Công khai danh tính người mua dâm: Nên hay không?

Muốn công khai danh tính mại dâm cần phải có thí điểm và tổng kết tại các địa phương sau đó đánh giá hệ lụy của nó.

Sau khi UBND Thành phố Hà Nội đề xuất công khai danh tính mại dâm đến đoàn thể, chính quyền địa phương để kiểm điểm, giáo dục có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh vấn đề này.

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Đức Hiền, Cục Phó Cục Phòng chống tệ nạn xã hội, Bộ Lao động Thương binh Xã hội cho biết, công khai danh tính người mua dâm là vấn đề tế nhị. Do chưa có nghiên cứu, xem xét nên Bộ Lao động chưa thể khẳng định có ủng hộ hay không ủng hộ đề xuất của UBND Thành phố Hà Nội.

Ông Hiền cho biết, Hà Nội đề xuất công khai danh tính người mua dâm, Cục Phòng chống tệ nạn xã hội sẽ ghi nhận và yêu cầu xem xét kỹ lưỡng.

“Là cơ quan Trung ương chúng tôi có trách nhiệm ghi nhận đề xuất của tất cả các tỉnh thành liên quan đến phòng chống tệ nạn xã hội. Vấn đề này còn bàn bạc dài dài”, ông Hiền nói.

Ông Hiền khẳng định, công khai danh tính người mua dâm là vấn đề rất cụ thể. Đề xuất công khai danh tính người mua dâm đã được tranh luận từ cách đây 2 năm. Tuy nhiên, đề xuất này rất tế nhị và phải nghiên cứu tác dụng và hệ lụy của nó.

 “Trên thực tế, công khai danh tính người mua dâm ngoài răn đe cũng tính đến các hệ lụy khác.  Nếu công bố tên người mua dâm mà có tác dụng giảm tệ nạn mại dâm thì ta nên thí điểm làm thử”, ông Hiền nói.

Theo ông Hiền, trong pháp lệnh phòng chống mại dâm, không công bố tên tuổi, hình ảnh người bán dâm, mua dâm. Tuy nhiên, ngoài việc xử phạt hành chính người mua dâm tại chỗ hành vi mại dâm, người mua dâm sẽ bị thông báo về địa phương để kiểm điểm, giáo dục.

Công khai danh tính người mua dâm: Nên hay không? - 1

Cục Phòng chống tệ nạn xã hội sẽ xem xét đề xuất công khai danh tính người mua dâm. (Ảnh minh họa)

Chẳng hạn: Công chức, đảng viên hay lực lượng vũ trang mua dâm, tên tuổi sẽ bị thông báo cho người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền quản lý người đó để giáo dục.

Nếu thực hiện công khai danh tính người mua dâm cần xem xét tác dụng của nó. Nếu hiệu quả thì tốt mà không hiệu quả sẽ không tốt. Do đó, để bổ sung pháp lệnh phòng chống mại dâm cần phải có thí điểm và tổng kết cụ thể.

Trong khi đó TS. Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Phát triển xã hội khẳng định, đề xuất của UBND Hà Nội là đề xuất rất tốt. Tuy nhiên, để thực hiện được không  đơn giản.

TS Hồng lý giải, trước đó đề xuất này cũng định thực hiện nhưng không làm được do có nhiều cản trở.

“Có thể vì mối quan hệ, ngại ngần. Nhiều người nghĩ đưa về địa phương gia đình tan vỡ, ảnh hưởng đến quan hệ cá nhân nên không thực hiện nữa”, bà Hồng nói.

Tuy  nhiên, nếu công khai danh tính người mua dâm, số người tìm đến dịch vụ này sẽ giảm. Hơn nữa số người mắc bệnh xã hội giảm, tiết kiệm về kinh tế, giản vấn nạn xã hội.

Theo bà Hồng, thực ra một số nước đã làm nhưng đối với Việt Nam công khai danh tính người mua dâm không dễ. Nếu Hà Nội làm được thì chắc các địa phương khác sẽ làm theo.

TS. Khuất Thu Hồng cho rằng, Hà Nội phải kiên quyết thực hiện đề xuất này. Không cần làm nhiều, chỉ cần làm nghiêm khắc 1,2 trường hợp, chắc chắn tình trạng mua bán dâm cũng sẽ giảm ngay.

“Họ - những người mua dâm hẳn sẽ phải cân nhắc giữa được và mất khi việc công khai danh tính được thực thi. Chắc chắn không ai muốn đánh đổi vài phút vui vẻ để sau đó mất tất cả những thứ khác” – bà Hồng nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Đề xuất công khai danh tính người mua dâm Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN