chế như Hội đồng Hiến pháp. Hội đồng này nên được giao thẩm quyền tập trung xem xét tính hợp hiến, hợp pháp của các văn bản do các cơ quan từ cấp Thủ tướng Chính phủ trở lên ban hành. Có như vậy mới bảo đảm cơ chế hậu kiểm đối với toàn bộ hệ thống văn bản QPPL.

Hơn nữa, cơ chế hậu kiểm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng, chủ tịch UBND đối với văn bản QPPL dù đạt hiệu quả, được dư luận hoan nghênh, cần được tiếp tục duy trì. Nhưng đây cũng chỉ là cơ chế mang tính nội bộ trong hệ thống các cơ quan hành pháp, cơ quan quản lý hành chính.

Theo tôi, để bảo đảm tính khách quan, nghiêm chuẩn, kỷ luật, kỷ cương trong ban hành văn bản QPPL, cần nghiên cứu mô hình của nhiều nước. Đó là giao cho tòa án nhân dân thực hiện cơ chế tài phán – tuyên hủy – đối với văn bản quy phạm pháp luật không bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, bị khiếu kiện.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Cảnh Kiên (ghi) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN