Vụ CSGT bắn sếp: Trả hồ sơ, điều tra lại từ đầu

Tòa nhận định, trong suốt phiên tòa, lời khai của bị cáo không đồng nhất với lời khai trước đây. Phía luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại cũng đưa ra khá nhiều tình tiết chưa được làm rõ. Để xử đúng người, đúng tội, không oan sai, chủ tọa quyết định trả hồ sơ vụ án cho cơ quan điều tra để điều tra lại từ đầu.

Sáng nay (26/8), bị cáo Ngô Văn Vinh (tự Vinh “đen”), nguyên đại úy Trạm Tuần tra kiểm soát giao thông Suối Tre, Phòng CSGT đường sắt, đường bộ - Công an tỉnh Đồng Nai bị đưa ra xét xử về tội “Giết người trong trạng thái bị kích động mạnh”.

Kết thúc phiên xét xử sáng nay, bị cáo Ngô Văn Vinh không thừa nhận bắn chết thiếu tá Trần Ngọc Sơn (Phó trạm CSGT Suối Tre). "Bị cáo không biết ai đã lấy súng của mình bắn bị thương Phú và bắn chết sếp Sơn", Vinh khai trước tòa.

Sau khi Ngô Văn Vinh phủ nhận bắn chết thiếu tá Sơn, công tố viên tại tòa đã yêu cầu bị cáo khai trung thực. Vì trước đó, tại cơ quan điều tra, Vinh khai rằng chính bị cáo là người bắn hết đạn trong súng mình.

Nhân chứng Trương Học Lâm (lái xe của nạn nhân Sơn) cũng khẳng định Vinh là người nổ súng liên tục, bắn chết thiếu tá Sơn và bắn bị thương thượng úy Đoàn Thanh Phú.

Vụ CSGT bắn sếp: Trả hồ sơ, điều tra lại từ đầu - 1

Toàn cảnh phiên tòa xét xử đại úy bắn chết thiếu tá CSGT chiều 26/8

14h13: Phiên tòa xét xử đại úy bắn chết thiếu tá CSGT tại Đồng Nai tiếp tục.

Bắt đầu phiên xử buổi chiều, chủ tọa mời ông Đoàn Thanh Phú, người bị trúng đạn, mang thương tích 15% (tạm thời) trong vụ án lên trả lời các câu hỏi của HĐXX.

Vụ CSGT bắn sếp: Trả hồ sơ, điều tra lại từ đầu - 2

Vợ của nạn nhân Trần Ngọc Sơn theo dõi phiên tòa.

14h15: Thượng úy Đoàn Thanh Phú cho hay, bị cáo Vinh khai ngủ say là không chính xác. Khi anh Sơn vào có nói: “Mày ngon thì bắn tao đi”. Ngay sau đó, anh Sơn đấm vào mặt bị cáo. Thấy chuyện không hay xảy ra, ông vội vàng xông vào can ngăn nhưng không được. Ông cũng khẳng định, lúc này mình không hề biết Vinh có súng. Ông nghe tiếng súng nổ thì phát hiện mình bị trúng đạn. Đạn xuyên qua đùi, ông ngã. Dù đau đớn nhưng ông vẫn cố bò ra ngoài. “Tôi điều trị hơn một tháng tại Bệnh viện Chợ Rẫy với chi phí hỗ trợ chừng 20 triệu đồng”, nhân chứng nói.

14h34: Chủ tọa gọi nhân chứng tiếp theo là một cán bộ CSGT Dầu Giây tên Hảo.

Ông Hảo cho biết, khi mình vào phòng tập thể thì có thấy vết máu nên hỏi Vinh. Lúc này, Vinh bảo mới bị té xong. Trong lúc đang thay áo quần, Sơn đi vào, thách Vinh đánh mình. Sau đó, Sơn xông vào đánh Vinh. “Tôi có thấy anh Phú vào can. Riêng tôi, do lúc đó phòng hẹp, mọi chuyện diễn biến quá nhanh nên không thể vào can được”, nhân chứng này nói.

Ông Hảo cũng cho hay, có nghe hai tiếng súng nổ nhưng không biết người bắn, chỉ nghĩ là tiếng súng cao su nổ. Tuy nhiên, trong tích tắc, ông Hảo nhận thấy ông Phú bị thương, máu chảy nên biết đó là súng thật đã bắn. Ông Phú bò ra ngoài, ông Hảo cũng vội vàng theo sau. Khi ra đến ngoài cửa, ông Hảo dìu ông Phú rồi đưa đi cấp cứu. “Mọi chuyện diễn biến quá nhanh, trong phòng lại lộn xộn, tôi không biết lúc đó có ai vào phòng Vinh nữa hay không”, ông Hảo trình bày tại tòa.

Vụ CSGT bắn sếp: Trả hồ sơ, điều tra lại từ đầu - 3

Ông Đoàn Thanh Phú, người bị trúng đạn, mang thương tích 15% (tạm thời) trong vụ án lên trả lời các câu hỏi của HĐXX.

14h45: Chủ tọa gọi ông Lê Nguyên Cường (cán bộ CSGT Dầu Giây) lên thẩm vấn.

Ông Cường cho biết, hôm xảy ra vụ án, ông được Phạm Lê Ngọc Long rủ đi nhậu cùng với Vinh. Trong lúc đang nhậu thì Sơn qua. Một lát sau, Vinh và Long rời phòng đang ngồi, sang phòng bên kia thì xảy ra đánh nhau. Sau khi can ngăn, Cường đón taxi về trạm.

14h52: Chủ tọa gọi nhân chứng Nguyễn Ngọc Hạnh (còn gọi là Bill, cán bộ CSGT Dầu Giây) lên thẩm vấn.

Ông Hạnh khai, hôm xảy ra vụ án, Trương Thành Chí (còn gọi là Trúc) điều khiển ô tô sang chở đi nhậu. Ban đầu, nhậu ở quán thịt rừng Núi Đỏ rồi chuyển sang hát karaoke tại quán Hân Linh. Ngồi nhậu một lúc, Hạnh thấy Sơn bước ra ngoài.

Sau đó, Vinh và Long bước vào. Vinh nâng ly mời Chí. Hạnh không biết, Vinh và Chí nói chuyện gì nhưng có thấy họ xảy ra xô xát. Thấy Sơn đánh Vinh, Hạnh vội vàng nhảy vào can ngăn. Sơn cùng Hạnh đến một quán khác để nhậu. Lúc này, Hạnh nghe Sơn kể lại có người tại trạm thông báo Vinh mang súng đi tìm Sơn. Một lúc sau, cả nhóm ra về.

Trên đường về, Sơn bảo ghé vào trạm. Lúc này, Sơn đi vào trong còn Hạnh ngồi bên ngoài với một phụ nữ trên xe. Khi Hạnh đi vào trạm thì nghe tiếng súng nổ trên lầu nên vội vàng chạy lên trên lầu. Trước mặt Hạnh là Sơn và Vinh đang vật nhau. Hạnh có thấy Vinh cầm súng. Riêng Sơn bị chảy máu và có nói Vinh bắn mình.

15h: Nhân chứng Nguyễn Thái Phong được mời lên thẩm vấn.

Phong khai được Sơn gọi điện rủ lên thị xã Long Khánh nhậu. Sau đó, cả nhóm kéo nhau đến quán karaoke Hân Linh hát. Phong có nghe Vinh và Trương Thành Chí (tức Trúc) nói về anh của Chí. Lúc này, Chí còn gọi điện cho anh của mình để hỏi có biết Vinh không. Sau đó, Chí nói: “Mày nhỏ hơn tao một tuổi nên không thể học cùng lớp anh tao được”. Vinh mời Chí uống bia. Chí hất ly bia. Vinh bị chảy máu. Phong có lấy giấy thấm máu cho Vinh rồi ra tính tiền.

“Tôi có nghe Vinh bị Sơn đánh nhưng khi chạy vào thì mọi chuyện đã kết thúc. Riêng bên trong chỉ còn một mình Hạnh và Long. Tôi không thấy có chuyện đánh đấm gì hết”, nhân chứng Phong nói.

15h20: Chủ tọa mời vợ anh nạn nhân Sơn là bà Nguyễn Thị Bích Vân lên thẩm vấn.

Bà Vân cho biết, từ khi vụ án xảy ra đến nay, phía gia đình bị cáo Vinh chưa một lần đến bồi thường cho gia đình mình. Bà Vân yêu cầu xử nghiêm, đúng pháp luật đối với Vinh.

Bên cạnh đó, bà Vân yêu cầu bị cáo Vinh bồi thường các khoản như: mai táng phí, tổn thất tinh thần, cấp dưỡng nuôi hai con cho đến khi 18 tuổi…, tổng cộng là 3 tỷ đồng.

15h25: Chủ tọa mời ông Đoàn Thanh Phú lên thẩm vấn về yêu cầu bồi thường dân sự.

Ông Phú cho hay, khi vụ án xảy ra, ông bị thương tích 15% tạm thời. Ông được nhập viện Chợ Rẫy, nằm điều trị hơn một tháng. Ông yêu cầu chi phí điều trị, tổn thất tinh thần… với tổng số tiền 200 triệu đồng.

15h45: Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Bích Vân (vợ nạn nhân Sơn) cho biết, cách đây vài năm mẹ chồng và một người em trai đã qua đời để lại một người cha già bị bại liệt. Riêng vợ chồng chị cưới nhau đã được 12 năm và sinh được hai đứa con gái. Cháu lớn năm nay được 11 tuổi và cháu nhỏ năm nay 9 tuổi.

"Anh Sơn là người đàn ông của gia đình. Ngoài thời gian đi làm, anh luôn cố về sớm để chăm sóc cha và chơi đùa cùng các con", bà Vân kể. Hôm xảy ra vụ án, chị nghe tin chồng bị bắn, vì quá đau đớn nên đã ngất xỉu. Bà Vân cho hay, trong phiên tòa này, không đồng tình với lời khai của Vinh. Bởi, Vinh có những lời khai hoàn toàn khác với các nhân chứng cũng như kết luận của vụ án. Bên cạnh đó, bà không đồng tình với khung hình phạt truy tố Vinh từ 6 tháng đến 3 năm tù. “Mức hình phạt này là quá nhẹ so với nỗi đau gia đình chúng tôi đã chịu đựng”, bà Vân nói.

15h46: Kiểm sát viên hỏi nhân chứng Trương Ngọc Lâm: “Anh nghĩ như thế nào khi anh Sơn đã được can nhưng vẫn khăng khăng lên lầu?”. Ông Lâm trả lời: “Không biết”.

Vụ CSGT bắn sếp: Trả hồ sơ, điều tra lại từ đầu - 4

Bị cáo Vinh tại tòa chiều ngày 26/8

15h48: Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Vinh xin được thẩm vấn ba nhân chứng Phạm Lê Ngọc Long, Lê Nguyên Cường và Trương Ngọc Lâm.

16h10: Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho gia đình bị hại xin được thẩm vấn Vinh. Vinh cho hay, khẩu súng được cho là bắn nạn nhân Sơn trong vụ được cấp trong một đợt tán công, trấn áp tại phạm kéo dài từ 2 đến 3 tháng. Tuy nhiên, điều đặc biệt là khẩu súng này không được cấp phép.

Luật sư hỏi: “Khẩu súng này đã được lên đạn cách khi vụ án xảy ra hai tuần. Tại sao lại như vậy?”. Vinh thừa nhận: “Tôi truy đuổi tội phạm trộm cắp xe nên vừa chạy vừa lên đạn thì lắc lư rất khó trong việc lên đạn. Do đó, tôi lên đạn sẵn cho an toàn”.

Vinh khai, bình thường, mỗi khi đi làm về thường bỏ súng vào tủ cất. Tuy nhiên, hôm xảy ra vụ án, do nhậu và đi tắm nên để quên súng ở dưới gối. Cũng như buổi sáng, Vinh không thừa nhận việc đã bắn anh Sơn. “Tôi không bắn Sơn. Tôi chỉ bắn hai phát hướng lên trần nhà. Tôi bắn hai phát này với ý định cho những người đánh mình giãn ra”, Vinh nói lớn.

Vụ CSGT bắn sếp: Trả hồ sơ, điều tra lại từ đầu - 5

Bị cáo Vinh và luật sư bào chữa trao đổi trong phiên xử buổi chiều.

16h15: Phiên tòa chuyển sang phần tranh luật với phần đại diện Viện KSND tỉnh Đồng Nai giữ quyền công tố tại phiên tòa phát biểu quan điểm về vụ án. Vị công tố viên đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Vinh mức án từ 24-30 tháng tù về tội "Giết người trong trạng thái bị kích động mạnh".

Trước đó, vị đại diện cơ quan công tố nhận định: mặc dù trong phiên tòa, Vinh không đồng tình với cáo trạng, kết luận điều tra, tuy nhiên từ những lời khai của bị cáo trong quá trình điều tra cũng như lời khai của các nhân chứng, căn cứ tài liệu trong hồ sơ, kết quả giám định… vẫn có đủ cơ sở kết luận Vinh có hành vi giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh.

16h30: Luật sư bào chữa cho bị cáo Vinh cho rằng, trong thâm tâm, bị cáo không có ý định giết người. Việc giết người của bị cáo cũng không có mục đích. Bị cáo và bị hại trước đây từng là bạn học và có quan hệ tốt, không có hiềm khích. Bị cáo phạm tội trong tình trạng bị kích động. Khi xảy ra vụ án, chính Vinh cũng bị Sơn đánh thương tích rất nặng. Hành vi của Sơn cũng là vi phạm pháp luật. Luật sư cho rằng, Vinh có nhiều tình tiết giảm nhẹ như lần đầu phạm tội, nhân thân tốt, có nhiều năm cống hiến cho ngành, thành khẩn khai báo… nên đề nghị mức án thấp hơn so với đề nghị của viện kiểm sát.

16h35: Bị cáo Vinh xin có ý kiến và được chấp nhận. Vinh nói: “Tôi xin lỗi gia đình anh Sơn. Tôi xin lỗi đơn vị vì đã gây ra hậu quả quá lớn. Ngoài ra, tôi cũng mong HĐXX xem xét những tình tiết giảm nhẹ tội để tôi có mức án thấp nhất có thể”.

Vụ CSGT bắn sếp: Trả hồ sơ, điều tra lại từ đầu - 6

Luật sư cung cấp biên bản khám nghiệm hiện trường không có chữ kí của viện kiểm sát

16h55: Luật sư Nguyễn Thị Ki Vinh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho gia đình nạn nhân cho rằng, trong vụ án này có nhiều điều vi phạm luật tố tụng nghiêm trọng.

Luật sư chỉ ra, theo quy định thì phải chuyển khẩu súng cho tòa xem xét nhưng lại chuyển cho CSGT là vi phạm quy định của pháp luật về xử lý vật chứng. Riêng về khẩu súng K59 không rõ số hiệu. Mã hiệu khẩu súng trong hồ sơ thể hiện, kết quả giám định là 5694. Tuy nhiên, biên bản khám nghiệm lại ghi là 5894. Đến kết luận điều tra lại ghi là 5694. Đến cáo trạng lại ghi là 5894.

“Tôi đề nghị làm rõ, đây có phải là khẩu súng gây án hay không?”, luật sư nhấn mạnh. Luật sư Ki Vinh cho hay, công tác khám nghiệm hiện trường cũng có nhiều vấn đề. Chẳng hạn, khi tham gia khám nghiệm không có đại diện của viện kiểm sát. Lời khai cũng có nhiều mâu thuẫn. Trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra không cho đối chất, bất lợi cho nạn nhân và có lợi cho bị cáo. Trong suốt quá trình điều tra, gia đình bị hại không nhận được hồ sơ. “Chỉ đến khi đọc báo, gia đình nạn nhân mới biết là hồ sơ đã chuyển qua tòa”, luật sư nói.

Luật sư Ki Vinh cho rằng bị cáo phạm tội giết người chứ không phải là phạm tội trong tinh thần kích động. Chẳng hạn, súng đã được lên đạn sẵn, súng được cất dưới gối, cầm súng đi tìm Sơn… “Tất cả những tình tiết này khẳng định bị cáo đi tìm bị hại để trả thù”, bà nói…

Từ những điều trên, luật sư đề nghị trả hồ sơ cho cơ quan điều tra để điều tra lại theo tội Giết người.

17h05: Đại diện Viện kiểm sát đối đáp với luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình bị hại. Kiểm sát viên cho rằng, viện kiểm sát truy tố bị cáo Vinh là đúng người, đúng tội, không có oan sai. Đồng thời, không chấp nhận điều luật sư đã đề nghị. “Tôi vẫn giữ nguyên ý kiến của mình”, công tố viên phát biểu.

17h1: Luật sư Ki Vinh cho rằng, mặc dù viện kiểm sát thừa nhận mã số khẩu súng gây án có sự nhầm lẫn, nhưng đến nay, phía gia đình bị hại chưa nhận được bất kì văn bản đính chính nào. “Bất kể bây giờ, bị cáo Vinh có bị phạt bao nhiêu năm tù đi nữa thì nạn nhân Sơn cũng không thể sống lại được. Tuy nhiên, xét xử làm sao cho đúng người, đúng tội, đừng để bị oan ức”, luật sư nói.

17h30: Vinh từ chối nói lời sau cùng.

17h32: Tòa quyết định vào phòng nghị án.

17h45: Tòa nhận định, trong suốt phiên tòa, lời khai của bị cáo không đồng nhất với lời khai trước đây. Phía luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại cũng đưa ra khá nhiều tình tiết chưa được làm rõ. Để xử đúng người, đúng tội, không oan sai, chủ tọa quyết định trả hồ sơ vụ án cho cơ quan điều tra để điều tra lại từ đầu.

Phiên tòa kết thúc.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Sông Bồ ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN