“Chùa thờ Phật, sao lại đặt sư tử đá”?

“Tôi cũng thấy lạ khi nhìn thấy một số đền, chùa xuất hiện sư tử đá. Chỗ thờ không nên đặt sư tử đá”.

Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch vừa có văn bản yêu cầu không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật trái với thuần phong mỹ tục Việt Nam.

Hòa thượng Thích Thanh Nhã, Ủy viên thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trụ trì chùa Trấn Quốc cho rằng, một số đền, chùa đặt linh vật lạ như sư tử đá, cá sấu đá không phù hợp.

“Tôi cũng thấy lạ khi nhìn thấy một số đền chùa xuất hiện sư tử đá. Chỗ thờ không nên đặt sư tử đá”, Hòa thượng Thích Thanh Nhã nói.

Hòa Thượng lý giải, trong văn hóa tâm linh của người Việt chỉ có 4 vật linh gồm Long, Ly, Quy Phượng để ở đền chùa.

Long, Ly, Quy, Phượng được dân gian bắt nguồn từ bốn linh thần gồm Thanh Long, Bạch Hổ, Huyền Vũ và Chu Tước. 4 linh vật này được người xưa tạo ra từ bốn chòm sao cùng tên ở bốn phương, mang bên mình bốn nguyên tố tạo thành trời đất theo quan niệm của người xưa (lửa, nước, đất và gió). Nơi  đặt những  linh vật này phải hội tụ yếu tố hòa hợp.

“Chùa thờ Phật, sao lại đặt sư tử đá”? - 1

Không nên đặt sư tử đá ở đền chùa

Đạo Phật dạy, cung tiến phải theo đúng bản sắc văn hóa dân tộc của Việt Nam. Người cung tiến có thể đưa Long, Ly, Quy, Phượng chứ không nên đưa sư tử vào đền chùa.

Hòa Thượng bày tỏ: Tôi không tán thành việc đưa sư tử đá, cá sấu đá. Như vậy không đúng với tôn giáo. Chùa là nơi thờ phật, sao lại đặt sư tử đá? Ở một số chùa vẫn tiếp nhận và đặt sư tử đá là trái quy định.

Theo Hòa thượng Thích Thanh Nhã, người Trung Quốc xưa dùng sư tử đặt ở lăng mộ còn người Việt Nam lại đưa vào đền, chùa.

 “Tôi thấy một số chùa chưa xếp hạng di tích, trụ trì và chính quyền địa phương có thể đưa vào còn những chùa đã là di tích rồi thì không nhận.Trước kia, chùa cũng có người cúng sư tử đá nhưng giờ đã tháo bỏ”, Trụ trì chùa Trấn Quốc cho biết.

“Nếu ai có tâm công đức sư tử đá và những sinh vật lạ, nhà chùa cũng không nhận”, Hòa thượng nói.

Hòa thượng Thích Thiện Tâm, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội phật giáo Việt Nam cho biết, công đức là do tâm của từng người, không phải càng công đức nhiều càng có phúc. Ở trong chùa không thờ linh vật mà thờ phật. Do đó, nhà hảo tâm cũng không nên công đức linh vật.

“Nhà quản lý phải loại bỏ những linh vật lạ ngay từ đầu. Để loại bỏ những linh vật lạ tại đền chùa phải có sự hợp tác giữa chính quyền địa phương và nhà quản lý văn hóa, tránh gây mâu thuẫn, căng thẳng. Nếu nhiều người đã trót công đức, đó là tình cảm tín ngưỡng người ta đưa vào nếu làm không cẩn thận thì sinh ra cưỡng chế, không hay”, Hòa thượng Thích Thiện Tâm nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN