Bí quyết sống trường thọ của cụ bà cao tuổi nhất VN

Sống qua 3 thế kỷ, cụ Nguyễn Thị Trù (121 tuổi, ngụ ấp 5, xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, TPHCM) vừa mới được tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục là cụ bà sống lâu nhất Việt Nam. Để đạt tới độ tuổi đại thượng thọ như vậy, cụ Trù có một bí quyết sống cho riêng mình.

Ngày 21/7, tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã công nhận cụ Trù là cụ bà sống thọ nhất Việt Nam thời điểm hiện tại. Theo giấy chứng minh nhân dân số 021172033 do Công an tỉnh Long An cấp ngày 25/7/1979, cụ Trù sinh năm 1893, quê ở huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An. Nơi thường trú là ấp 1 (nay là ấp 5, xã Đa Phước, huyện Bình Chánh).

Sở thích đặc biệt

Sắp tới, tổ chức Kỷ lục Việt Nam sẽ đề xuất với tổ chức Kỷ lục châu Á cũng như tổ chức Kỷ lục thế giới công nhận cụ Trù là cụ bà sống thọ nhất thế giới với số tuổi hiện tại là 121 tuổi. Người đang giữ kỷ lục sống thọ nhất thế giới là cụ bà 116 tuổi người Nhật Bản.

Cụ Trù đang ở với người con trai út là ông Nguyễn Hữu Phương (74 tuổi) và vợ của ông Phương là bà Nguyễn Thị Đoàn (75 tuổi). Cụ Trù có 11 người con và hơn trăm cháu, chít... Hiện giờ, con của cụ chỉ còn lại 3 người. 

Bí quyết sống trường thọ của cụ bà cao tuổi nhất VN - 1

Cụ Trù được tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận là người phụ nữ sống thọ nhất Việt Nam với số tuổi hiện tại là 121.

Chúng tôi đến thăm cụ Trù vào một buổi trưa. Lúc này, cụ đang say giấc trên chiếc võng. Dáng người nhỏ với bộ quần áo bà ba đặc chất Nam bộ ôm gọn thân hình của cụ. Chúng tôi nói chuyện với vợ chồng ông Phương được mươi phút thì cụ Trù thức giấc. Cụ nhìn về phía chúng tôi rồi cười hiền hậu nói: "Con đến thăm bà hả. Có mang gì cho bà ăn không?".

Theo ông Phương, cụ giờ đã không còn nhớ một chút gì về thời gian trước. Hằng ngày, ngoài những bữa ăn chính thì cụ thích ăn vặt, đặc biệt là thích ăn, uống đồ ngọt.

"Lúc còn khỏe, mẹ khoái khẩu với các món ngọt lắm. Có lần mẹ ăn một lần ba bốn chén chè mà không ngán. Có khi nửa đêm đang ngủ, tôi giật mình dậy thì thấy mẹ lọ mọ nấu chè để ăn. Mà chè mẹ tôi nấu mình ăn không nổi vì mẹ bỏ rất nhiều đường. Hỏi thì mẹ bảo tự nhiên thèm chè không chịu nổi nên dậy nấu ăn", bà Đoàn (con dâu cụ Trù) kể.

Biết sở thích của cụ nên con cháu khi về thăm đều mang những thức ăn, nước uống ngọt cho cụ.

Bí quyết sống trường thọ của cụ bà cao tuổi nhất VN - 2

Cụ Trù đang ở với người con trai út là ông Nguyễn Hữu Phương.

Đang nói chuyện thì cụ Trù nói muốn uống nước, bà Đoàn rót một ly nước lọc đến bên mẹ chồng nói: "Con mời mẹ uống nước". Vừa uống được hai ngụm, cụ Trù đã lắc đầu tỏ vẻ không đồng ý. Theo bà Đoàn, khi còn khỏe, cụ chỉ uống nước ngọt, hoặc nước đường nên giờ đưa nước lọc là cụ không thích. Lo sợ cụ uống nhiều không tốt nên vợ chồng ông Phương cũng giảm nước ngọt, không cho cụ uống nhiều.

Ông Phương kể: "Trước đây, trong nhà lúc nào cũng có hũ đường phèn mẹ mua để dành đó. Ngoài uống nước ngọt, nước đường thì mẹ hay ăn đường phèn. "Mẹ ăn dữ lắm. Đường phèn đóng cục mà mẹ cắn nhai rụm rụm vậy. Răng mẹ chỉ mới rụng cách đây hơn năm, còn tôi thì đã rụng hơn chục năm trước rồi, giờ miệng móm sọm".

Bí quyết sống trường thọ của cụ bà cao tuổi nhất VN - 3

Theo giấy chứng minh nhân dân do Công an tỉnh Long An cấp ngày 25/7/1979 thì cụ Trù sinh năm 1893, quê ở huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An.

Cũng theo ông Phương, cụ Trù thèm ngọt đến nỗi khi ra đồng cày cấy cũng mang theo vài cục đường phèn cất trong túi áo để ăn. Hôm nào quên, người cụ cứ thẫn thờ như mất cái gì vậy. Biết ý mẹ nên ông quay về nhà lấy.

"Tôi về làm dâu nhà này đã gần 60 năm nhưng thấy mẹ chỉ toàn thích ăn đồ ngọt và uống nước đường", bà Đoàn nói vui.

Bà Đoàn cho biết: "Giờ mẹ đã yếu, không đi lại được, ăn uống cũng ít hơn so với trước. Chỗ gắn liền với mẹ nhất là chiếc võng và mẹ cũng không còn nhớ gì hết".  Ông Phương nói xen vào: "Tui đây còn có lúc nhớ, lúc không, nói chi đến mẹ tui". Tuy vậy, chúng tôi thấy khuôn mặt và đôi mắt của cụ vẫn hiện lên nét tinh anh vẻ đôn hậu của một phụ nữ đã sống quá một đời người.

Bí quyết sống trường thọ của cụ bà cao tuổi nhất VN - 4

 UBND TP chúc mừng cụ Trù thọ 121 tuổi

Sống thanh thản không giận hờn

Theo ông Phương, mẹ ông làm nông rất giỏi. Cha mẹ ông đã khai hoang cả một vùng đất rộng lớn ở miệt Đa Phước để trồng lúa. Thời đó làm lúa chỉ có một vụ, mùa còn lại phải bỏ vì nước bị nhiễm mặn. Cha mẹ ông lại chèo ghe đánh cá, cắt rau dại, bồn bồn về ăn và bán. Ăn uống, lao động gắn với thiên nhiên nên cha mẹ ông có sức khỏe. 

"Cá dưới sông, gạo tự trồng, rau trong vườn. Mọi thứ cho chính bàn tay mẹ làm ra nên bữa ăn lúc đó tinh khiết và nhiều dinh dưỡng. Chính nhờ điều này mà mẹ tôi ít bệnh tật. Do gắn cả đời với đồng áng nên mẹ đã quen với sương gió. Có lẽ vì những lý do đó mà mẹ tôi đạt tới cái tuổi đại thượng thọ như ngày nay", ông Phương nói.

Bà Đoàn kể thêm rằng, ngoài việc tránh xa những thứ thức ăn độc hại, cụ Trù có thói quen tập thể dục và lên chùa tĩnh tâm. Cách nhà cụ không xa là một ngôi cổ tự. Do dạo này sức khỏe yếu, không đi lại được nên cụ không lên chùa chứ trước đây chừng 7 năm, cụ Trù thường xuyên lên chùa này chơi, nghe tụng kinh. 

Bà Đoàn nói thêm: "Mẹ chồng tôi sống đơn giản và chan hòa với mọi người. Từ hồi về làm dâu tới giờ tôi không thấy mẹ cự cãi hoặc ghét bỏ ai. Cụ có giận nhưng cũng nhanh qua. Cụ có một tình thương trải rộng đến mọi người xung quanh, không nặng nề lo toan suy nghĩ và đặc biệt mẹ không màng đến vật chất nên sống khỏe và rất thanh thản".

Hình ảnh cụ Trù tại gia đình:

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Dương Thanh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN