Ukraine dựng lại hành trình tên lửa Buk bắn hạ MH17

Tình báo Ukraine công bố các bằng chứng về hành trình của tên lửa đã bắn hạ máy bay xấu số MH17.

Ngày 20/7, các quan chức Ukraine tuyên bố họ có những “bằng chứng không thể chối cãi” cho thấy các quân nhân Nga đã vận hành hệ thống tên lửa đã bắn hạ chiếc máy bay MH17 trên bầu trời Ukraine khiến toàn bộ 298 hành khách và thành viên phi hành đoàn thiệt mạng.

Ông Vitaly Naida, trưởng phòng phản gián của cơ quan tình báo Ukraine SBU tuyên bố: “Hành động này được thực hiện với sự trợ giúp của Nga. Chúng tôi biết rõ rằng khẩu đội vận hành hệ thống tên lửa này là công dân Nga.”

Ukraine dựng lại hành trình tên lửa Buk bắn hạ MH17 - 1

Một hệ thống tên lửa phòng không Buk

Các nguồn tin tình báo của Ukraine cũng đã dựng lại hành trình của hệ thống tên lửa này trước khi nó phóng lên một quả tên lửa và bắn hạ MH17. Theo đó, xe chở tên lửa đã lợi dụng bóng đêm để vượt qua biên giới Nga ở làng Sukhodolsk, tiến vào lãnh thổ do phe ly khai Ukraine kiểm soát lúc 1 giờ sáng hôm thứ Năm tuần trước.

Đến 9 giờ sáng, hệ thống tên lửa Buk này tiến tới thành phố Donetsk, căn cứ địa và là sở chỉ huy của lực lượng ly khai miền đông Ukraine. Tại đây, với sự hộ tống của xe tăng T-72, hệ thống tên lửa này tiếp tục khởi hành về phía đông.

Tại một cuộc họp báo, ông Naida trưng ra một bức ảnh cho thấy hệ thống tên lửa Buk này ở ngay cạnh một siêu thị trong quảng trường thị trấn. Tình báo Ukraine cũng chặn thu được cuộc đàm thoại giữa một sĩ quan tình báo Nga tên là Sergei Nikolaevich Petrovskiy và một chiến binh phe ly khai.

Ukraine dựng lại hành trình tên lửa Buk bắn hạ MH17 - 2

Tên lửa Buk được phát hiện ở quảng trường thị trấn Torez chỉ vài giờ trước khi MH17 gặp nạn

Chiến binh ly khai hỏi Petrovskiy nên bố trí “người đẹp” này ở chỗ nào, và sau đó xác nhận với Petrovskiy rằng thứ mà anh ta đang nói tới chính là tên lửa Buk.

Sau đó, hệ thống tên lửa Buk này được đưa tới một vị trí gần làng Pervomaysk, cách thành phố Donetsk khoảng 120 km.

Nó dừng ở đây đến khoảng 4 giờ chiều, khi một xạ thủ Nga báo cáo với một sĩ quan của phe ly khai có mật danh là “Thợ mỏ” rằng radar trên hệ thống của họ phát hiện một máy bay bay cao. Tình báo Ukraine cho rằng chính “Thợ mỏ” là người đã ra quyết định khai hỏa định mệnh.

Quả tên lửa phóng lên với vận tốc gấp 3 lần vận tốc âm thanh, và chỉ hơn 10 giây sau, nó phát nổ gần chiếc máy bay Boeing 777 đang bay ở độ cao 10.600 mét – cao hơn so với vùng cấm bay 10.000 mét do nhà chức trách hàng không Ukraine quy định.

Tình báo Ukraine đã cho đăng tải trên trang web của mình hình ảnh mà họ cho là vệt khói do quả tên lửa định mệnh để lại sau khi được phóng lên về phía MH17.

Ukraine dựng lại hành trình tên lửa Buk bắn hạ MH17 - 3

Vệt khói mà Ukraine cho là do tên lửa bắn hạ MH17 để lại

Ban đầu, có vẻ như các chiến binh ly khai Ukraine rất hân hoan khi nhìn thấy chiếc máy bay bị trúng tên lửa. Một chỉ huy quân ly khai gọi điện về cho sĩ quan tình báo Nga: “Chúng tôi mới bắn rơi một máy bay.” Cuộc điện thoại này đã bị tình báo Ukraine ghi lại.

Sau đó, lãnh đạo quân đội Cộng hòa Donetsk Igor Girkin khoe trên mạng xã hội của Nga rằng các binh lính của ông ta vừa bắn rơi một máy bay vận tải AN-26 của Ukraine cùng lời tuyên bố: “Chúng tôi đã cảnh báo rồi, đừng có bay vào vùng trời của chúng tôi.”

Tuy nhiên lực lượng ly khai nhanh chóng nhận ra sai lầm của họ. Một chiến binh gọi điện cho cấp trên: “Chúng tôi đã tìm thấy 200 thi thể đầu tiên. Chúng tôi chắc chắn 100% rằng đó là một máy bay dân sự.”

Ngay lập tức, những lời khoe khoang của Girkin bị xóa khỏi mạng xã hội.

Đến khoảng 11 giờ đêm hôm đó – 7 tiếng sau khi những mảnh vỡ và thi thể hành khách rơi như mưa xuống các cánh đồng và khu dân cư ở miền đông Ukraine – phe ly khai bắt đầu hối hả di chuyển hệ thống tên lửa này về phía biên giới Nga.

Tình báo Ukraine cho biết hai hệ thống tên lửa Buk – trong đó có một hệ thống bắn hạ MH17 – đã được kéo về Nga để “che giấu bằng chứng” về sự liên quan của Nga trong vụ việc này.

Ukraine dựng lại hành trình tên lửa Buk bắn hạ MH17 - 4

Một hệ thống vũ khí giống tên lửa Buk được chở về phía biên giới Nga

Ukraine dựng lại hành trình tên lửa Buk bắn hạ MH17 - 5

Hình ảnh được lan truyền trên mạng xã hội về "tên lửa đã bắn hạ MH17"

Các quan chức Ukraine khẳng định họ đưa ra các thông tin trên dựa vào những cuộc điện đàm mà họ chặn thu được và các hình ảnh vệ tinh.

Tờ Sunday Times của Anh cho biết hệ thống tên lửa Buk ra đời cách đây 35 năm và vẫn là vũ khí phòng không chủ yếu của Nga và các quốc gia thuộc Liên Xô cũ, trong đó có cả quân đội Ukraine.

Với tầm bắn tới hơn 20.000 mét, tên lửa Buk có thể dễ dàng tiêu diệt các mục tiêu ở độ cao 10.000 mét giống như máy bay MH17. Khối thuốc nổ 150 km bên trong đầu đạn tên lửa phát nổ ở tầm gần sẽ khiến máy bay dân dụng không có cơ hội thoát được. Nga hiện nay được cho là sở hữu khoảng 350 giàn phóng Buk.

Ukraine dựng lại hành trình tên lửa Buk bắn hạ MH17 - 6

Tên lửa phát nổ ở tầm gần khiến MH17 không có cơ hội thoát nạn

Tên lửa Buk có thể xác định các máy bay quân sự “bạn”, nhưng nó không thể thu được tín hiệu do bộ phát đáp của máy bay chở khách phát ra nên không thể phân biệt được đâu là máy bay quân sự, đâu là máy bay dân sự.

Tuy nhiên trang thông tin quốc phòng IHS Jane’s khẳng định đây là một hệ thống phòng không phức tạp, và nó phải được vận hành bởi kíp xạ thủ đã được huấn luyện, đào tạo cơ bản.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trí Dũng (Theo NewYorkPost) ([Tên nguồn])
Máy bay Malaysia rơi ở Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN